Theo báo cáo kết quả kiểm soát tải trọng xe quý 2/2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và lực lượng TTGT toàn quốc sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 23.543 xe, trong đó có 3.597 xe vi phạm, tước 794 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 20,63 tỷ đồng.
Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng; xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số Quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Thừa nhận tình trạng nêu trên chỉ phản ánh được một phần xe quá tải lưu thông trên đường, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, còn rất nhiều phương tiện chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, phản ánh do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân xe quá tải bùng phát trở lại, lưu thông trên các Quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu, các dự án, công trình xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, một phần còn do các công trình, dự án đồng loạt khởi công trở lại sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao.
Nhằm siết chặt quản lý tải trọng xe thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GTVT rà soát hoạt động của các Trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) lưu động, có phương án sửa chữa, khắc phục nếu hư hỏng; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm, đồng thời sử dụng cân xách tay để triển khai thực hiện công tác KSTTX, phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, các Sở, ngành, UBND cấp huyện để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp...
Yêu cầu các đơn vị này phải lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các Trạm KSTTX cố định theo mô hình KSTTX tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ GTVT chấp thuận thực hiện tổng kết việc thực hiện trạm cân tự động đặt trên tuyến Quốc lộ 5 trong tháng 7/2022, làm cơ sở hoàn thiện, thống nhất mô hình, tổ chức Trạm kiểm tra tải trọng xe trong phạm vi cả nước.
Bộ GTVT xem xét chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới (nhất là các dự án đường cao tốc) đưa hạng mục cân tự động vào công trình đường bộ phải đầu tư đồng thời, chấp thuận triển khai từng bước đầu tư trạm cân tự động trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, mật độ phương tiện cao, nhất là các phương tiện vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn (xe container, xe tải...).