Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Tổng cục Đường bộ VN đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Tổng cục Đường bộ VN đề xuất phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 14 - 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với mức vi phạm này, hiện Nghị định 46 đang quy định phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Ở mức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở mức phạt đề xuất được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46 (phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX 1 - 3 tháng).
Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được Tổng cục Đường bộ VN chỉ đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 2 - 4 tháng.
Người điều khiển xe mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự như mức phạt nêu trên.
Trước thực trạng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trong thời gian vừa qua, do tài xế có uống rượu bia, nhiều ý kiến đồng tình cần tăng nặng mức xử phạt mới đủ sức răn đe. Theo các chuyên gia, tại một số nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành Chỉ thị 04 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN chủ trì, phối hợp Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016 của Chính phủ, nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, nhất là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế uống rượu bia. Trong ảnh, vụ tai nạn ở hầm Kim Liên khiến 2 phụ nữ tử vong.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến trình Chính phủ dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nhằm giảm tác hại của rượu bia với con người. Dự Luật này bao gồm các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%; làm hạn chế khả năng phối hợp vài hoạt động trong cùng một lúc; hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa. Rượu bia khiến tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là thời gian từ 20h tối đến 0h đêm là thời điểm gây nhiều tai nạn giao thông nhất trong ngày. Người đi xe máy có nồng độ cồn 50mg/dl có nguy cơ tai nạn tăng gấp 40 lần so với người không uống.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, bà Trang cho rằng cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát vấn đề lái xe uống rượu bia (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật phòng chống tác hại của rượu bia). Trong đó, thống nhất quy định nồng độ cồn đối với ô tô và xe máy là 30mg/dl. Hiện có 30 nước có quy định mức 30mg hoặc thấp hơn.
Cùng với đó là chế tài xử phạt nặng, có quốc gia đã truy tố hình sự các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia. Bà Trang cũng kiến nghị nên nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao >80mg/dl. Bắt buộc lao động công ích, phạt nặng hành vi tái phạm.
Kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông (75.000), tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.