Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế

24-02-2025 12:25 | Y tế

SKĐS - Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), sáng 24/2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm và làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác y tế trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía Bộ Y tế tham dự buổi làm việc có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; các đồng chí Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Thị Liên Hương, Lê Đức Luận và Nguyễn Tri Thức, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thăm và làm việc với Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, báo cáo tóm tắt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế thời gian qua và phương hướng thời gian tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, với nỗ lực của cả hệ thống y tế, các chỉ số đầu ra sức khỏe của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, các chỉ số được cải thiện rõ rệt qua các năm.

Nhiều chỉ tiêu đã vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới như: Tuổi thọ trung bình (tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân năm 2024 là 74,7 tuổi, đã đạt và vượt mức 74,5 tuổi vào năm 2025, cao hơn trung bình thế giới là 73,3), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng.... Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ lĩnh vực y tế.

Sức khỏe thể chất người Việt Nam được cải thiện đáng kể, cải thiện chiều cao và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Kết quả đánh giá về thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam năm 2023 đạt 68/100 điểm cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (62 điểm), đặc biệt sau đại dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt ngành y tế báo cáo về kết quả thực hiện công tác y tế trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Mức độ tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân được tăng lên cả số lượt khám chữa bệnh và mức hưởng từ thanh toán BHYT. Tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế được cải thiện qua các năm, đạt mức hơn 90% năm 2024.

Bộ Y tế cũng nỗ lực hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế; Thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Trong thực hiện chức năng quản lý dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng cộng Bộ Y tế đã cắt giảm đơn giản hóa 785 quy định kinh doanh tại nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; đứng thứ 01/18 Bộ ngành.

Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở. Năng lực phòng chống dịch, bệnh không ngừng được nâng cao. Thanh toán, loại trừ và khống chế nhiều bệnh nguy hiểm lưu hành cũng như ứng phó hiệu quả với dịch nguy hiểm mới nổi, đặc biệt thành công của Việt Nam trong kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế và thế giới đánh giá cao.

Năng lực cung ứng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh không ngừng được nâng cao về cả số lượng, chất lượng, phạm vi và mức độ chuyên sâu của dịch vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Bộ Y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa (như ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai…). Các kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao từ bệnh viện trung ương cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện các địa phương trong cả nước đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các nước khác.

Cùng đó, đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Năm 2024, các chỉ tiêu nhân lực y tế trên 1 vạn dân lần lượt là 14 bác sỹ, 18 điều dưỡng và 3,3 dược sỹ đại học. 2/3 chỉ tiêu nhân lực y tế (số lượng bác sỹ và dược sỹ đại học) vượt mục tiêu đề ra theo NQ 20.

Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên cả nước.Thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế. Xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Thành lập Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh chữa bệnh.

Trong những năm vừa qua, ngành y tế đã chú trọng tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người. Nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có hiệu quả trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh và sản xuất thuốc mới, vắc xin.

"Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10 vắc xin trong số 12 vắc xin sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hiện Bộ đang tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại buổi làm việc.

Tăng cường quản lý, cấp phép, gia hạn, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, dược liệu, sản xuất thiết bị y tế trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh, hoàn thành kết nối dữ liệu y tế với một số thủ tục hành chính như dữ liệu giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng sinh, báo tử…; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng số: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa…

Năm 2024, Bộ Y tế xếp thứ 11/19 bộ ngành về công tác chuyển đổi số, tăng 2 bậc xếp hạng so với năm 2023. Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, quán triệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đẩy mạnh triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Năm 2024, đã có 16 triệu tài khoản Sổ sức khỏe điện tử, dự kiến tăng lên 40 triệu tài khoản vào năm 2025.

Công tác dân số đạt được kết quả quan trọng về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Chất lượng dân số từng bước cải thiện. Duy trì được mức sinh thay thế trong thời gian dài 15 năm từ năm 2006 – 2021. Kiểm soát tốc độ tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Cơ cấu dân số có sự chuyển dịch tích cực, số lượng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc với Bộ Y tế- Ảnh 5.

Tổng Bí thư Tô Lâm viết lưu niệm tại Phòng truyền thống của Bộ Y tế.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, trong công tác y tế - dân số cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại được nêu rõ trong Báo cáo, bao gồm 6 nhóm vấn đề chính liên quan đến sự chênh lệch vùng miền về chỉ số sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế thiếu cân bằng và hiệu quả, nguồn lực cho y tế chưa được đảm bảo cả về nhân lực, tài lực và cơ chế tài chính, BHYT.

Nguyên nhân của những khó khăn hạn chế đã được phân tích cụ thể, bao gồm các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong số các nguyên nhân chủ quan, Bộ Y tế thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc chủ động tham mưu, đề xuất chính sách cũng như phối hợp hiệu quả và tăng cường huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực xã hội cho công tác chăm sóc sức khỏe và dân số phát triển.

Tại buổi làm việc Bộ Y tế đã nêu 10 phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và xin có 5 đề xuất kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư quan tâm, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành trong thực hiện và ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh,trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, lao động, cống hiến và trưởng thành, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn về chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người dân.

Những đóng góp to lớn của ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Điều quan trọng nhất chính là sự tin yêu và lòng biết ơn của nhân dân đối với đội ngũ thầy thuốc, những người đã không ngại khó khăn, gian khổ, tận hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư chỉ rõ ngành y tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.

Những thách thức này không chỉ đến từ yếu tố nội tại của ngành mà còn bởi các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ.

Để giải quyết các thách thức đối với ngành y tế hiện nay và trong nhiều năm tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực y tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế.

Y tế không chỉ là khám, chữa trị cho người bệnh, mà cần hơn, đó là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để hạn chế bệnh tật; cần tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Đồng thời tăng cường năng lực cho sức khỏe sinh sản, nhi khoa và lão khoa; tăng cường y tế cộng đồng; tăng cường số lượt người dân được đến các cơ sở y tế thăm, khám sức khỏe hàng năm hoặc mỗi nửa năm.

“Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, nút thắt để ngành y tế vươn dậy, để chúng ta có được “một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” như mong muốn của Bác Hồ cách đây 70 năm,” Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư yêu cầu nâng cao y đức trong cán bộ y tế. Ngoài thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành y tế, mỗi thầy thuốc, bác sỹ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài làm thật tốt chuyên môn, cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm của bệnh nhân; trung thực, khách quan trong thực hành công việc; luôn học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, để thực sự là “mẹ hiền” trong con mắt bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; bảo đảm y tế cơ sở có đủ bác sỹ và nhân viên y tế có trình độ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh tại địa phương thay vì đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên.

Đồng thời, ngành cần nâng cao hiệu quả của các chương trình tiêm chủng và y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, ngành cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế bệnh tật.

Cùng với đó là giảm tải bệnh viện tuyến trên và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại các địa phương để giảm áp lực cho bệnh viện lớn.

Ngành tăng cường ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận bác sỹ chuyên khoa mà không cần di chuyển xa; xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến để hỗ trợ chẩn đoán ban đầu; mở rộng các hình thức hợp tác công-tư và mở rộng không gian cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng... khuyến khích phát triển các bệnh viện, dịch vụ y tế ngoài khu vực nhà nước.

Về cải thiện chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, Tổng Bí thư đề nghị Bộ Y tế cần sớm có đề xuất cụ thể để cải thiện mức lương và chế độ phụ cấp cho bác sỹ, y tá, đặc biệt tại vùng khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên y khoa cam kết làm việc tại y tế cơ sở sau khi tốt nghiệp.

Ngành chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế để đào tạo bác sỹ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện để bác sỹ tham gia hội nghị khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài để không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm.

Ngành cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế, bảo đảm các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có bảo hiểm y tế toàn diện; đồng thời cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngành xây dựng chiến lược tổng thế chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng. Ngành y tế cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng; quản lý thuốc, sinh phẩm và thiết bị y tế; Bảo hiểm y tế và an sinh xã hội; quyền và nghĩa vụ của người bệnh và nhân viên y tế...


Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn