Tôn vinh những “ong thợ” cần mẫn

09-07-2009 19:10 | Thời sự
google news

Nhằm tôn vinh cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động của cán bộ DS-KHHGĐ trong thời gian tới,

TS. Dương Quốc Trọng
Nhằm tôn vinh cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động của cán bộ DS-KHHGĐ trong thời gian tới, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ DS-KHHGĐ tiêu biểu cơ sở toàn quốc - những người đã góp phần làm nên kỳ tích của công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhân dịp này, báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Dương Quốc Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế.

PV: Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới, cùng với nhiều hoạt động khác, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương cán bộ dân số- KHHGĐ cơ sở. Xin ông cho biết, những đóng góp của lực lượng cán bộ này đối với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua?

TS. Dương Quốc Trọng: Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Nếu như năm 1990, tỷ suất sinh trung bình là 3,8 con/hộ gia đình thì sau khi có Nghị quyết TW 4 (khóa VII) ngày 14/1/1993 về chính sách DS-KHHGĐ, tỷ suất sinh đã giảm rõ rệt, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 3,8 con vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,3 con vào năm 2000. Kết quả này đã đưa Việt Nam đạt Giải thưởng dân số của Liên Hiệp quốc vào cuối năm 1999. Sở dĩ công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam đạt được thành tựu này theo tôi có rất nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ TW đến cơ sở, tiếp đến là vai trò hoạt động không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn... và những cộng tác viên dân số ở khắp các thôn, xóm, bản, làng... trong cả nước. Họ được ví như những "con ong thợ" làm việc cần mẫn ngày đêm để đưa đường lối, chính sách của Đảng; tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục... và phân phối các phương tiện kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân.

Nếu như ở miền xuôi, vùng đồng bằng thuận lợi thì mỗi cộng tác viên DS-KHHGĐ phụ trách 100-150 hộ gia đình, còn ở miền núi là 50-100 hộ gia đình. Họ đã không chỉ tuyên truyền vận động các gia đình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước mà còn đem các biện pháp tránh thai phi lâm sàng đến với người dân, giúp người dân hiểu và thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả. Tôi đã từng chứng kiến những cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ để vận động được một cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai phải mất 5 lần, 7 lượt đến tuyên truyền, trò chuyện nhưng vẫn không thành công. Để "được việc", họ đã phải tìm đến cả người thân của các cặp vợ chồng này nhờ tác động thêm...

PV: Thưa ông, để tiếp tục động viên các cán bộ làm công tác DS- KHHGĐ, nhất là cộng tác viên dân số -KHHGĐ ở cấp thôn, xóm... tới đây Tổng Cục Dân số sẽ có những đề xuất gì về chế độ cho đối tượng này?

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ thay mặt cán bộ làm dân số báo công với Bác trước lăng của Người. Ảnh: TM

TS. Dương Quốc Trọng:Hiện nay theo quy định của Thông tư 32, cán bộ làm công tác chuyên trách về DS-KHHGĐ cấp xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng được hưởng 150.000đ/tháng, vùng miền núi khó khăn được hưởng 200.000đ/tháng; đối với cộng tác viên DS-KHHGĐ được hưởng khoản thù lao 50.000đ/tháng. Ngoài ra, các địa phương tùy theo khả năng ngân sách của tỉnh đã bổ sung thêm chế độ cho đội ngũ cán bộ này, do đó thu nhập của cán bộ DS-KHHDG ở các tỉnh, thành phố hiện nay còn rất khác nhau. Có thể nói so với công sức mà cán bộ chuyên trách cũng như cộng tác viên DS-KHHGĐ dành cho hoạt động vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chính sách DS- KHHGĐ thì còn quá thấp. Trước thực tế này, khi xây dựng Thông tư về định mức phụ cấp cho cộng tác viên DS-KHHGĐ, Tổng Cục Dân số đã đề nghị nâng mức phụ cấp của đối tượng này lên, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên hiện tại Bộ Tài chính chưa đồng ý thông qua. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương hãy quan tâm dành nguồn kinh phí để tăng thêm nguồn thu cho các cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ.

PV: Thưa ông, hai năm qua, mức chỉ tiêu sinh mà Quốc hội giao cho công tác DS-KHHGĐ đều không đạt, vậy năm 2009 này, Tổng Cục Dân số sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo thực hiện được mức sinh mà QH giao là 0,2%o?

TS. Dương Quốc Trọng: Năm 2007, chỉ tiêu giảm sinh trong cả nước đạt 0,25%o, trong khi chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là 0,3%o, năm 2008 tình hình lại còn xấu hơn, khi tỷ lệ giảm sinh chỉ đạt 0,2%o so với chỉ tiêu 0,3%o của Quốc hội giao cho. Có thể nói trong năm 2007 và 2008, chỉ tiêu sinh của nước ta không đạt là do nhiều nguyên nhân: trước hết là do trong thời gian qua chúng ta đã đạt được một số kết quả trong công tác DS-KHHGD, do đó một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi đó là thành công và có phần buông lỏng công tác này; tiếp nữa là do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của bộ máy làm công tác DS-KHHGD từ TW đến địa phương nên nhiều cán bộ, đảng viên lầm tưởng Đảng, Nhà nước không còn quan tâm tới công tác DS-KHHGĐ nữa và người dân thì hiểu rằng họ được đẻ thoải mái, ngoài ra cũng phải kể đến là yếu tố tâm lý, tập quán thích đẻ nhiều, thích có con trai của một số người dân...

Trước thực trạng này, về phía ngành dân số, chúng tôi cũng đang từng bước kiện toàn và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy từ TW đến cơ sở. Đến nay, tại 63/63 tỉnh, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách DS-KHHGĐ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế hoặc Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ làm phó ban thường trực. Cùng với đó, điều 10 của Pháp lệnh Dân số vốn dĩ đã gây hiểu nhầm cho người dân về việc được đẻ con thoải mái đã được sửa đổi. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2009, Bộ Y tế, Tổng Cục Dân số đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau về chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, Nhà nước và đưa các dịch vụ KHHGĐ đến tận từng người dân... Tôi hy vọng và tin rằng năm nay chúng ta sẽ hoàn thành được chỉ tiêu giảm sinh mà Quốc hội đã giao.

PV: Xin cảm ơn ông!
 

      Sáng 9/7, tại Hà Nội, tiếp theo các hoạt động của chương trình tôn vinh, biểu dương các cán bộ làm công tác dân số kế hoạch hóa (DS - KHHGĐ) tiêu biểu cấp cơ sở của Bộ Y tế, hơn 500 cán bộ DS-KHHGĐ tiêu biểu đã cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Dân số đã  vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công với Bác. TS. Nguyễn Bá Thủy - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số làm trưởng đoàn. Trước đó, vào tối ngày 8/7, chương trình giao lưu văn nghệ Ấm áp nghĩa tình với chủ đề "Những bước chân không mỏi" đã được diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ tại hội trường khách sạn Kim Liên. Chiều ngày 9/7, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ biểu dương khen thưởng cán bộ DS-KHHGĐ tiêu biểu. Theo chương trình, sáng 10/7 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày dân số thế giới và đón nhận bằng khen của Bộ Y tế.

Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn