Người đầu tiên của vùng đất này tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời là ông Lê Trọng Hưởng. Trong khi nhiều người vẫn còn băn khoăn về việc hiến giác mạc thì hành động tự nguyện của ông Hưởng thật đáng biểu dương và khâm phục, để lại tấm gương sáng cho người khác noi theo, góp phần phát triển phong trào hiến giác mạc ở địa phương.
Theo lời bà Nhung, đầu năm 2017, ông Hưởng, chồng bà bất ngờ phát hiện mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối. Tuy nhiên thay vì thực hiện hóa trị, xạ trị đầy đau đớn ở viện ông Hưởng quyết định lui về nhà sống những ngày vui vẻ bên con cháu và sẵn sàng đón nhận định mệnh.
Bà Quách Thị Nhung (vợ ông Hưởng) xúc động cảm ơn các đại biểu đến thắp hương tưởng nhớ người đã khuất.
Hơn 5 tháng chiến đấu với bệnh tật, ông Hưởng nói với vợ và các con về tâm nguyện nếu có nằm xuống thì xin được hiến toàn bộ cơ thể cho khoa học y học. Nhắc lại câu chuyện này, bà Quách Thị Nhung (vợ ông Hưởng) lại rơm rớm nước mắt xúc động chia sẻ: Chồng tôi nói khi mất thân thể này cũng thành tro bụi, phải chi mình hiến đi một phần cơ thể, làm điều có ích cứu người, thì còn gì hơn nữa.
Mặc dù tâm nguyện được hiến đi toàn bộ cơ thể cho y học không thể thực hiện nhưng đôi giác mạc của ông ý đã mang lại ánh sáng cho hai người khác.
Đại diện Ngân hàng mắt ( Bệnh viện Mắt Trung ương) tặng Giấy khen và kỷ niệm chương cho gia đình hiến giác mạc thành công.
Tại buổi lễ tôn vinh những gia đình có người hiến giác mạc, Ông Nguyễn Hữu Hoàng -Giám đốc ngân hàng mắt, (Bệnh viện Mắt Trung ương) nhận định: Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, nhưng không phải ai cũng may mắn có được đôi mắt sáng. Hiện nay, ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế; khi đó, họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam, kỹ thuật có dụng cụ cũng như trang thiết bị đầy đủ nhưng cái thiếu duy nhất đối với kỹ thuật này lại chính là làm sao có được giác mạc để ghép.
Ông Hoàng cũng gửi lời cảm ơn tới những người hiến giác mạc và gia đình đã đóng góp một phần cơ thể của mình, góp phần đem lại ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho những người không may bị mù lòa. Ông Hoàng khẳng định: đây là việc làm nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc, luôn được Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã hội đánh giá cao, ghi nhận, trân trọng và coi đây như những món quà vô giá để lại cho những người còn sống.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khám và phát thuốc cho người dân
Trước khi diễn ra buổi lễ, các đại biểu thắp hương tưởng nhớ tại nhà riêng của ông Hưởng và đại diện Bộ Y tế đã trao kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Y tế và bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp cho gia đình có người hiến giác mạc.
Hành động hiến giác mạc của mình khi chết đã trở thành nghĩa cử đẹp, đáng trân trọng. Với những con người luôn sống vì người khác, họ tâm niệm, khi mất đi, một người hiến giác mạc có thể cứu giúp cho 2 người khỏi mù lòa.
Được biết, trong dịp này, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đã khám và phát thuốc miễn phí cho gần 400 người già neo đơn, thương bệnh binh tại xã Thái Sơn.