Tôn vinh các danh nhân văn hóa là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, vấn đề tưởng chừng đã cũ này đến nay đang bộc lộ nhiều bất cập về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn. Giới nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý của ngành văn hóa đều cho rằng: ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau cần phải có tiêu chí xét chọn danh nhân khác nhau và những cách thức tôn vinh phù hợp.
Cần có tiêu chí và phân cấp danh nhân
Có một thực tế là mỗi khi cần đặt tên, đổi tên cho một công trình công cộng, một đường phố nào đó, các cơ quan chức năng lại gặp khá nhiều khó khăn, lúng túng: Chọn tên tuổi của danh nhân nào? Tiêu biểu cho lĩnh vực nào? Các nhà hoạt động văn hóa, chính trị, quân sự hay các anh hùng dân tộc?... Có những trường hợp gây tranh luận, không thể đi đến thống nhất vì chưa có tiêu chí cụ thể, rõ ràng để lựa chọn.
Khánh thành tượng Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ tại trường học mang tên ông. |
Lại có tình trạng một danh nhân văn hóa cấp quốc gia được chọn để đặt tên cho một con phố rất hẹp, một công trình nhỏ; trong khi ngược lại, tên tuổi một danh nhân "tầm tầm" thì được dùng để đặt cho một tuyến phố chính hay một công trình quy mô lớn của Thủ đô. Thêm vào đó còn là tình trạng tôn vinh một cách ồ ạt, làng nào xã nào, địa phương nào cũng cố tìm ra cho riêng mình một danh nhân để xây đền lập miếu khá tràn lan, bất kể danh nhân đó có xứng tầm hay không.
Trước thực trạng trên, các nhà hoạt động văn hóa đều cho rằng cần phải có các tiêu chí để lựa chọn danh nhân, đồng thời phải phân cấp danh nhân dựa theo các tiêu chí ấy, từ đó chọn cách tôn vinh cho phù hợp. Đây là một việc làm cấp thiết trong tình hình Thủ đô ngày càng có thêm nhiều con đường mới, nhiều công trình mới như hiện nay, là một bước chuẩn bị quan trọng cho chương trình tôn vinh Danh nhân văn hóa Hà Nội trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
Theo GS.Vũ Khiêu, có 4 tiêu chí chính nên dựa vào để phân cấp danh nhân là: công trạng với nước với dân; có đạo đức; có trí tuệ, trình độ văn hóa hơn người và nhất định phải được nhiều người mến mộ. Dựa vào các tiêu chí này có thể lập một "ngân hàng" các tên tuổi danh nhân với các cấp độ cụ thể: quốc gia, thành phố, quận huyện... Như vậy khi vận dụng danh hiệu Danh nhân văn hóa Hà Nội để đặt tên cho các thiết chế văn hóa sẽ đạt được sự tương đồng, tránh tình trạng danh nhân văn hóa cấp quốc gia lại được chọn để đặt tên cho một con phố hẹp hay một ngôi trường làng chẳng có thành tựu gì xuất sắc.
“Hiện đại hóa” cách thức tôn vinh
Tại một hội thảo được tổ chức mới đây về vấn đề này, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham khảo nhiều hình thức đánh giá và tôn vinh danh nhân văn hóa của các nước trên thế giới, từ đó gợi mở những hướng tiếp cận mới về phương pháp luận trong cách thức tôn vinh danh nhân văn hóa ở nước ta trong tình hình hiện nay.
Một ý kiến khá mới được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, đó là cần phải "hiện đại hóa" trong cách chọn lựa cũng như tôn vinh các danh nhân. Theo đánh giá chung của giới hoạt động văn hóa, đối với các danh nhân lịch sử thời phong kiến, chúng ta đã thực hiện khá tốt và tương đối đầy đủ công việc tôn vinh với nhiều hình thức rất phong phú như ban sắc phong, lập đền thờ miếu mạo, tổ chức lễ hội... Giờ nên tập trung vào các danh nhân thời cận hiện đại. Đây là một vấn đề nhạy cảm, vì thế cần có những khoảng lùi nhất định về mặt thời gian cũng như cần có một cách nhìn nhận mới về việc tôn vinh danh nhân. Việc dựng tượng theo cách tôn vinh của các nước phương Tây cũng là một cách làm hiện đại, tuy nhiên do còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện mà các tượng dựng ngoài trời của ta còn ít được khen.
Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đổi mới việc tôn vinh trên nền tảng những cách thức tôn vinh đã được mọi người thừa nhận bao lâu nay, chẳng hạn như vẫn dùng tên danh nhân để đặt tên phố như ta vẫn làm, song bên dưới tấm biển ghi tên phố nên có một tấm biển nữa ghi vắn tắt vài dòng tiểu sử của danh nhân; Chúng ta cũng có thể làm tượng danh nhân nhưng phải tùy theo đẳng cấp mà làm tượng đứng, tượng ngồi hay tượng bán thân rồi lập thành công viên danh nhân hay vườn danh nhân ngoài trời...
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể học tập cách tôn vinh có tính chất hiện đại của một số nước như dùng ngay nơi ở, làm việc của danh nhân để làm nơi lưu niệm, nhà bảo tàng; dùng tên danh nhân để đặt cho các sáng tạo, các giải thưởng; dựng các quảng trường lưu danh, đại lộ lưu danh, bức tường lưu danh để ghi công, tưởng nhớ... Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, đây là những cách thức tôn vinh tiên tiến, hiện đại, phù hợp với cách thức tiếp cận và đón nhận của thế hệ trẻ. Ông cũng kiên quyết phản đối việc xây mới đền miếu để thờ danh nhân. Với những vị nào có đền thờ rồi thì duy trì, xem xét xếp hạng, còn vị nào chưa có đền thờ thì không nên xây lập mới vì đền miếu là bước sóng văn hóa thời trung cổ, không còn phù hợp với nhu cầu tưởng nhớ và noi gương của các thế hệ trẻ thời nay. Nay muốn tỏ lòng biểu dương danh nhân, chúng ta có thể chọn những cách thức hiện đại chứ không nên xây đền miếu khói hương nghi ngút. Đấy không phải là tiếp thu có sáng tạo truyền thống mà là đưa vào thời hiện đại sự lạc hậu đã qua.
Tâm Duyên