TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu (14/6) với chủ đề "Hiến máu thường xuyên vì một thế giới khỏe mạnh hơn", từ ngày 9/6 -11/6, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Đây là hoạt động thường niên được tổ chức ở nước ta từ năm 2007 nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước.
TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Tại Việt Nam, năm 2019, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó có 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2% và tỷ lệ đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt hơn 44%.
Đóng góp vào kết quả chung đó của phong trào hiến máu tình nguyện là 100 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh năm nay đến từ 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp. Trong số đó, nhiều người đã hiến máu từ 60, 70 lần trở lên, như: Bà Trần Thị Mai (ở tỉnh Khánh Hòa, hiến máu 96 lần), ông Trần Nam Quân (tỉnh Kiên Giang, hiến máu 70 lần), ông Trần Văn Can (tỉnh Tây Ninh, hiến máu 62 lần), ông Trần Quốc Chánh (tỉnh An Giang, hiến máu 60 lần), ông Đặng Thanh Phương (thành phố Hồ Chí Minh, hiến máu 71 lần), ông Nguyễn Bá Học (thành phố Hồ Chí Minh, hiến máu 70 lần)...
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng biểu dương, tôn vinh đại diện những người hiến máu nhóm máu hiếm, đó là bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm miền Bắc, hiến nhóm máu hiếm B Rh(D) âm 19 lần; bà Lưu Ngọc Dung (ở thành phố Hồ Chí Minh) hiến nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm 39 lần.
100 gương mặt hiến máu tiêu biểu lần thứ 14
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình Tôn vinh những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và Hành trình Đỏ năm 2020, bà Trần Thị Mai (ở tỉnh Khánh Hòa, người đã tham gia 96 lần hiến máu tình nguyện) cho biết, vào năm 2000, khi chăm sóc bố trong bệnh viện, bà đã tận mắt chứng kiến một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã không qua khỏi vì không có máu để truyền.
"Hình ảnh đó đã khiến tôi trăn trở rất nhiều và quyết định tham gia vào phong trào hiến máu tình nguyện của địa phương. Tôi mong rằng, ngày càng có thật nhiều người tham gia vào phong trào hiến máu tình nguyện, cùng dành giọt máu của mình để góp phần cứu sống được nhiều người bệnh", bà Trần Thị Mai chia sẻ.
Ngày 14/6 được Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu Quốc tế và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu chọn là ngày Quốc tế người hiến máu từ năm 2004.
Đây là dịp đặc biệt để tri ân, tôn vinh người hiến máu và khuyến khích nhiều người hơn tham gia hiến máu tình nguyện, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu máu an toàn trên toàn cầu.
Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn trong dịp này như: Gala "Về miền đất Tổ” (tối 9/6), dâng hương các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (sáng 10/6), lễ báo công dâng Bác và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (sáng 11/6), gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lễ tôn vinh (chiều 11/6).
Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu năm 2020 được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn là “Hiến máu thường xuyên vì một thế giới khỏe mạnh hơn.” Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu.
Bà Trần Thị Mai - người đeo kính (ở tỉnh Khánh Hòa) đã tham gia 96 lần hiến máu tình nguyện
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu-Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện khẳng định những năm qua, Ban Chỉ đạo các cấp và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh để biểu dương, ghi nhận những tấm gương điển hình của các cá nhân, gia đình, tập thể đã hiến máu và vận động người thân, bạn bè, những người có tấm lòng nhân ái cùng hiến máu. Điều đó thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của toàn xã hội đối với những đóng góp to lớn của người hiến máu tình nguyện.
Chỉ có nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên mới có thể giúp dịch vụ truyền máu các nước vượt qua được những nguy cơ, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh. Ở Việt Nam, thành công của Hành trình Đỏ những năm gần đây đã minh chứng cho một giải pháp hữu hiệu để duy trì nguồn người hiến máu an toàn, ổn định và hướng đến sự bền vững của phong trào hiến máu tình nguyện.
Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cũng cho biết, nhiều người vẫn nghĩ hiến máu tình nguyện chủ yếu là lực lượng học sinh sinh viên, tuy nhiên thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua đã minh chứng rằng, đông đảo thành phần người dân đều tham gia hiến máu tình nguyện tại các điểm hiến máu trên cả nước, và trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu lần này có rất nhiều người đã ngoài 40, 50 tuổi.