Hà Nội

Tổn thương xương bàn chân ở người đái tháo đường

07-08-2014 16:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Người nhà tôi bị biến dạng bàn chân sau khi mắc đái tháo đường hơn 10 năm, bác sĩ nói đây là biến chứng tổn thương xương của bệnh.

Hỏi: Người nhà tôi bị biến dạng bàn chân sau khi mắc đái tháo đường (ĐTĐ) hơn 10 năm, bác sĩ nói đây là biến chứng tổn thương xương của bệnh. Xin cho biết tại sao không có biểu hiện dấu hiệu nào trước đó? Muốn chẩn đoán giai đoạn sớm có được không?

(Lê Khánh Duyên - Sóc Trăng)

Trả lời: Mặc dù bệnh nhân đái tháo đường bị bàn chân do viêm dây thần kinh ngoại biên làm tổn thương xương không bị đau nhưng có một số dấu hiệu khác. Dấu hiệu thường gặp nhất ở giai đoạn sớm của bàn chân tổn thương là sưng bàn chân, triệu chứng này xảy ra khi không hề có một chấn thương gì trước đó. Bên cạnh sưng bàn chân là hiện tượng đỏ da bàn chân. Triệu chứng sưng, đỏ bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường thường được chẩn đoán là nhiễm trùng xương nhưng thực tế nhiễm trùng xương ít xảy ra nếu không có tổn thương da (loét da).

Người bệnh đái tháo đường hàng ngày phải tự xem xét bàn chân mình, nếu phát hiện sưng đỏ phải đến bác sĩ chuyên khoa để được định bệnh. Muốn xác định chính xác cần thiết phải chụp phim, trong đó X-quang là một kỹ thuật thông dụng. X-quang bàn chân giúp đánh giá đậm độ của xương, trong giai đoạn sớm của tổn thương xương bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường thì hình ảnh X-quang có thể bình thường. Nếu tiến triển bệnh sẽ phát hiện các tổn thương gãy xương nhiều điểm và biến dạng khớp. Chụp cộng hưởng từ nhân (MRO) có thể giúp đánh giá tốt hơn về xương bàn chân và khớp cổ chân. Ngoài ra, còn có thể dùng kỹ thuật xạ hình xương để đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như những tổn thương xương.

Mục tiêu của việc điều trị tổn thương xương bàn chân trong bệnh đái tháo đường là làm lành các xương bị gãy cùng với việc phòng ngừa biến dạng thêm của bàn chân và hiện tượng phá hủy khớp. Điều trị cụ thể sẽ gồm can thiệp phẫu thuật và không phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được can thiệp phẫu thuật khi bàn chân bị biến dạng khiến bệnh nhân khó đi lại được và có nguy cơ đưa đến loét hoặc khi đã dùng giày bảo vệ nhưng không hiệu quả. Một số trường hợp gãy xương không vững và biến dạng đòi hỏi phẫu thuật mới lành xương được.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ tránh phải phẫu thuật gồm mang giày theo đúng khuôn bàn chân để tránh biến dạng.

BS.CKII. Đặng Minh Trí


Ý kiến của bạn