Tổn thương tủy sống không phải đã hết hy vọng

20-12-2008 06:10 | Tin nóng y tế
google news

Tại Hội nghị tổn thương tuỷ sống châu Á lần thứ 7 vừa được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, PGS.TS. Trần Thúy Hạnh - Q.Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh:

Tại Hội nghị tổn thương tuỷ sống châu Á lần thứ 7 vừa được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, PGS.TS. Trần Thúy Hạnh - Q.Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: phục hồi chức năng cho người tổn thương tuỷ sống là một yêu cầu quan trọng để người bệnh tái hoà nhập cuộc sống tốt hơn, giảm gánh nặng cho hoạt động chăm sóc điều trị cũng như đối với xã hội. Với sự giúp đỡ của Hiệp hội tuỷ sống châu Á và Tổ chức tàn tật quốc tế Bỉ (Handicap- international) tại Việt Nam đang mang lại nhiều hơn cơ hội cho những bệnh nhân này.

Tàn phế vì tổn thương tủy sống

Đã gần nửa năm nay anh Nguyễn Việt H. (Gia Lâm- Hà Nội) phải gắn bó với xe đẩy. Mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều phải do người mẹ gầy yếu đã gần 70 tuổi chăm sóc. Từ một trưởng phòng kinh doanh năng động của một công ty liên doanh giờ đây anh trở thành một bệnh nhân tổn thương tuỷ sống. Đây là hậu quả của một lần tai nạn giao thông, được các bác sĩ đưa về từ cõi chết nhưng anh phải tiếp tục với cuộc chiến tái hoà nhập cuộc sống bằng nhiều biện pháp điều trị phục hồi chức năng, trong đó khó khăn nhất đối với anh chính là sự khủng hoảng tinh thần.

 Người bệnh tổn thương tủy sống tập luyện tại Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Loan My
 
TS. Trần Văn Chương, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tổn thương tuỷ sống là một trong những bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Đây là hậu quả thường gặp của những va đập chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động (do ngã từ trên cao xuống...) hoặc tai nạn nặng trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi năm tại Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai có tới hàng trăm bệnh nhân đến điều trị, còn con số chung trong cả nước về bệnh lý này cần phải phục hồi có đến vài nghìn và gia tăng cùng với các vụ tai nạn giao thông. Điều đáng nói là nhóm người bị bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Gánh chịu hậu quả của tổn thương tuỷ sống làm họ trở thành gánh nặng cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

GS. Eric Weets- Chủ tịch Hiệp hội tuỷ sống châu Á cho hay, khi bị tổn thương, tuỷ sống có thể bị thương ở bất cứ chỗ nào từ cổ đến mông. Tủy sống được ví như một dây cáp điện thoại, nó bao gồm nhiều sợi thần kinh nhỏ bên trong. Tủy sống cũng hoạt động như cáp điện thoại, nó truyền thông tin từ não đến các phần khác của cơ thể và ngược lại. Còn bộ não giống như một máy vi tính, nó sẽ sắp xếp phân loại các thông tin nhận được và ra lệnh cho các bộ phận khác của cơ thể đáp ứng với các kích thích đó. Do đó khi bị tổn thương, dây thần kinh nào bị đứt thì cơ quan nhận được thông tin từ nó sẽ bị mất kiểm soát từ não.

Các kiểu bị liệt bao gồm: liệt hai chi dưới, do tuỷ sống bị tổn thương ở vùng “thấp”, ở phần tủy T-11; cũng có thể người bệnh liệt tứ chi, nghĩa là tổn thương tuỷ ở phần C-3. Đi liền với những tổn thương này là người bệnh mất cảm giác về da, không kiểm soát được đại tiểu tiện; tim, phổi, mạch máu... cũng không còn làm việc được như trước. Do vậy người bệnh rơi vào hoàn cảnh đại tiểu tiện không tự chủ, nằm lâu ngày dẫn đến loét. Họ không chỉ phụ thuộc mọi sinh hoạt vào người xung quanh mà những vết loét còn mang lại nhiều sự khó chịu cho người phục vụ.

Phục hồi chức năng là một yêu cầu không thể thiếu

Mặc dù chưa có nhiều những điều kiện tối ưu như ở các nước tiên tiến song tại Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong hoạt động này. Tại Trung tâm phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai, được sự hỗ trợ của tổ chức Handicap đã có riêng Khoa phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống. Tại đây nhiều máy móc tập luyện vận động kết hợp với kỹ năng của các kỹ thuật viên và chuyên gia tâm lý sẽ giúp đỡ và từng bước hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách chăm sóc tốt nhất. Hệ thống máy móc đưa vào sử dụng trong khoa là máy kéo dãn cột sống, các máy phát ra vi sóng, giao thoa, siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại... Bên cạnh việc sử dụng các loại máy phục hồi hiện đại, các chuyên gia phục hồi chức năng còn giúp bệnh nhân tận dụng tối đa khả năng hoạt động của mình, các biện pháp chăm sóc chống loét, cách thay đổi tư thế, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ vận động (xe lăn), khắc phục tình trạng mất cảm giác đại tiểu tiện... Thông thường thời gian điều trị phục hồi tại bệnh viện là 4 tháng, nhưng quá trình phục hồi vẫn phải tiếp tục tại gia đình và cần phải thực hiện một cách kiên trì.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống là một quá trình rất lâu dài, hiệu quả của các phương pháp phục hồi không chỉ phụ thuộc vào thời gian điều trị và các loại máy hỗ trợ mà còn phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng chăm sóc của người thân và ý chí vượt lên hoàn cảnh của người bệnh.

Lê Hảo


Ý kiến của bạn