1. Liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh lý thận
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tăng huyết áp là nguyên nhân gây suy thận và ngược lại, suy thận lại gây tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng 50% bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân là do bệnh của thận. Ngược lại, khoảng 10% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ là do tăng huyết áp nguyên phát. Thận vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân của tăng huyết áp. Liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh lý thận tạo nên một vòng xoắn bệnh lý.
2. Lý do tổn thương thận do tăng huyết áp
Tổn thương thận do tăng huyết áp là hệ quả do tiến triển tự nhiên của tăng huyết áp không được điều trị, thường dẫn đến nhiều hệ luỵ trong đó có tổn thương thận.
Ở thận, tổn thương sớm thấy ở các mạch máu trước cầu thận và động mạch đến, bao gồm cả các động mạch trong cầu thận. Tổn thương động mạch trước cầu thận là đặc trưng của tổn thương thận do tăng huyết áp, nhưng không đặc hiệu vì còn thấy trong các bệnh lý mạch máu thận.
Trong xơ mạch thận lành tính, tổn thương cơ bản là hyalin hóa lớp áo giữa thành động mạch trong cầu thận, dẫn tới tổn thương đoạn búi mao mạch cầu thận.
Trong xơ mạch thận ác tính, đặc trưng cơ bản là tổn thương lớp nội mạc. Tế bào nội mạc có chỗ bị bong khỏi màng nền, tạo ra các khoang được lấp đầy các chất liệu huyết tương và collagen, gây hẹp lòng động mạch. Ngoài ra còn hoại tử lớp áo giữa, xẹp các búi mao mạch cầu thận do thiếu máu. Giai đoạn đầu của tăng huyết áp, thấy tăng lưu lượng dòng huyết tương qua thận, và tăng áp lực thủy tĩnh trong mao mạch cầu thận, làm xuất hiện microalbumin niệu. Khi tổn thương đoạn búi mao mạch cầu thận, làm xuất hiện macroalbumin niệu và dẫn tới xơ hóa cầu thận, mức lọc cầu thận giảm và dần dần dẫn tới suy thận. Trong xơ mạch thận ác tính, do hẹp lòng động mạch trước cầu thận và trong cầu thận, gây xẹp các búi mao mạch cầu thận do thiếu máu, dẫn đến thiểu niệu, vô niệu, và suy thận cấp.
Do đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn. Trong cơ thể, thận có chức năng giữ cho huyết áp được ổn định. Nhưng khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp suy giảm làm cho huyết áp tăng cao. Nếu bị suy thận, bệnh tăng huyết áp làm cho bệnh thận càng tăng nặng. Như vậy, tăng huyết áp có thể là một biến chứng của suy thận mạn. Nếu rơi vào tình trạng này, cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm kiểm soát huyết áp ở mức cho phép, giảm được nguy cơ tổn thương thận và phòng tránh bệnh lý tim mạch bởi tăng huyết áp còn gây tổn thương tim.
3. Điều trị tổn thương thận do tăng huyết áp
Không có điều trị đặc hiệu cho tổn thương thận do tăng huyết áp. Ở những bệnh nhân khác nhau thì việc điều trị cũng được các bác sĩ chỉ định cụ thể trong đó có thể sử dụng các nhóm thuốc lợi tiểu làm giảm khối lượng máu lưu hành, làm giảm được huyết áp và giảm dòng máu thận. Thuốc lợi tiểu thường được lựa chọn sử dụng đầu tiên để điều chỉnh huyết áp. Ngoài ra các nhóm thuốc giãn mạch trực tiếp, nhóm thuốc ức chế beta giao cảm, nhóm thuốc ức chế men chuyển… cũng được bác sĩ cân nhắc sử dụng tùy trường hợp. Tuy nhiên mục tiêu điều trị chính vẫn là kiểm soát huyết áp, duy trì huyết áp ở giới hạn bình thường. Khi có suy thận, điều trị giống như điều trị suy thận.
Một số vấn đề cần lưu ý trong kiểm soát huyết áp là chế độ ăn nhiều natri là một nguy cơ của tăng huyết áp. Giảm lượng natri ăn vào làm giảm được tình trạng giữ dịch và làm giảm tính nhạy cảm của thành mạch với cathecolamin, vì vậy có tác dụng làm giảm huyết áp. Bệnh nhân suy thận, do thận giảm khả năng bài xuất natri, do đó cần giảm muối trong chế độ ăn.
Theo các nghiên cứu, giảm lượng protein ăn vào sẽ làm tăng sức kháng trước cầu thận do làm co động mạch đến của cầu thận. Vì vậy giảm lượng protein ăn vào làm giảm được áp lực trong mao mạch cầu thận, và làm chậm tiến triển của suy thận.
Các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp cần tránh như thuốc lá, rượu, trà, cà phê. Cần tạo một lối sống điều độ, tránh các căng thẳng tâm lý, kết hợp với tập luyện thể dục thích hợp. Hạn chế các thức ăn có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, mỡ động vật. Thay đổi lối sống đã chứng minh bình ổn được huyết áp.
4.Cách ngăn chặn và điều trị suy thận
Khi đã bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị suy thận là khá cao. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế để được làm thêm các xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác.
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, được bác sĩ điều trị theo phác đồ, người bệnh ngoài việc tự theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ theo dõi, còn cần phải nghiêm túc tuân thủ khám định kỳ để đánh giá chức năng thận và các cơ quan khác,... Giai đoạn này ngoài các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận, bệnh nhân còn được đo lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy, lượng kali có thể tăng cao trong máu, rất nguy hiểm cho tim… chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo một phác đồ điều trị phù hợp với bệnh suy thận. Cần kết hợp ăn kiêng và thực hiện một lối sống phù hợp để giúp điều trị hiệu quả.
Mời xem video được quan tâm:
Khô mũi - Triệu chứng của COVID-19 hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp