Hà Nội

Tổn thương não, hôn mê sâu, tử vong vì... ngộ độc rượu

05-08-2016 16:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu. Điều đáng nói là trong số đó đã có bệnh nhân gia đình phải xin về để lo hậu sự, rồi có bệnh nhân bị tổn thương não, hôn mê sâu chỉ vì ngộ độc rượu

Nam bệnh nhân 56 tuổi nhập viện trong tình trạng tổn thương não, hôn mê sâu do ngộ độc methanol sau khi uống rượu, một ngày sau gia đình xin đưa về nhà lo hậu sự. Đây là một trong số 4 trường hợp ngộ độc rượu trắng pha cồn công nghiệp Methanol vừa đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) trong 5 ngày qua.  Trong số đó, có thêm 2 trường hợp đang hôn mê

Theo thông tin từ BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, Sơn La) nhập viện đêm muộn ngày 1/8 trong tình trạng nguy kịch, tụt huyết áp, hôn mê sâu do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp Methanol.

Gia đình bệnh nhân T. cho biết, ông T. vốn nghiện rượu, mỗi ngày đều uống khoảng nửa lít rượu, say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại say. Tuy nhiên tối 1/8, sau bữa rượu buổi chiều ông T. bỗng nhiên kêu đau đầu, nhìn mờ. Khi được đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê và được chuyển đến BV Bạch Mai ngay sau đó.

“Hình ảnh chụp sọ não cho thấy bệnh nhân não bị tổn thương rất nặng, gia đình xin đưa người bệnh về chỉ sau 1 ngày nhập viện”, BS Nguyên cho biết.

Ngoài trường hợp ông T., Trung tâm đang cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng. Một bệnh nhân nam 54 tuổi ở Thanh Hóa chuyển đến Trung tâm ngày 31/7 trong tình trạng hôn mê, được mở nội khí quản thở máy, tổn thương não nặng, rối loạn chuyển hóa. Trước đó 2 ngày bệnh nhân uống rượu sau đó rơi vào hôn mê, hàm lượng methanol trong máu đến 35,8 mg/dL trong khi thông thường hàm lượng methanol trong máu trên 20 mg/dL được xem là cao.

Một trong các bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh nhân thứ hai là đàn ông 52 tuổi ở Hải Dương. Trước đó bệnh nhân mệt, ăn uống kém, sau đó khó thở tăng dần, lơ mơ gọi hỏi không biết, xuất hiện cơn co cứng toàn thân. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Gia Lộc, chuyển tiếp đến bệnh tỉnh và vào Trung tâm Chống độc vào ngày 28/7. Hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân rất cao, đến 163mg/dL.

Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng hai bệnh nhân đều rất nặng, điều trị còn kéo dài và chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi sau tổn thương não. Cả hai đều có tiền sử nghiện rượu.

Các bác sĩ cho biết, hầu hết trường các trường hợp ngộ độc rượu nặng thường do uống rượu trắng, bởi rất có thể rượu tự nấu đã được pha thêm cồn công nghiệp hoặc thậm chí chỉ pha riêng cồn công nghiệp.

Từ thực tế công tác cấp cứu ngộ độc nói chung, ngộ độc rượu nói riêng, BS Nguyên cho rằng, điều nguy hiểm là bệnh nhân uống rượu trắng cứ nghĩ uống rượu thường nên không nghĩ đến viện sớm. Bên cạnh đó, rượu thực phẩm cũng làm kéo dài các biểu hiện độc tính của methanol. Nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong

Dấu hiệu của ngộ độc rượu

Ngộ độc cấp tính: nhẹ dẫn đến nói nhiều, mất kiểm soát hành vi, lời nói, mất thăng bằng, mất khả năng phán xét, nôn, viêm dạ dày.

Các tai biến trước mắt: chấn thương do tai nạn hoặc đánh nhau, suy thận, tử vong, đặc biệt nguy hiểm nếu uống rượu chứa các rượu độc khác như methanol.

Hậu quả đối với sức khỏe khi nghiện rượu như: thần kinh, tâm thần (gây nghiện, thoái hóa não, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, bệnh các dây thần kinh.

Tiêu hóa: viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp, suy tụy, sơ gan, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng.

Tim mạch: suy tim, loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

1.Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Thái Bình
Ý kiến của bạn