Đối với bệnh nhân đây dường như là vết thương nhỏ, nhưng với các nhà ngoại khoa đây lại là phẫu thuật lớn.
Chớ chủ quan với vết thương nhỏ ở bàn tay
Anh Lê.V.H. (43 tuổi, ở Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội) là thợ xây dựng, không may bị tai nạn lao động khi mảnh kính sắc cứa một đường nhỏ nhưng khá sâu gần ngón áp úttay phải. Anh đến Bệnh viện (BV) đa khoa Sóc Sơn và được chẩn đoán bị đứt gân gấp ngón thứ 4 bàn tay phải phạm vùng cấm. Các bác sĩ (BS) nhận định đây là một phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi chuyên gia xử lý nên đã chuyển anh lên BV Việt Đức. Tại đây, PGS.TS. Ngô Văn Toàn - Khoa Chấn thương chỉnh hình kiểm tra thấy rằng anh H. bị tổn thương bán phần gân gấp nông và gân gấp sâu của ngón 4, vùng 2 và quyết định phẫu thuật. Sau phẫu thuật, anh H. đã có thể gập được ngón tay. Theo PGS. Toàn, anh còn phải tập phục hồi chức năng và tái khám theo định kỳ, nhưng cả BS lẫn bệnh nhân đều cảm thấy hài lòng với kết quả của cuộc phẫu thuật. Đối với người bệnh, đương nhiên là do ngón tay của bàn tay phải rất quan trọng với một người đàn ông đang sung sức và là trụ cột gia đình đã được cứu trong gang tấc. Còn đối với BS, đây còn là sự phối hợp hữu ích giữa tuyến trên và tuyến dưới, giúp người bệnh có được cơ hội chữa trị kịp thời, đúng chuyên khoa nhờ vậy mà có được kết quả tốt nhất có thể.
Vùng cấm là vùng II trên bàn tay.
Không may mắn như anh H, mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức lại tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi bị liệt ngón 2 bàn tay trái. Khai thác bệnh sử, người nhà bé cho hay, cách đây 2 năm, bé Phạm T.H.H. trong khi nô đùa bị vật sắc cắt vào ngón 2 bàn tay trái, tổn thương gân gấp vùng 2. Bệnh nhi đã được xử trí cấp cứu khâu gân và vết thương phần mềm tại một BV tuyến tỉnh, vết thương ổn định và ra viện sau 10 ngày nằm nội trú. Sau đó, bệnh nhân được tái khám và chỉ dẫn tập luyện ngoại trú. Sau 2 năm theo đuổi phục hồi chức năng mà không cải thiện, người nhà bé H. được khuyên nên tới BV Việt Đức, hy vọng có thể cứu chữa được. Đây không phải là trường hợp duy nhất bị tổn thương gân gấp vùng cấm bàn tay để lại hậu quả liệt. Trước đó ít ngày, PGS. Ngô Văn Toàn cùng đồng nghiệp đã phẫu thuật cho một thiếu niên 14 tuổi nhà ở Hà Nội với tổn thương tương tự. Ca bệnh này được đánh giá là đến quá muộn, bởi tai nạn xảy ra cách nay đã 8 tháng. Cậu bé gọt hoa quả, không may bị đầu mũi dao chọc vào ngón cái bàn tay trái. Vết thương không lớn, chỉ khoảng 1cm, khiến cậu và người nhà đều chủ quan. Thời gian sau, dù tay lành lặn nhưng cậu không thể cử động được ngón tay. Đi khám, không ai nghĩ đến vết thương cũ mà chỉ cho rằng cậu bị bệnh về khớp và dù đã uống cả đống thuốc nhưng ngón tay cái của cậu bé vẫn không nhúc nhích.
Hình ảnh phẫu thuật nối gân lò xo vùng cấm.
Chỉ có chuyên gia mới có thể vào… vùng cấm
Với kinh nghiệm của một chuyên gia phẫu thuật bàn tay, PGS. Ngô Văn Toàn để ý tới vết thương ở ngón cái của cậu bé và hỏi ra được tai nạn nhỏ mà hậu quả không hề nhỏ này. Nhưng do đến quá muộn nên mọi chẩn đoán chỉ là... chẩn đoán mà thôi. PGS. Toàn nhận định muốn rõ ràng chỉ có thể bộc lộ trên bàn mổ. Trước đó, ông nói rõ với người nhà và bệnh nhân là do đến muộn nên không thể nối gân thông thường và phẫu thuật trở nên phức tạp hơn nhiều. Các khả năng được đưa ra gồm: một là nối gân nhân tạo, hai là nối gân tự thân, ba là xử lý sẽ phức tạp hơn nữa nếu vết thương có nhiễm trùng. Sau đó trên bàn phẫu thuật, kíp mổ đã lựa chọn nối bằng gân tự thân, tạo hình ròng rọc chéo, ròng rọc nhẫn luôn một thì. May mắn đã mỉm cười với bệnh nhân và gia đình, sau mổ 2 tuần, ngón tay của cậu bé đã cử động được gần như bình thường.
Bệnh nhân L.V.H. 43 tuổi bị tai nạn lao động gây đứt gân vùng cấm. Ảnh: N.V.T
Nói về thuật ngữ “vùng cấm” mà giới ngoại khoa quốc tế gọi là “zone no man’s land”- “vùng không người” hay vùng 2 theo phân chia về giải phẫu bàn tay hiện nay, PGS.Ngô Văn Toàn cho biết, sở dĩ từng đặt tên như vậy bởi đây là vùng có cấu tạo vô cùng phức tạp, luôn “làm khó” phẫu thuật viên và đụng dao tới đây gần như cầm chắc thất bại. Cùng với thời gian, các nhà ngoại khoa chuyên về bàn tay đã nghiên cứu ra nhiều phương pháp phẫu thuật cho vùng này, tuy thế đây vẫn là vùng khó đòi hỏi phải được xử lý bởi chuyên gia. Các vết thương ở vùng này nếu tổn thương tới gân, dù nhỏ đều phải được coi là phẫu thuật lớn.
Theo PGS. Ngô Văn Toàn, các trường hợp tổn thương gân gấp bàn tay phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa, các bệnh viện lớn để được khám và xử lý bởi các chuyên gia về bàn tay. Hơn nữa luyện tập phục hồi chức năng sau mổ rất quan trọng với thành công của phẫu thuật, vì thế người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của BS, tập luyện đúng cách và tái khám theo hẹn. Dấu hiệu để nghĩ tới một tổn thương loại này là khi bị thương ở bàn tay, đặc biệt ở lòng bàn tay gây chảy máu mà tay bị tê đau, nhất là ngón tay cử động trở nên khó khăn. Mọi vết thương ở vùng bàn tay đều không nên coi thường, nhất là ở vùng 2, vùng cấm (xem ảnh). “Người bệnh khi bị thương nên bình tĩnh sơ cứu bằng cách khử trùng vết thương, băng cầm máu và sau đó đến BV chuyên khoa. Tuy đây không phải là cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp nhưng việc xử lý sớm, xử lý đúng bởi chuyên gia sẽ cho người bệnh kết quả điều trị tốt nhất” - PGS.TS. Ngô Văn Toàn nhấn mạnh.