Hà Nội

Tổn thương gan do thuốc, nhận biết và cách phòng ngừa

05-03-2023 09:54 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc là một công cụ giúp điều trị bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kéo dài cho các bệnh mạn tính hoặc lạm dụng thuốc có thể gây tổn thương gan ở nhiều mức độ khác nhau. Vậy cần làm gì để ngăn ngừa tổn thương gan do thuốc?

1. Một số loại thuốc có nguy cơ gây tổn thương gan

Gan là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, đảm nhận nhiều chức năng như thải độc, điều hòa mỡ máu, đường huyết… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kéo dài, lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng, có thể gây tổn thương gan. ‏

BSCKI. Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 cho biết, hầu hết các loại thuốc sau khi đưa vào cơ thể, bao gồm cả thuốc tiêm, thuốc ngậm, thoa ngoài da, đặt hậu môn, đều có thể gây ảnh hưởng đến gan, ở nhiều mức độ khác nhau. ‏

‏Một số trường hợp có thể dẫn đến viêm gan cấp, suy gan cấp hoặc viêm gan mạn, xơ gan hoặc gan nhiễm mỡ, do sử dụng thuốc không đúng. Đặc biệt, những người bệnh đã mắc sẵn bệnh lý về gan càng có nguy cơ cao bị tổn thương gan do thuốc. ‏

photo-1677644353142

Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng kéo dài có thể gây tổn thương gan.

‏Dưới đây là một số loại thuốc có nguy cơ gây tổn thương gan:

  • ‏Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol có thể gây ngộ độc gan khi sử dụng quá liều hoặc dùng kéo dài. Bên cạnh đó, các thuốc giảm đau như salicylate (aspirin), ibuprofen hoặc naproxen có thể gây tăng men gan hoặc thậm chí là viêm gan cấp.‏
  • Lạm dụng kháng sinh (clindamycin, metronidazol…) có thể dẫn đến viêm gan cấp. Kháng sinh erythromycin, ciprofloxacin có thể gây viêm đường mật, từ đó ảnh hưởng đến gan.
  • ‏Thuốc kháng viêm corticoid được chỉ định trong các trường hợp viêm, dị ứng, nếu lạm dụng (sử dụng kéo dài hoặc quá liều) có thể gây gan nhiễm mỡ.‏ ‏
  • Thuốc chống lao (isoniazid, rifampicin, streptomycin…), có thể gây ngộ độc gan do phác đồ điều trị lao thường phải dùng liều cao và kéo dài vài tháng.‏
  • Một số loại thuốc khác: ‏Thuốc phenytoin (thuốc điều trị động kinh), diazepam (thuốc an thần), halothan (thuốc gây mê) hoặc thuốc cimetidin (điều trị bệnh dạ dày) cũng có thể gây tổn thương gan.‏

‏Ngoài ra, các loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp… cũng có nguy cơ gây tổn thương gan do sử dụng liên tục trong thời gian dài.‏

BS. Phạm Thị Việt Anh khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng để tránh rơi vào trường hợp "tiền mất tật mang".‏

2. Biểu hiện gan bị tổn thương do thuốc

‏BSCKI. Phạm Thị Việt Anh cho biết, các biểu hiện tổn thương gan do thuốc thường không đặc hiệu. Một số trường hợp chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn trong khi những người khác có thể không có biểu hiện gì. ‏

‏Chính vì vậy, để phát hiện gan có bị tổn thương do thuốc hay không, nhất là những người mắc bệnh gan, cần đi khám bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, mật, siêu âm gan… Nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu khác như chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, sinh thiết tế bào gan…‏

photo-1677644361313

Lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây ngộ độc gan.

3. Phòng ngừa tổn thương gan khi sử dụng thuốc

‏Người dân nói chung và đặc biệt là những người bệnh đã mắc bệnh lý về gan cần lưu ý những điều sau khi dùng thuốc để không gây hại cho gan:‏

  • ‏Không tự ý sử dụng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ;‏
  • ‏Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, đảm bảo sử dụng đúng liều lượng cho phép và tần suất dùng thuốc (đặc biệt là đối với các loại thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn);‏
  • ‏Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú hoặc người có bệnh lý về gan cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào;‏
  • ‏Khi sử dụng các loại thuốc điều trị phải dùng kéo dài, cần có sự theo dõi của bác sĩ thông qua tái khám định kỳ.‏
  • ‏Không lạm dụng kháng sinh khi có các triệu chứng ho, cảm, sốt… Thay vào đó, nên đi khám bệnh để được tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng.‏
  • ‏Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế thức khuya, tập thể dục thường xuyên cùng chế độ ăn uống cân bằng, giảm bớt các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, rượu bia và các chất kích thích…
Rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?Rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?

SKĐS - Ngày càng có nhiều người bệnh mắc rối loạn tiền đình, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công việc văn phòng, ít vận động, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống. Vậy rối loạn tiền đình có chữa trị dứt điểm được không?

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Căn bệnh hiếm khiến thiếu niên 15 tuổi đột ngột đau yếu tứ chi - SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn