Tổn thương do bạo hành: Chim non trước bão…

03-08-2020 08:58 | Đời sống
google news

SKĐS - Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh - Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết-trẻ ở giai đoạn dậy thì, sau dậy thì- tâm lý của trẻ có nhiều thay đổi. Chỉ một chút sai lầm của bố mẹ có thể dẫn tới những chuyện đau lòng khôn lường.

Tự tử vì... tủi thân

Bé Nguyễn Hà Anh (tên nhân vật đã thay đổi)13 tuổi, Hà Nội được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Hà Anh đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. Khi vào viện, Hà Anh trong tình trạng nôn ói, nhiều đờm nhớt, khó thở, lơ mơ dần. Gia đình kể lại, do bức xúc khi bị mẹ và chị gái đánh nên cháu đã hành động dại dột như vậy.

Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu cho cháu mới qua cơn nguy kịch. Câu chuyện của bé Hà Anh được bác sĩ Vinh đưa ra để gióng lên lên tiếng chuông cảnh báo cho các gia đình.

Trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua, Hà Anh theo học chương trình trực tuyến của nhà trường nên thường xuyên ở nhà. Ngoài thời gian học, cháu hay vào mạng xem phim ảnh và các trang mạng xã hội khác. Mẹ cháu lo lắng và yêu cầu cháu phải thường xuyên mở cửa phòng để mọi người luôn giám sát được. Hà Anh không hài lòng về điều này vì nghĩ mình đã lớn và cần có không gian riêng tư cho bản thân. Mỗi khi về nhà là cô bé lại đóng cửa chặt lại. Mẹ của Hà Anh nghĩ rằng con gái bướng, không nghe lời nên đã mắng chửi và đánh cháu. Khi đó, chị gái của Hà Anh cũng hùa vào đánh em vì cho rằng em gái hư.

Hà Anh cảm thấy đau đớn và tủi thân vì những người trong gia đình không yêu mình. Hà Anh đã tìm cách mua thuốc trừ sâu về uống. May mắn, khi uống xong, mẹ cháu phát hiện nên đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị thành công ở khoa Cấp cứu chống độc. Các bác sĩ của khoa Cấp cứu chống độc đã gửi Hà Anh xuống khoa Sức khỏe vị thành niên để được điều trị về tâm lý.

Tổn thương do bạo hành: Chim non trước bão…Bạo hành có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với trẻ.

TS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, tại khoa các bác sỹ đánh giá cháu có những tổn thương về tâm lý và cần phải điều trị hỗ trợ. Ngoài ra, các bác sỹ cùng với nhà tâm lý cũng đã gặp gia đình để trao đổi và hướng dẫn về việc giáo dục đối với trẻ.

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh trạng tinh thần của cháu được cải thiện và cháu được ra viện để tiếp tục học tập và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, các bác sỹ cũng lo lắng về tương lai của cháu vì khi về nhà nếu tình trạng bạo hành gia đình vẫn tiếp tiếp xảy ra, thì việc trẻ chọn đến cái chết là điều khó tránh khỏi và hậu quả sẽ còn đau lòng hơn. Trên thực tế, vai trò bảo vệ và chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Thương cho roi cho vọt có đúng?

Bác sĩ Vinh chia sẻ,  bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động tới cả tinh thần và thể xác gây tổn thương nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, nhưng trước hết ở nước ta phải kể đến nhận thức của các gia đình như phong tục, thói quen. Bác sĩ Vinh cho biết, nhiều người vẫn có tâm lý nuôi dạy con cái kiểu thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Họ cho rằng, đánh con mình là…“bình thường” và đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người.

Theo BS Vinh, hành vi bạo lực gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên. Đây là giai đoạn có nhiều chuyển biến về tâm sinh lý, nên trẻ cần được lắng nghe và chia sẻ. Hành động bạo lực về thể chất và tinh thần đều có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài. Một số trẻ có suy nghĩ bồng bột và để xảy ra như bài học đau lòng nói trên.

BS Vinh khuyến cáo, cha mẹ cần thay đổi các nhận thức và hành vi trong cách giáo dục con mình, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên. Ngoài ra, mọi người dân cần nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về pháp luật cũng như quyền được bảo vệ của trẻ em...

Tổn thương do bạo hànhĐánh đập, hành hạ, ngược đãi con là hành vi vi phạm pháp luật

“Thương cho roi”- hành vi vi phạm pháp luật

Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia định 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình. Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ… con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi trẻ em là đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương và không thể tự bảo vệ mình.

Dưới sự bảo vệ của pháp luật, các bậc phụ huynh không có quyền đánh con như họ vẫn nghĩ. Các bậc cha mẹ thường quan niệm, con mình đẻ ra nên mình có quyền được đánh con. Việc đánh con chỉ là một cách để thể hiện sự yêu thương, quan tâm, chỉ là đang dạy dỗ con cái. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi này, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù có thể lên đến 5 năm đến 12 năm, nếu người bị ngược đãi thường xuyên bị đối xử tàn ác, làm người đó tự sát; theo quy định về tội bức tử trong điều 130 bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Do đó, các bậc phụ huynh cần có một thái độ và nhận thức thích hợp hơn trong cách nuôi dạy con,  đảm bảo được sự trưởng thành của con trẻ, và không vi phạm pháp luật nhà nước.


THẢO NHI
Ý kiến của bạn