>> Xem thêm: Các tổn thương da liên quan khẩu trang N95 và biện pháp dự phòng, điều trị
Tổn thương da liên quan găng tay và các sản phẩm vệ sinh tay
Các sản phẩm vệ sinh tay và viêm da tiếp xúc
Vệ sinh tay đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, việc vệ sinh tay quá nhiều lần trong đại dịch COVID-19 mà không bảo vệ da tay đúng cách, đều đặn sẽ dẫn đến tổn thương da tay.
Trong quá trình chà xát, cọ rửa vệ sinh tay, các chất hoạt động bề mặt và các hoá chất tẩy rửa sẽ làm tổn thương hàng rào da, thay đổi hệ vi sinh vật trên da tay và gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Đây có thể là đầu vào tiềm ẩn của vi rút.
Viêm da tiếp xúc dị ứng với các chế phẩm vệ sinh tay có chứa cồn thường hiếm gặp
*Các biện pháp dự phòng và điều trị
- Nên dùng các chế phẩm rửa tay nhanh có chứa cồn (> 60% ethanol hoặc 70% isopropanol) hơn các loại xà phòng. Các chế phẩm này có tác dụng bất hoạt vi rút nhanh và thuận tiện cho NVYT, ít gây tổn thương da hơn so với rửa tay bằng xà phòng và nước. Nên dùng dạng gel hơn dạng dung dịch.
- Sau khi rửa tay, nên bôi các loại kem dưỡng ẩm để bảo vệ hàng rào da, tốt nhất là các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide
- Không nên đeo nhẫn, các loại phụ kiện tay vì các hoá chất gây kích ứng da có thể đọng lại dưới những đồ vật này sau khi rửa tay
- Dùng steroid bôi vùng da bị kích ứng; dùng kháng sinh bôi nếu có bội nhiễm. Hơn nữa, vùng da bị tổn thương cần có thời gian để lành lại trước khi tiếp tục các ca làm việc.
Đeo găng tay y tế trong thời gian dài, giữa thời tiết nóng ẩm làm tăng tiết mồ hôi, một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh da vùng bàn tay ở nhân viên y tế. Ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh.
Các bệnh lý da liên quan sử dụng găng tay
Viêm da tiếp xúc kích ứng khi đeo găng tay khá thường gặp, nguyên nhân do găng gây bịt kín da tay, bột bên trong găng, xà phòng và các chất tẩy rửa chưa được rửa sạch hoàn toàn trước khi mang găng.
Việc mang 2-3 lớp găng tay bảo vệ là không cần thiết và không được khuyến cáo, đặc biệt trong thời tiết nóng bức, gây ẩm, bí vùng da tay, dẫn đến da dễ bị kích ứng do các thành phần trong găng tay y tế. Chỉ mang thêm 1 lớp găng tay trong những tình huống đặc biệt khi găng tay đang mang có nguy cơ bị rách, tay có tổn thương da trước đó hoặc có vết bẩn nhìn thấy được…
Viêm da tiếp xúc dị ứng với cao su (quá mẫn type IV) và dị ứng với latex (quá mẫn type I).
Viêm da tiếp xúc dị ứng với thành phần cao su trong găng tay y tế khá thường gặp ở NVYT. Có thể cần làm test áp để khẳng định chẩn đoán.
Dị ứng với latex là phản ứng quá mẫn type I với protein latex trong mủ cao su tự nhiên, có thể có biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ mày đay đến sốc phản vệ. Các protein latex trong bột găng tay y tế có thể là dị nguyên gây phản vệ ở những người dị ứng với latex. Có thể làm test lẩy da để khẳng định chẩn đoán.
*Các biện pháp dự phòng và điều trị
- Cung cấp găng tay y tế không có bột, găng tay y tế không latex cho tất cả NVYT.
- Nếu có tổn thương da, cần dùng steroid bôi tại chỗ và kem dưỡng ẩm bảo vệ hàng rào da. Tất cả các loại thuốc, kem bôi tại chỗ nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi mang găng tay.
- Làm khô tay hoàn toàn trước khi mang găng tay để tránh gây ẩm ướt, bí dẫn đến tổn thương da tay
- Tránh các loại kem bôi tay có chứa dầu hoặc petroleum vì có thể làm giảm tác dụng của găng tay.
Tổn thương da liên quan áo choàng bảo hộ và tác động của khí hậu nhiệt đới
Khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là trong khoảng thời gian mùa hè làm yếu hàng rào bảo vệ da và tăng nguy cơ mắc các bệnh da ở NVYT.
Thực tế, trước đây trong chiến tranh Việt Nam, đã ghi nhận các bệnh da thường gặp ở vùng có khí hậu nhiệt đới gây ảnh hưởng lớn lên sức khoẻ của quân lính, làm giảm sức mạnh của quân đội Mỹ.
Hầu hết tất cả các loại PPE đều gây bí, nóng bức, tăng bài tiết mồ hôi. Mặc áo choàng và các phương tiện bảo hộ cá nhân tạo ra vi môi trường nóng ẩm bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý da.
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân để lấy mẫu bệnh phẩm tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tháng 6/2021. Ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh.
Độ ẩm cao, thời tiết nóng bức gây tăng tiết mồ hôi ở NVYT mặc PPE gây ngứa, kích ứng da. Ngoài ra, thân nhiệt cao làm tăng giãn mạch dưới da và kích hoạt các sợi thần kinh nhóm C, gây triệu chứng ngứa. pH acid của mồ hôi gây khởi phát đáp ứng viêm qua trung gian Th2 và Th17, làm giảm tổng hợp filaggrin, làm tổn thương hàng rào da, từ đó tăng nguy cơ gây viêm, nhiễm khuẩn.
Độ ẩm, bụi, nhiệt độ cao, phơi nhiễm ánh nắng mặt trời còn tăng nguy cơ khởi phát hoặc gây nên đợt bùng phát các bệnh lý viêm như trứng cá, viêm da cơ địa, vảy nến.
Tăng tiết mồ hôi, quần áo bảo hộ ko thấm hút nước, độ ma sát cao là những yếu tố làm nặng các bệnh lý viêm da liên quan mồ hôi như miliaria (rôm sảy); mày đay cholin (hay mày đay cholinergic) và các bệnh nấm nông.
Sự khó chịu do tăng tiết mồ hôi làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định khi mặc đồ phòng hộ cá nhân và có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng ở những vùng da có PPE che phủ.
*Các biện pháp dự phòng và điều trị
- NVYT nên được chia ca, nghỉ giải lao để được uống nước đủ; khuyến khích mặc trang phục mỏng, thấm hút tốt, thoáng mát bên trong áo choàng bảo hộ để giảm tình trạng nóng ẩm.
- Khu vực nghỉ ngơi cần trang bị các thiết bị làm mát và thông gió tốt.
- Mày đay cholinergic, ngứa nhiều: có thể uống kháng histamin H1 thế hệ 2.
- Miliaria (rôm sảy): dùng steroid bôi dạng nhẹ, nhiễm nấm nông: dùng thuốc chống nấm dạng bôi.
- Đợt bùng phát viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da dầu: dùng steroid bôi, dưỡng ẩm, và tránh các yếu tố kích thích.
- Dùng các chất tẩy rửa nhẹ dịu không chứa xà phòng, bôi kem dưỡng ẩm trước và sau ca làm việc để bảo vệ hàng rào da
- Tóc nên cắt ngắn để được bọc gọn gàng trong mũ phẫu thuật, tránh lây nhiễm lên tóc và dễ dàng vệ sinh. Ngoài ra, tóc ngắn còn làm giảm sự bết dính khi dùng mũ phẫu thuật
- Nên cạo râu thường xuyên để phòng tránh các bệnh da do khẩu trang như trứng cá, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc kích ứng. Ngoài ra, râu quá dày và dài có thể dẫn đến những khó khăn khi đeo khẩu trang N95.
Ở những khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, NVYT càng dễ bị các tổn thương da, ngứa, khó chịu do nhiệt độ và độ ẩm cao, nắng nóng kéo dài. Tác động của những yếu tố này lên sức khoẻ NVYT nói chung và sức khoẻ của làn da nói riêng cần được chú ý. Nên có một hướng dẫn đầy đủ về dự phòng và quản lý các bệnh da nghề nghiệp do PPE cho NVYT, đặc biệt là những người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt bên ngoài bệnh viện. Thời gian các ca làm việc nên được ngắn lại và thêm các đợt nghỉ giải lao ngắn cho NVYT. Thời gian mặc PPE liên tục không nên quá 6 giờ và giải lao mỗi 2-3 giờ để uống đủ nước và giảm nguy cơ các bệnh da do PPE.
Ngoài ra, có thể hội chẩn chuyên khoa Da liễu từ xa (teledermatology) để được chẩn đoán và điều trị mà vẫn đảm bảo an toàn cho NVYT.