Tổn thương chỗ kín, chớ giấu bệnh

27-03-2014 07:51 | Y học 360
google news

SKĐS - Tổn thương nứt hậu môn là vết rách niêm mạc theo chiều dọc ống hậu môn, thường gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người trung niên.

Tổn thương nứt hậu môn là vết rách niêm mạc theo chiều dọc ống hậu môn, thường gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người trung niên. Đây là loại bệnh “khó nói” nhưng lại làm giảm nhiều sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Các yếu tố dễ gây nứt hậu môn

Người bị táo bón dễ bị nứt hậu môn do phải rặn quá mạnh khi đại tiện, làm cho hậu môn chịu áp lực lớn, sinh ra tụ máu, sưng tấy và rách hậu môn. Ở người bị tiêu chảy, nguy cơ nứt hậu môn cũng tăng cao do nhiễm khuẩn vùng hậu môn. Người có thói quen đại tiện không tốt như: thời gian đại tiện kéo dài; gắng sức rặn khi đi đại tiện làm tăng áp lực lên các cơ đáy trực tràng hậu môn dẫn đến nứt hậu môn. Bệnh nghề nghiệp: người có công việc phải ngồi lâu hoặc đứng lâu, máu không lưu thông về các tĩnh mạch gây nứt hậu môn. Do chế độ ăn thiếu chất xơ, thói quen uống ít nước, ăn nhiều đồ cay nóng. Một số bệnh mạn tính như: thiếu dinh dưỡng lâu ngày, suy nhược cơ thể gây giãn các cơ vòng hậu môn; viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm đại tràng cũng dễ gây nứt hậu môn. Tiền sử phẫu thuật vùng hậu môn như cắt trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ, quang đông hồng ngoại... đều có thể gây nứt hậu môn. Ở phụ nữ sau sinh tự nhiên, có thể nứt hậu môn, vết nứt ở vị trí giữa trước ống hậu môn. Giao hợp đường hậu môn, ung thư, lao, giang mai cũng gây nứt hậu môn.

Ăn đu đủ tốt cho sức khỏe, dễ tiêu hóa giúp phòng chống táo bón và nứt hậu môn.

Ăn đu đủ tốt cho sức khỏe, dễ tiêu hóa giúp phòng chống táo bón và nứt hậu môn.

Biểu hiện của bệnh

Biểu hiện lâm sàng tùy theo thể bệnh. Đau ở hậu môn: đau khi đại tiện, lúc phân đi qua hậu môn, nhất là khi phân cứng. Đau nhiều, làm cho bệnh nhân không dám ăn vì sợ ăn nhiều phải đại tiện nhiều sẽ đau. Một cơn đau do nứt kẽ hậu môn điển hình có ba giai đoạn: đau khi phân đi qua chỗ nứt; hết đau 10 - 15 phút; đau trở lại và kéo dài nhiều giờ rồi tự nhiên hết đau. Có khi đau hậu môn kèm theo triệu chứng tiểu dắt, tiểu đau hay bí tiểu. Ở giai đoạn mạn tính thì cơn đau giảm nhẹ vì hiện tượng co thắt mất dần và thay vào đó là hiện tượng tăng trương lực cơ. Khi bị nhiễm khuẩn, ổ loét ở hậu môn được bao phủ bởi một lớp mủ đặc. Có khi đã tạo một đường rò mà lỗ ngoài nằm núp sau mảng da thừa. Nếu thăm hậu môn trực tràng bằng ngón tay thì bệnh nhân rất đau, không chịu nổi, nên bệnh nhân luôn luôn từ chối không cho thầy thuốc thăm khám hậu môn. Nếu bị nứt nhẹ, bệnh nhân đi đại tiện đau rát, có khi thấy máu nhỏ giọt hoặc nhìn thấy có máu đỏ tươi ở phần rìa ngoài của khuôn phân hoặc thấy dính máu ở giấy vệ sinh. Thường có cảm giác ngứa hoặc kích ứng xung quanh hậu môn.

Bệnh nhân hay người thân có thể nhìn thấy vết nứt hậu môn, hầu hết ở vị trí đường giữa sau hậu môn; thấy một mẩu da thừa nhỏ gần đầu dưới vết nứt, gặp trong trường hợp các vết nứt mạn tính; có thể chảy ít dịch ở hậu môn, dây vào quần lót.

Điều trị phù hợp theo từng giai đoạn bệnh

Bệnh nứt hậu môn được chia thành 2 giai đoạn mới nứt hoặc nứt đã lâu, có ý nghĩa trong việc chọn phương pháp điều trị phù hợp với 2 giai đoạn bệnh này.

Đối với vết nứt mới: Điều trị không xâm nhập chủ yếu là chống táo bón với các loại thuốc tạo khối phân, thuốc nhuận tràng, ngâm hậu môn với nước ấm giúp giãn cơ thắt, hoặc dùng thuốc bôi tê tại chỗ bôi vào bên trong ống hậu môn (tránh bôi ở quanh hậu môn có thể gây viêm da). Kế tiếp là dùng thuốc Đông y để điều tiết trong và ngoài, mới đạt được hiệu quả điều trị. Bôi thuốc mỡ vào hậu môn nhằm làm giãn tĩnh mạch, giảm áp lực cơ vòng hậu môn, cầm máu và giảm đau.

Điều trị vết nứt cũ: Mục đích là khôi phục vết nứt nhằm giảm sự nhiễm khuẩn, rồi kết hợp thuốc ngâm rửa của Đông y để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Hoặc nong hậu môn để làm giãn cơ thắt. Phẫu thuật: Đối với nứt hậu môn mạn tính, để cắt bỏ vết nứt, cắt bên cơ thắt, cắt bỏ các nhú hậu môn phì đại hay các polyp xơ.

Thiết đồ cắt dọc vùng hậu môn nhìn thấy vết nứt phía sau.

Thiết đồ cắt dọc vùng hậu môn nhìn thấy vết nứt phía sau.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người bình thường và bệnh nhân bị nứt hậu môn có thể áp dụng các phương pháp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc làm nhẹ bệnh như sau: nên ăn các loại thức ăn có chất xơ có tác dụng nhuận tràng như đại táo, hồ đào, mộc nhĩ, khoai lang, đu đủ chín, uống nhiều nước để đại tiện luôn được dễ dàng. Trái lại chỉ ăn ít hoặc kiêng ăn uống đồ kích thích, cay nóng như tiêu, ớt, rượu, bia, cà phê, trà đặc.

Nên tạo thói quen đi đại tiện mỗi ngày, đại tiện đúng giờ, vận động đều đặn sẽ giúp không phải rặn nhiều và đi tiêu dễ dàng, ngâm hậu môn với nước ấm sau khi đại tiện sẽ giúp giảm đau và ngứa. Luôn vệ sinh hậu môn sạch sẽ, rửa sạch vùng hậu môn sau khi đại tiện để phòng chống nhiễm khuẩn.

Những người mắc bệnh nứt hậu môn nên điều trị sớm, đến những bệnh viện có chuyên khoa hậu môn trực tràng để điều trị, không nên để lâu, bệnh ngày càng trầm trọng.

ThS. Bùi Quỳnh Nga

 


Ý kiến của bạn