Tổn thương bỏng: Sơ cứu và điều trị

12-04-2019 12:26 | Y học 360
google news

Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, tổn thương bỏng xuất hiện rất sớm, từ khi con người biết tạo ra lửa và dùng lửa.

Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, tổn thương bỏng xuất hiện rất sớm, từ khi con người biết tạo ra lửa và dùng lửa. Từ đó, các nguyên nhân gây bỏng ngày càng đa dạng hơn, tổn thương bỏng ngày càng phức tạp hơn do xuất hiện các tác nhân và các cơ chế gây bỏng mới. Vì vậy, kiến thức sơ cứu và điều trị tổn thương bỏng cũng cần được cập nhật đầy đủ hơn.

Tác nhân gây bỏng gắn liền với các yếu tố tự nhiên, môi trường và sự phát triển của khoa học công nghệ. Tác nhân gây bỏng rất đa dạng và phong phú, có thể phân thành 4 nhóm chủ yếu gồm: sức nhiệt (nhiệt khô, nhiệt ướt); hóa chất (axit, bazơ, muối...); dòng điện (hạ thế, cao thế) và bức xạ (tia hồng ngoại, tử ngoại, laser, tia X, δ...).

Sơ cứu nạn nhân bỏng

Ngay khi bị tai nạn bỏng, nạn nhân và những người xung quanh phải bình tĩnh tự cứu mình, loại bỏ ngay các tác nhân gây bỏng (dập lửa cháy trên người, cắt nguồn điện, cởi ngay quần áo đang cháy, đang dính hóa chất...); nếu nạn nhân bị ngừng tim, ngừng hô hấp, phải tiến hành hồi sinh tổng hợp (ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt). Tiếp theo đó, tìm ngay một nguồn nước sạch lạnh (tối ưu là từ 16 - 200C) để ngâm, tưới dội vùng tổn thương vừa để dập lửa loại bỏ tác nhân gây bỏng, vừa làm hạ nhiệt độ của da và các phần dưới da bị bỏng, giảm đau, giảm viêm nề. Tốt nhất là ngâm trong nước lạnh càng sớm càng tốt trong vòng 10 - 30 phút đầu tiên sau bỏng, thời gian ngâm, rửa tổn thương từ 10 - 30 phút. Đây là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả làm hạn chế mức độ tổn thương bỏng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị bỏng diện rộng, bỏng ở trẻ nhỏ và người già, cần chú ý giữ ấm vùng thân thể không bị bỏng, thực hiện ở nơi kín gió, có thể rút ngắn thời gian ngâm rửa. Sau khi đã ngâm lạnh, cần băng vùng tổn thương bỏng bằng gạc bông hoặc vải sạch, băng quấn ép vừa phải và đều trên diện bỏng. Không cần băng vùng mặt, tầng sinh môn, bỏng độ I. Nếu vết bỏng có kèm theo vết thương, bất cứ là bỏng độ nào, ở vị trí nào cũng phải băng bó lại. Không nên bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng (trừ trường hợp bị bỏng hóa chất). Nếu người bị bỏng không có nôn, trướng bụng hoặc tổn thương kết hợp (tạng bụng, sọ não...) thì có thể bổ sung dịch thể bằng đường uống, tốt nhất là uống oresol, ngoài ra có thể dùng nước khoáng, nước hoa quả có pha thêm ít muối (ở trẻ nhỏ thì cho bú sữa mẹ...). Ủ ấm, chuyển vận nhẹ nhàng và nhanh chóng đưa nạn nhân về cơ sở điều trị.
Các phương pháp điều trị bỏng

Điều trị toàn thân: bao gồm bồi phụ dịch thể, truyền máu, đạm, huyết tương, kháng sinh (uống hoặc tiêm theo chỉ định), trợ tim, trợ sức, lợi niệu thải độc... Việc theo dõi người bệnh cần liên tục, phát hiện kịp thời các biến chứng để xử trí.

Tổn thương bỏng: Sơ cứu và điều trị 1
Điều trị tích cực cho bệnh nhân bỏng nặng.

Điều trị tại chỗ vết bỏng:

Thay băng bỏng: tùy theo tính chất, vị trí tổn thương để quyết định dùng phương pháp băng kín, bán hở hoặc để hở vết thương; thay băng hàng ngày hoặc cách ngày; dùng thuốc thích hợp tại vết bỏng. Các loại thuốc điều trị tại vết bỏng bao gồm:

Nhóm thuốc có tác dụng làm rụng hoại tử: như trypsin, pepsin, papain, bromelain... hoặc mỡ axit salyxilic 40%, lanolin...;

Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn: axit boric (dung dịch 2 - 3%, mỡ 5 - 10% hoặc bột tinh thể). Hiện nay, các cơ sở điều trị bỏng ở nước ta dùng phổ biến berberin dung dịch 0,1%, cream 0,5%; mỡ madhuxin. Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc nam có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn vết bỏng như nước sắc cây cỏ lào, cây mỏ quạ, cây lân tơ-uyn, kháo vàng, kháo nhậm, lá trầu không, dung dịch vàng đắng...

Thuốc có tác dụng tạo màng che phủ vết bỏng: được dùng phổ biến là tanin dung dịch 5%. Một số thuốc nam có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc như cao đặc lá sim, cao đặc vỏ cây xoan trà (B76)... Hiện nay, cao đặc vỏ cây xoan trà được dùng rộng rãi tại nhiều địa phương. Sau khi rắc, phun sẽ tạo thành một màng thuốc che phủ vết bỏng, không cần thay băng, tiết kiệm bông băng gạc, bớt đau đớn vì không phải thay băng nhiều lần. Màng thuốc sẽ tự bong ra khi quá trình biểu mô hóa được hoàn tất, chất lượng sẹo tốt. Tuy nhiên, dùng thuốc phải đúng chỉ định (vết bỏng nông, bỏng mới), không dùng trên các vết bỏng sâu, vết bỏng đã nhiễm khuẩn, không dùng quanh chu vi chi thể và việc xử lý vết bỏng trước khi dùng thuốc phải đúng kỹ thuật.

Nhóm thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng: dầu gan cá thu, dầu gấc, thuốc mỡ rau má, tinh dầu mù u, biafine, madecassol, thuốc mỡ cao vàng,  hebermin, chitosan...

Các vật liệu sinh học có tác dụng che phủ tạm thời vết bỏng: như màng nhau thai, da đồng loại, dị loại (da ếch, trung bì da lợn), màng biobrane, dermagraft, intergra, màng collagen, vải các-bon, tấm nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy... Việc sử dụng các loại vật liệu sinh học ngày càng rộng rãi góp phần quan trọng cứu sống các bệnh nhân bỏng sâu diện rộng.

Mời xem tiếp trên SK&ĐS số 94 ra ngày 13/6/2013

TS. Chu Anh Tuấn (Viện Bỏng Quốc gia)


Ý kiến của bạn