Hiện nay, tại Hà Nội, hàng loạt dự án chung cư, văn phòng, khu thương mại được phê duyệt và xây dựng. Điều đáng nói là những dự án này lại được triển khai rầm rộ tại những con phố vốn dĩ đã chật cứng lưu lượng giao thông và mật độ dân, hạ tầng, đường sá đã quá tải khiến kéo theo nhiều hệ lụy.
Ngộp thở vì … nhà cao tầng
Theo ghi nhận của PV, trên tuyến phố Vũ Trọng Phụng thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện nay có chiều dài khoảng 700m, còn chiều rộng áng chừng hai chiếc ôtô đi ngược chiều tránh nhau rất khó nhưng lại có hàng loạt dự án chung cư cao tầng mọc lên. Đơn cử tại số 47 của tuyến phố hiện có dự án khu nhà chung cư văn phòng Sakura Tower với tòa nhà cao 22 tầng bao gồm trên 180 căn hộ đang được đưa vào sử dụng. Tại số 59 là dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng thương mại cho thuê với hàng trăm căn hộ đang được hoàn thiện trên khu đất 3.279m2. Đối diện với dự án này là khu nhà cao tầng của Đại học quốc tế Bắc Hà (số 54 Vũ Trọng Phụng). Kế tiếp tại số 69 là dự án khu nhà ở và trung tâm thương mại được xây dựng trên khu đất 11.235m2. Ông Nguyễn Chính Bình - người dân sống ở đây cho biết: Trước đây, dù mưa lớn nhưng tuyến phố này vẫn ít bị úng ngập. Tuy nhiên hiện nay, chỉ một trận mưa nhỏ thì con phố cũng chìm trong biển nước, úng ngập kéo dài do hệ thống thoát nước quá tải do chính mật độ xây dựng và mật độ dân cư quá đông. Giao thông ở đây thường xuyên bị tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm.
Nước ngập nhà dân tại khu tập thể Giảng Võ do công trình cao tầng bên cạnh đang thi công.
Bà Trần Thị Lương (65 tuổi, sống tại khu chung cư Sakura Tower) chia sẻ: Hai vợ chồng chúng tôi vốn ở Nam Định, mới chuyển lên đây sống với con trai út được 2 năm nay song cũng mấy lần đòi về quê vì không quen với không khí sống ở đây. Ổn ào, bí bức, quanh năm suốt tháng hai ông bà chỉ quanh quẩn ở trong phòng. Hôm nào thứ 7 chủ nhật, hai đứa cháu được nghỉ thì cũng chỉ ở trong phòng vì chẳng có sân chơi cho các cháu.
Những vấn đề này đều xảy ra tại những nơi có mật độ tập trung nhiều dự án khu chung cư hay các trung tâm thương mại. Hệ lụy của nó càng nghiêm trọng hơn đối với chính cuộc sống của những khu dân cư, hộ dân sống trong khu vực liền kề với các dự án khi dự án đang trong thời gian thi công. Bà Nguyễn Thị Chung (70 tuổi - số nhà 106) một đơn nguyên tại khu TT Giảng Võ (nơi đang có hàng loạt dự án nhà cao tầng đang thi công) cho biết: Đã gần nửa tháng nay, trong nhà bà cũng như nhiều hộ dân ở đây luôn bị ngập úng, nước thải và nước bể phốt cứ sục trào không thể thoát. Bà Vũ Thị Ty (Phó tổ trưởng tổ 21, khu tập thể B5 Giảng Võ) cho biết: Khu tập thể này được xây dựng năm 1975 bao gồm 5 tầng và 60 nhà, tương ứng với 60 hộ dân. Hơn 40 năm nay, ở đây chưa hề có tình trạng tràn nước hay ngập úng trong thời gian dài thế này. Ngày 7/6, khi dự án Tổ hợp khách sạn Sao Phương Đông (phía sau khu tập thể B5) do Công ty xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta tiến hành thi công, đào đất ở phía dãy nhà thì thấy nước phun lên. Mặc dù vấn đề này đã tạm thời được phía công ty giải quyết, song người dân vẫn thấp thỏm sự cố lại tái diễn khi mùa mưa đến.
Hạ tầng chạy theo cao ốc
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Trần Chủng cho rằng, ở khía cạnh nào đó, khi phê duyệt các dự án nhà chung cư cao tầng ở các khu vực mà cơ sở hạ tầng, đường sá chưa được đầu tư đồng bộ thì cơ quan chức năng cần phải tham khảo ý kiến của người dân, sở chuyên môn liên quan vấn đề giao thông, hạ tầng xã hội khu vực đó, tránh tình trạng quá tải hạ tầng ở khu vực đấy.
Cùng vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, tuyến phố Vũ Trọng Phụng dù ngắn nhưng ở đây tập trung nhiều khu đất của các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan hành chính nên hiện được nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển đổi để làm dự án bất động sản. Trong các cuộc họp, nhiều người lo lắng khi trên địa bàn có nhiều khu chung cư cao tầng đang được đưa vào sử dụng kéo theo hàng trăm nhân khẩu mới sẽ gây áp lực lớn về giao thông, điều kiện sống.
Cũng theo vị này, việc xây nhà cao tầng là cần thiết do đất chật nên không còn cách nào là phải vươn lên cao. Nhưng việc phê duyệt ồ ạt dự án chung cư cao tầng ở các khu vực đông dân cư, các khu vực mà cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hệ lụy của quá trình bê tông hóa rõ nhất là trong các trận mưa vừa qua, Hà Nội lại chìm ngập trong biển nước do không có chỗ mà thoát khi đâu đâu cũng mọc lên cao ốc, ông Liêm nói.
Hoàng Văn