Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội và rất nhiều địa phương trong cả nước rầm rộ tiến hành tu sửa tôn tạo các đền chùa di tích lịch sử. Đây là việc làm đúng đắn, thiết thực trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị kiến trúc, văn hoá, lịch sử của cha ông cho con cháu đời sau. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chưa kịp mừng thì những bất cập trong việc thực hiện các dự án trên đã khiến dư luận không thể ngồi yên.
Các di tích lịch sử cần được gìn giữ và tôn tạo. |
Tu bổ đi liền với phá dỡ và làm mới
Cách đây chưa lâu, hẳn mọi người chưa quên sự kiện người ta san bằng đền thờ Lý Chiêu Hoàng ngay sau hôm công nhận nó là di tích văn hoá để xây mới từ nền đến nóc. Trước đó, các đình Yên Phụ và đình Mông Phụ, Đường Lâm cũng bị làm biến dạng không nhiều thì ít. Tại đền Và, đơn vị tu sửa đã tự động tháo dỡ tường cũ, đưa hai sư tử đá vào đền, phá vỡ kiến trúc cảnh quan. Thành cổ Sơn Tây thì được dựng lại cổng thành, quét nước xi măng đen xịt làm lu mờ màu đá ong rất đặc trưng ở nơi đây. Đền thờ Chu Văn An ở Thanh Liệt sau khi được đưa vào tu sửa, không hiểu vì lý do gì mà người ta bỏ hẳn lầu bình thơ của của thầy giáo Chu Văn An xưa kia. Tại đền Voi Phục, để phục vụ cho việc mở rộng qui mô, xây mới các hạng mục, nhiều cây xanh bị phá bỏ không thương tiếc, kể cả cây cổ thụ quý hiếm góp phần làm nên sự linh thiêng, uy nghi của ngôi đền hàng trăm năm tuổi.
Không nằm ngoài tình trạng trên, đình Xuân Tảo cũng được thay mới hoàn toàn từ kích thước cho tới kiểu dáng kiến trúc một cách tuỳ tiện. Những mảng kiến trúc tinh xảo cổ xưa bị loại bỏ hoàn toàn.Vì lý do này, công trình đã từng bị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đình chỉ nhưng sau đó lại được hoàn thiện. Và chùa Trấn Quốc - một ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng đứng trước tình trạng báo động về tính nguyên bản khi dự án tu sửa đang được tiến hành. Có thông tin cho biết, hạng mục nào của chùa xây xong cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà chuyên môn.
Chùa Kim Liên (Hà Nội) đang được sửa chữa cũng không thoát khỏi tình trạng trên. Tường rào và cửa ra vào theo lối kiến trúc cổ còn rất chắc chắn cũng bị phá ra, thay thế bằng kiểu cổng tam quan, giống như nhiều đền chùa khác. Tiếp đến là Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện cũng đang được tiến hành tu sửa với kinh phí lên tới 45 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, các công trình ở đây tuy được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng rất hài hoà, cổ kính. Vậy mà sau nhiều lần nâng cấp, tu sửa, nội thất của khu di tích này ngày một trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy, hoàng tráng đến mức khó có thể tưởng tượng. Chưa kể tới đây, tường rào của khu di tích này sẽ được bao quanh bởi một bức tranh vải dài kỷ lục 2.000m mang tên "Hà Nội - Những giai thoại" được xác lập kỷ lục Guiness. Dù nội dung của bức tranh tái hiện những câu chuyện thú vị về giai thoại lịch sử, danh nhân, văn hóa... và chỉ trưng bày trong 3 ngày từ 4-6/12/2009 nhưng nhiều người cho rằng với một nơi tôn nghiêm như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hoạt động ồn ào này có được đặt đúng chỗ? Nhất là hình ảnh tổng thể của khu di tích trong những ngày này trông sẽ ra sao?
Rồi dự án tôn tạo chùa Trăm Gian, việc trùng tu đến nay vẫn chưa được thông qua vì hồ sơ thiết kế không đảm bảo các yếu tố nguyên gốc. Thay vào đó, người ta định làm mới tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ...
Chùa Trăm Gian. |
Chưa có giải pháp khắc phục
Đáng tiếc là trong khi những sai sót trên chưa kịp chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm lưu lại những giá trị kiến trúc, văn hoá cổ, lâu đời quý giá cho các thế hệ mai sau thì gần đây một loạt những di tích đền chùa mới lại tiếp tục được đưa vào danh sách tu bổ tôn tạo khiến dư luận lại thêm lần nữa phấp phỏng lo sợ. Đó là khu di tích đình Ngoại, chùa Chợ (huyện Thanh Oai) với tổng kinh phí 32,54 tỷ đồng; di tích Ô Quan Chưởng với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng; chùa Bộc; Bích Câu đạo quán,...
Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2006-2008, Nhà nước đã đầu tư tới 863,42 tỷ đồng cho mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo 506 lượt di tích. Riêng Hà Nội, từ năm 2002 đến nay, nhân dân đã đóng góp gần 450 tỷ đồng để trùng tu 900 di tích. Dựa vào số liệu này, có thể thấy thời gian qua có rất nhiều di tích được trùng tu. Tuy nhiên, theo như những gì dư luận phản ánh thì thay vì trung tu, sửa chữa, các di tích hầu như đều được "làm mới" với rất nhiều sai sót, mất mát không đáng có. Qua đó, có thể thấy "yếu tố cổ kính, đặc biệt và duy nhất" ở mỗi di tích cũng bị rơi rụng đi rất nhiều.
Sắp tới, chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trên thế giới, các thủ đô có thâm niên nghìn năm tuổi như Hà Nội không nhiều. Dấu tích thời gian, những thăng trầm của lịch sử dân tộc phần nhiều được lưu giữ trong những nét kiến trúc cổ kính, rêu phong ở các đình chùa. Vậy mà...
Những gì được gọi là tinh tuý, đặc sắc làm nên diện mạo với những giá trị trường tồn của Thăng Long - Hà Nội đã và đang bị những hành động nhân danh "trùng tu, sửa chữa" để tranh thủ làm liều, "đục nước béo cò" mà phá huỷ, làm tổn hại nghiêm trọng đến truyền thống và lịch sử của dân tộc. Có ý kiến cho rằng do chúng ta chưa có sự chuyên nghiệp trong khâu đào tạo trong các trường xây dựng hoặc kiến trúc, dẫn đến thiếu nhân lực có khả năng về trùng tu, sửa chữa di tích, gây nên những sự cố đáng tiếc trên. Có ý kiến cho rằng cần phải có những chế tài nghiêm khắc, xử lý những kẻ ngang nhiên phá hoại di sản của đất nước. Nếu không, tình trạng này sẽ khó lòng chấm dứt, và, số di tích bị phá huỷ sẽ ngày một nhiều thêm.
Thu Thu