Trả lời báo chí về xử lý hơn 3.000 container phế liệu đang "đọng" ở các cảng biển Việt Nam, trong đó có rất nhiều container vô chủ, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, theo pháp luật về bảo vệ môi trường về cảnh quan, hiện nay những container phế liệu mà không đủ tiêu chuẩn đã xác định được chủ hàng buộc hãng vận tải phải vận chuyển ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam.
Đối với các container không xác định được chủ hàng, nếu đủ tiêu chuẩn để làm phế liệu thì Chính phủ sẽ giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan lập Hội đồng đánh giá giá trị của các container này để tiến hành bán đấu giá.
Với các container không đủ tiêu chuẩn phế liệu thì buộc phải đưa vào các nhà máy xử lý rác thải.
Trước đó, hồi cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; hướng dẫn các hãng tàu/đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam đối với phế liệu nhập khẩu (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…), mô tả hàng hóa phải thể hiện đầy đủ để xác định được loại phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất...
Với hàng nghìn container bị tồn, một số cảng biển Việt Nam có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu”. Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO đối với việc nhập khẩu phế liệu.
Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường theo thẩm quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán và sử dụng phế liệu nhập khẩu; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu về việc kể từ ngày 1/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan thông báo cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển chỉ được đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực) nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới. Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định; chịu trách nhiệm về việc cho phép bốc dỡ các lô hàng phế liệu nhập khẩu nêu trên...