Tôm đồng có tên khác là tôm càng, tôm nước ngọt, sống ở ao, hồ, đầm, lạch vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Tôm đồng bắt về đem rửa sạch, lột vỏ, vặt râu, chân, nặn bỏ lớp cặn bã lộn trên đầu tôm. Theo y học cổ truyền, tôm đồng có vị ngọt, tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí, lợi tinh, lợi sữa, giải độc, chống nôn, mộng tinh, xuất tinh sớm. Trong tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta dùng tôm đồng để tăng cường khí huyết, bổ thận, chữa yếu sinh lý. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc tốt giúp bổ thận tráng dương:
Bài 1: tôm đồng 20g, ngài tằm đực 7 con (vặt cánh chân). Hai thứ sao giòn, tán nhỏ, trộn với 2 quả trứng gà. Đem rán hoặc hấp chín, ăn trong ngày.
Bài 2: tôm đồng 50g, lá hẹ 20g hoặc quả ớt ngọt 30g. Tất cả thái nhỏ xào chín, thêm ít rượu 400 và gia vị, ăn hết trong ngày.
Bài 3: tôm đồng 50g, hạt hẹ 15g, gạo 200g. Vo gạo sạch, đổ nước nấu thành cháo. Cho thịt tôm và hạt hẹ đã giã nhỏ, tiếp tục nấu cho chín. Thêm gia vị ăn nóng.
Bài 4: tôm đồng 50g, cá chạch 50g. Dùng nước ấm rửa sạch cá cho hết nhớt, đánh vảy, mổ bỏ ruột. Hai thứ thái nhỏ, nấu chín cùng với ít gừng sống. Thêm gia vị. Ăn nóng.
Bài 5: trứng tôm đồng 20g, trứng chim sẻ hoặc trứng cút 2 quả. Đem trứng tôm nấu với nước khoảng 10 phút, rồi cho trứng chim vào. Nấu tiếp đến chín trứng là được. Thêm gia vị. Ăn nóng.
Bài 6: tôm đồng 20g, cá diếc 1 con (200g), măng 10g, nấm hương 10g, đậu Hà Lan 15g. Cá đánh vẩy, bỏ ruột, rửa sạch, lọc lấy thịt cá, ướp gia vị, chút rượu vang rồi cho vào chảo rán kỹ. Tôm cắt nhỏ, xào chín, cho hành, tỏi, măng, nấm hương, đậu Hà Lan vào, đảo đều rồi đổ lên đĩa cá. Ăn 1 lần trong ngày.