“Tôi yêu sân khấu thiếu nhi đến phát cuồng”

23-09-2013 07:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Kể từ cái đận nghệ sĩ Đức Hải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, thi thoảng anh cũng trở ra đất Bắc làm một vài chương trình. Chẳng biết từ bao giờ, tên tuổi Đức Hải gắn liền với hai chữ “danh hài” và cái nét hóm hỉnh đến tinh quái đã khiến lối diễn của anh không trộn lẫn với ai.

Kể từ cái đận nghệ sĩ Đức Hải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, thi thoảng anh cũng trở ra đất Bắc làm một vài chương trình. Chẳng biết từ bao giờ, tên tuổi Đức Hải gắn liền với hai chữ "danh hài" và cái nét hóm hỉnh đến tinh quái đã khiến lối diễn của anh không trộn lẫn với ai. Tình cờ gặp anh trong quán bia Ngọc Hà (Hà Nội), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện theo kiểu "bia hơi Hà Nội".

Ngoài ngũ tuần, tự "khai" đã vào thời kỳ "mãn" rồi mà sao trông anh vẫn trẻ vậy, dường như bề ngoài anh không thay đổi trong nhiều năm gần đây. Hai lần sinh với tổng số 4 chiến sĩ, nếu không có phong thái của một diễn viên hài để gặp anh lúc nào cũng thấy vui như Tết thì tôi sẽ hình dung ông bố của 4 đứa con là hình ảnh người đàn ông tất bật, khắc khổ, còm cõi…

Cám ơn bạn, hiện tôi là bố của 4 nhóc tỳ cực kỳ dễ thương, hàng Việt Nam chất lượng khủng. Về đường con cái thế là quá dư dả, có ai thách đấu hay gửi gắm cũng nói không, một trăm lần không, một nghìn lần không. Vậy nên câu nói cửa miệng là: mãn rồi cho an toàn. Còn mãn hay không chỉ có người trong cuộc biết thôi. Cuộc sống ở tuổi này còn nhiều thứ phải quan tâm lắm, đặc biệt là lũ trẻ, quan trọng vô cùng.

Cùng lứa với NSND Lê Khanh, Lan Hương, NSƯT Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng…, một lứa diễn viên có thể nói là "đẹp như mộng" và tài năng hiếm hoi của sân khấu phía Bắc, anh bỗng rẽ ngang, rồi xa dần nghiệp diễn, anh có thấy tiếc không?

“Tôi yêu sân khấu thiếu nhi đến phát cuồng” 1
 Nghệ sĩ Đức Hải.

Thật ra thì không hẳn là như vậy đâu. Người ta vẫn thường nói: đói thì phải lăn, hay ăn thì lăn vào bếp. Cái thời còn ở Nhà hát Tuổi trẻ diễn cùng các bạn Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng..., diễn xong, mỗi đứa được một bát phở. Thế là hết. Bây giờ, vào khu văn công Mai Dịch, vẫn vậy! Không chấp nhận thực tế đó, tôi bắt đầu tính mưu.

Ấy là tôi muốn nói ở sân khấu chính kịch, còn sau đó, chuyển sang diễn hài thì nghệ sĩ Đức Hải cũng trở thành một cái tên khá đậm trong làng kịch hài. Duyên cớ nào để anh tìm thấy mình và đặt mình vào đó vậy?

Chính sự nghiệt ngã của cuộc sống phải lo cơm áo gạo tiền đã "thúc" tôi chuyển hướng sang diễn hài kịch. Cũng chẳng biết là khôn hay dại, nhưng từ khi chuyển sang diễn hài kịch tôi mới tự thấy hóa ra mình cũng có khiếu hài hước, được khán giả yêu mến. Cũng từ đó, thu nhập khá hơn, cuộc sống vui hơn, dễ thở hơn. Và rồi nhờ tích cóp cũng có được một hai cái nhà, rồi lấy vợ, đẻ con, nuôi con - vui sướng, cực nhọc, đau khổ, hạnh phúc... Tất cả đã đong đầy.

Có người bảo trông anh phảng phất dáng nét của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đóng Tôn Ngộ Không: đôi mắt sinh động, tác phong linh hoạt, thông minh trong ứng xử các tình thế. Anh có thích nhận xét này không?

Ồ! Thế bạn có thấy như thế không? Tôi quá hạnh phúc khi được khán giả ưu ái như vậy.

Có một dạo, cái tên nghệ sĩ hài Đức Hải cũng hot lắm, anh được "ngồi" trên báo với nhiều lời ca tụng. Anh đã ưng ý với mình chưa?

Tôi vô cùng cảm ơn những lời động viên của công chúng dành cho tôi. Ngẫm lại, tự thấy mình đã nỗ lực không mệt mỏi. Giờ đã ngoài 50 tuổi, ngoảnh lại thấy thời gian trôi vun vút mà cứ ngỡ tuổi đôi mươi mới chỉ là hôm qua. Bỗng cảm thấy một chút xót xa, một chút tiếc nuối muốn vít thời gian cho chậm lại. Có những lúc, bỗng dưng tôi cảm nhận mình không thực sự yêu bản thân mình đúng nghĩa, cứ mải miết lao đi. Phải chăng người nghệ sĩ quá lãng mạn, thiếu thực tế và thường hay bay bổng? Phải chăng cuộc sống còn nhiều thiếu thốn buộc người ta phải lao đi như tên bắn một cách tội nghiệp? Ví như tôi, học xong nghề biểu diễn lại đi học đạo diễn. Tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật rồi lại đi học tâm lý giáo dục, học chính trị cao cấp. Tất cả những điều này liệu sẽ mang lại thành công hay phải trả giá?

Dường như tâm trạng anh đang có uẩn khúc gì đó, thôi zô đi nào!

Con người ai cũng muốn khẳng định mình trước người khác để tự hào, để hãnh diện. Tất cả những thứ đó là đúng nếu trung thực và chân thật soi lại mình. Nhưng với khán giả, có thể điều ấy họ không quan tâm, miễn là anh xuất hiện trước công chúng có để lại ấn tượng gì tốt đẹp không. Xem ra mọi nỗ lực kia bằng thừa ư?

Từ khi nào anh đã chuyển vào phía Nam nhỉ, lý do gì lại khiến anh Nam tiến?

Đơn giản là năm 2000 tôi còn trẻ, chưa vợ, có bằng thạc sĩ, khi đó, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Thiếu giảng viên, hơn nữa mình lại thích khám phá bản thân mình. Thế là quyết định chuyển vùng.

Người ta nói, ở đó không có chiến trường, không có thương trường mà chỉ có cơ hội để thể hiện mình. Phải chăng đây cũng là một động lực để anh chuyển vùng?

Hoàn toàn đúng! Bạn mừng cho tôi nhé. Lo sự nghiệp cho mình, lo tiền bạc cho gia đình thật không đơn giản chút nào, trầy trụa về thể xác, trầy xước về tâm hồn – đủ cả. Nhưng bây giờ, về cơ bản khá yên tâm rồi. Chỉ tiếc sao những điều đó mình không đạt được ở độ tuổi 30. Bạn sẽ cho tôi là tham lam, nhiều tham vọng. Nhưng điều này cũng lý giải vì sao có lúc tôi vắng bóng sàn diễn, lúc lại xuất hiện dồn dập. Đi diễn, đi buôn, kể cả đi làm thuê phó tổng giám đốc, rồi tổng giám đốc nơi này nơi kia vẫn tận tụy làm. Khi công việc làm thuê chùng xuống vì xu thế chung, vì suy thoái kinh tế, tôi lại quay về nghệ thuật. Nói như thế bạn đừng lầm tưởng là tham vàng bỏ ngãi – đơn giản là sự lựa chọn khi ai cũng chỉ có 24 tiếng/ngày. Ở cái tuổi ngoài 50 tôi ngộ ra rằng, lao đi là qui luật, nhưng cần thận trọng và cần phải an toàn.

Thế nhưng mảnh đất phương Nam cũng là nơi thử thách quyết liệt với mỗi con người muốn lập nghiệp. Anh có chật vật lắm khi hội nhập nơi đây?

“Tôi yêu sân khấu thiếu nhi đến phát cuồng” 2
 Đức Hải trong vở Mẹ và người tình.

Bạn nói đúng, mảnh đất phương Nam có cái gì đó hồn nhiên như cây cỏ, tự vận động, tự đấu tranh sinh tồn, tự khẳng định để tồn tại và phát triển. Nhưng trong cái môi trường đó cũng cần có sự cộng hưởng chứ không thể độc lập mà tồn tại được, phải có sự hợp tác, chia sẻ cùng đồng nghiệp. Điều mà tôi thích là tài năng được tôn trọng thực sự. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi tạm ổn, đây là lúc tôi thấy cần phải yêu mình, yêu sở thích của mình, chắc chắn là chưa muộn. Bạn biết không, tôi yêu sân khấu thiếu nhi đến phát cuồng. Thấy 63 tỉnh thành không có nổi một nhà hát chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi, khi mà quá nhiều rạp ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội bỏ ngỏ, xuống cấp, làm quán nhậu, làm vũ trường... mà tê tái lòng. Vì thế mà tôi lại càng quyết tâm hơn.

Tôi nghe nói là để hòa nhập vào môi trường nghệ thuật phía Nam, điều cản trở lớn nhất đối với nghệ sĩ là chất giọng Bắc. Anh điều chỉnh việc đó thế nào hay vì thế mà anh ít cơ hội đứng trên sân khấu?

Đúng, ở một số nhà hát phía Nam thì chất giọng Bắc là một cản trở đối với người diễn viên, nhưng có sân khấu thi giọng Bắc lại là một lợi thế. Nhưng tôi chuyển vào Nam là để giảng dạy, sau đó lao vào kiếm ăn bằng những công việc khác nên ít có thời gian dành cho sàn diễn.

Tôi lại cũng nghe chính những cô gái Nam nói rằng, chúng em thà chịu ế chứ không thích lấy đàn ông Bắc làm chồng vì họ soi xét kỹ, mắc bệnh hình thức khi ăn mặc chải chuốt và thích đi xe đẹp. Anh có chiêu gì để chinh phục được cô vợ đảm đang gốc Nam chính hiệu vậy?

Tôi lấy vợ muộn, nhưng trâu chậm uống nước trong. Trong thời gian học tâm lý giáo dục ở Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tôi đã "khai quật" được tình yêu với một nàng gốc Nam xịn. Ngày đó phải vượt qua bao nhiêu "cửa tử": dư luận, đồn thổi, thị phi, ghen ghét, tình địch... để tiến lên phía trước.

Làm MC là một nghề, ngoài kiến thức còn là cái duyên và mỗi người đều tìm một cách để thu hút, lôi kéo khán giả vào câu chuyện của mình. Cám ơn bạn về lời ngợi khen dành cho tôi!

Lâu rồi, khán giả ít được thấy anh trên sân khấu, có thể có một chân dung phác thảo về anh hiện nay thế nào nhỉ?

Bên trong luôn quay cuồng, vận động vì quá thiếu thời gian với nhiều dự định. Bên ngoài luôn thanh thản, hồn nhiên và lạc quan, ít người đoán được.

Nói rồi, Hải cầm bút tự ký vào cuốn sổ của tôi rồi hài hước: Lâu lắm chẳng được người hâm mộ xin chữ ký, thèm quá, tôi tự ký tặng bạn vậy.

Tố Lan (thực hiện)


Ý kiến của bạn