Hà Nội

Tôi vẫn chọn sự “dũng cảm” của mình...

23-11-2017 19:00 | Y tế
google news

SKĐS - Đến bây giờ, đã tốt nghiệp trường y được gần 20 năm, ngôi trường Đại học Y Hà Nội cũng đã tròn 115 năm tuổi.

Ngày hội kỷ niệm thành lập trường, tôi vui mừng gặp lại bạn bè và bồi hồi nhớ lại những tháng ngày học ở trường. Điều khiến tôi không thể quên được đó là ngày tôi đến bộ môn tâm thần xin thi nội trú sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Khi gặp thầy giáo vụ bộ môn, trình bày nguyện vọng, thầy nhìn tôi rồi hỏi:

- Vì sao em thi chuyên ngành này?

Tôi trả lời: Vì em thích thôi ạ!

Bạn bè đứa chọn nội, ngoại, sản…, đứa theo chuyên khoa lẻ như mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng… Có đứa cũng bất ngờ và ái ngại cho tôi khi biết tôi chọn ngành tâm thần và kết luận một câu “tôi là người dũng cảm”, tôi cũng có phần hoang mang.

Còn gia đình tôi, bố mẹ không trong ngành y nên không có ý kiến gì, mọi việc của tôi là do tôi quyết định. Đến ngày tôi vào học nội trú tâm thần, các thầy cô ai cũng vui vẻ nói với tôi rằng: Em là nội trú nữ đầu tiên của ngành tâm thần.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Sức khoẻ tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Sức khoẻ tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai.

Và đến bây giờ, ngẫm lại tôi thấy mình “dũng cảm” thật.

Trong xã hội từ nhiều năm nay, không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, sự kỳ thị với người bệnh tâm thần còn phổ biến và bác sĩ chuyên khoa tâm thần dường như cũng chịu ảnh hưởng.

Bản thân chúng tôi và nhiều đồng nghiệp khác khi nói về chuyên khoa của mình thường giới thiệu làm về chuyên khoa tâm thần kinh hay nói về căn bệnh của mình chữa là bệnh đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, lo âu và thấy ái ngại khi nói mình làm chuyên khoa tâm thần. Rồi bố mẹ tôi đi đâu có ai hỏi làm chuyên khoa gì thì thường nói là nó làm chuyên khoa thần kinh, nhất là khi các cụ về quê. Đồng nghiệp của chúng tôi khi mở phòng khám tư thường ghi biển chữa những căn bệnh như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, suy nhược thần kinh..., nghĩ mà nhiều lúc tủi thân.

Chính sự kỳ thị của xã hội với bệnh nhân tâm thần đã gây rất nhiều cản trở trong điều trị cho người bệnh. Nhận thức chung của xã hội về bệnh lý tâm thần còn lạc hậu và rất hạn chế. Họ quan niệm rằng bệnh tâm thần là bệnh điên, người bệnh rối loạn hành vi, cần xa lánh họ. Một điều đáng lo ngại nữa là họ cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do ma tà nhập vào, không đưa người bệnh đến bệnh viện chữa mà đi cúng bắt ma, rồi trình đồng mở phủ… Có những bệnh nhân khi phát bệnh được gia đình cho đi cúng rồi bắt ma bằng cách đánh bệnh nhân bằng roi dâu cho ma ra khỏi và người bệnh đã bị đánh đến mức độ ngất đi, gãy cả răng, gia đình phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu…

Tôi đã từng bị doạ kiện vì tội nhận một chị bệnh nhân là giáo viên điều trị ở chuyên khoa tim mạch không khỏi về Viện Sức khoẻ tâm thần điều trị. Người nhà và bệnh nhân rất căng thẳng nói với tôi: Tôi là giáo viên, tôi đi dạy bình thường tại sao chị nói tôi bị tâm thần? Tôi sẽ kiện chị! Những lúc đó tôi buồn vô cùng. Nhận thức của người bệnh chỉ dừng lại ở mức độ bệnh tâm thần là bệnh điên và họ bị tâm thần là bị điên. Họ không hiểu rằng rất nhiều bệnh lý như rối loạn lo âu, stress căng thẳng là bệnh lý của chuyên khoa tâm thần và sẽ không thể khỏi bệnh nếu họ không đến gặp chúng tôi.

Điều đáng buồn hơn là ngay cả trong hệ thống y tế cũng còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của chuyên ngành tâm thần-tâm lý. Một bệnh viện lớn về nhi khoa không phát triển chuyên khoa tâm thần-tâm lý, không có hệ thống giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân tâm thần nhi. Hệ thống các trường học không có cán bộ tư vấn tâm lý, thầy cô giáo không được đào  tạo về tâm lý. Nhiều trường hợp giải quyết những vấn đề ở trường học không tốt gây hậu quả nghiêm trọng cho học sinh như tự sát…

Buồn thật đấy nhưng mỗi ngày làm việc với tôi lại là một niềm vui. Vui khi bệnh nhân đến khám lại đều nói bác sĩ là bệnh của tôi đã đỡ rất nhiều, họ nói rằng nếu không gặp được bác sĩ thì không biết cuộc sống của tôi về đâu… Tôi cũng vui vì nhận thức của người bệnh về bệnh tâm thần ngày càng thay đổi, họ đã chủ động đến gặp bác sĩ nhiều hơn.

Còn nhớ cách đây đã nhiều năm, có một bệnh nhân đọc được một bài báo của tôi về sức khoẻ tâm thần trên báo Sức khoẻ&Đời sống, họ đã tìm đến gặp bác sĩ, trong tay cầm tờ báo. Khi gặp được tôi, bệnh nhân mừng lắm và nói: Em đi xuống tận Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Thường Tín tìm bác sĩ, họ bảo bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, may quá em tìm được đúng bác sĩ rồi. Sau khi điều trị ổn định, đã rất nhiều người bệnh theo anh ấy ra khám ở phòng khám chuyên khoa tâm thần. Họ đều nói là anh M giới thiệu và anh ấy bây giờ thành cán bộ nguồn rồi…

Những lúc bạn bè chúng tôi gặp nhau, nói với nhau rằng: Chuyên khoa của bạn bây giờ “hot” quá! Tôi cười và nói: Đó là nhận thức của xã hội hiện nay đã thay đổi rồi còn bệnh nhân tâm thần lúc nào cũng nhiều mà, nhất là xã hội hiện đại ngày nay. Và nói thật với các bạn, nếu chọn lại từ đầu tôi vẫn chọn sự “dũng cảm” của mình.


BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn