Ngày 21/8/ 2021, Bệnh viện K phối hợp với Roche Việt Nam tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Tối ưu hoá chiến lược điều trị bệnh nhân ung thư vú Her2+ di căn".
Trong hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội khoa ung thư trong và quốc tế đã cập nhật thực trạng điều trị tại Việt Nam cũng như các tiến bộ trong điều trị ung thư vú Her2+ tiến xa.
Hơn 21.000 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm
Tại Việt Nam, ung thư vú là bệnh lý ung thư hàng đầu trên nữ giới với hơn 21.000 ca mắc mới mỗi năm. Báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan năm 2020 cũng cho thấy, tại Việt Nam, Ung thư vú đang chiếm tỉ lệ cao nhất với 25,8% trong số các ca bệnh ung thư mắc mới hàng năm ở nữ giới. Nếu tính theo cả hai giới ung thư vú cũng đứng hàng thứ ba, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi.
Về công tác chẩn đoán và điều trị, các thống kê của ngành y tế Việt Nam cho thấy, cách đây 5 đến 10 năm, tỷ lệ người bệnh ung thư tới khám, điều trị ở giai đoạn muộn là hơn 70%. Hiện tại, tỷ lệ thăm khám ở giai đoạn muộn đã giảm do việc nhận thức đã được tăng cường, tuy nhiên việc điều trị ở giai đoạn này cũng còn gặp nhiều thách thức do bệnh đã bắt đầu di căn đa cơ quan, dẫn đến những tiên lượng xấu và gây khó khăn trong việc tăng tỉ lệ điều trị thành công cho người bệnh.
Thực trạng điều trị ung thư vú Her2+ di căn tại Việt Nam
Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 20% bệnh nhân ung thư vú tại Việt nam có biểu hiện quá mức thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô HER2. Với mục tiêu cải thiện chất lượng sống và cải thiện thời gian sống cho bệnh nhân, việc điều trị nội khoa bước 1 (điều trị đầu tiên) ung thư vú giai đoạn di căn tại Việt Nam đã theo kịp các phác đồ tiên tiến trên thế giới. Việc điều trị nội khoa với nền tảng liệu pháp kép thuốc nhắm đích kháng HER2 ở bước này cải thiện rõ rệt thời gian sống của bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các điều trị tiếp theo sau khi điều trị bước 1 thất bại trên các bệnh nhân này tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn bởi chúng ta chưa có các thuốc điều trị chuẩn được các hướng dẫn điều trị quốc tế khuyến cáo. Bên cạnh đó là những khác biệt về thể trạng, mong đợi và cảm xúc của bệnh nhân so với bước điều trị trước.
Tiến bộ trong điều trị ung thư vú HER2+ di căn với TDM-1
Thông tin tại hội thảo cho biết TDM-1 là phức hợp kháng thể - hóa chất gây độc đầu tiên với cơ chế độc đáo giúp phát huy hiệu quả điều trị và giảm đáng kể tác dụng phụ toàn thân. Hoạt chất này đã được phê duyệt trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong điều trị ung thư vú có biểu hiện quá mức HER2 giai đoạn di căn từ bước 2 trở đi
Tại hội thảo, GS. TS. BS Sung Bae Kim, Giám đốc trung tâm ung thư vú, Trung tâm Y Tế Asan, đại học Y khoa Ulsan cho biết: "TDM-1 là phức hợp kháng thể - hóa chất gây độc đầu tiên với cơ chế độc đáo giúp phát huy hiệu quả điều trị và giảm đáng kể tác dụng phụ toàn thân. Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, phức hợp kháng thể này có hiệu quả cao giúp tiếp tục giúp cải thiện thời gian sống cũng như chất lượng sống cho bệnh nhân với độ an toàn chấp nhận được. Ngoài ra, nó cũng chứng tỏ hiệu quả trên các bệnh nhân có di căn não ".
Trên kinh nghiệm lâm sàng thực tế của Giáo Sư Kim, hiệu quả và khả năng dung nạp của TDM-1 trên bệnh nhân Hàn Quốc cũng củng cố lại các kết quả từ nghiên cứu lâm sàng bản lề. Theo đó, cùng với nền tảng liệu pháp kép thuốc nhắm đích, việc sử dụng TDM-1 trong điều trị trị ung thư vú di căn có biểu hiện quá mức thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô HER2 đã tiến thêm một bước dài trên con đường hướng tới mục tiêu chuyển bệnh UTV di căn thành bệnh mạn tính.
Theo BSCK 2 Hoàng Thị Mai Hiền, BV Ung Bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư vú di căn thường trải qua nhiều bước điều trị. Tại Việt Nam, đã có đầy đủ các thuốc kháng HER2 để điều trị bước 1 (điều trị đầu tiên ở giai đoạn di căn) ung thư vú di căn có HER2 dương tính.
TDM-1 là một lựa chọn trong điều trị bước 2 ung thư vú di căn có HER2 dương tính. TDM-1 giúp cải thiện cải thiện rõ rệt thời gian sống và thời gian sống bệnh không tiến triển của bệnh nhân. Việc TDM-1 được chính thức phê duyệt và khuyến cáo cho các điều trị bước sau, giúp bác sĩ nội khoa ung thư Việt Nam có thêm lựa chọn để tiếp tục mang lại hy vọng cho nhóm bệnh nhân ung thư vú di căn có HER2 dương tính.
Các thành viên ban cố vấn Hội Thảo bao gồm các chuyên gia nội khoa Ung thư hàng đầu trên cả nước cũng thống nhất bác sĩ điều trị nên xác đình ngay từ ban đầu chiến lược điều trị tối ưu ung thư vú Her2+ di căn bao gồm bước 1 với liệu kháng kép kháng HER2+ và bước 2 với TDM-1 để bệnh nhân có thể hưởng lợi ích sống còn cao nhất.
Ông Girish Mulye, Tổng Giám đốc Roche Pharma Việt Nam, nhấn mạnh: Là công ty tiên phong trong trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị chẩn đoán trên toàn cầu, Roche luôn mong muốn thay đổi cuộc sống bệnh nhân theo hướng tốt đẹp hơn. Vì lẽ đó, chúng tôi không ngừng tập trung vào nghiên cứu khoa học nhằm mang lại những giải pháp điều trị đột phá.
Việc nghiên cứu, phát triển thành công TDM-1 để đưa vào phác đồ điều trị trị ung thư vú di căn có biểu hiện quá mức thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô HER2 là một đóng góp ý nghĩa với sức khỏe phụ nữ trên toàn cầu cũng như nỗ lực điều trị bệnh ung thư vú cho phụ nữ tại Việt Nam. Đây cũng là một phần trong cam kết lâu dài của công ty đối với sức khỏe cộng đồng trong việc cải thiện chất lượng sống, giảm thiểu tỷ lệ biến chứng và tử vong do nhóm bệnh ung thư nói chung cũng như ung thư vú nói riêng gây ra.
Thông tin thêm về ung thư vú có biểu hiện quá mức thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô HER2
Ung thư vú có biểu hiện quá mức thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô HER2 (hay còn gọi là ung thư vú HER2 dương tính) là dạng ác tính cao của ung thư vú, được xác định khi trên bề mặt của tế bào ung thư có mật độ protein HER2 vượt ngưỡng thông thường nhiều lần. Ung thư vú HER2 có xu hướng phát triển mạnh hơn các loại ung thư vú khác và người bệnh ít nhạy cảm với liệu pháp hormone trong điều trị.
Ung thư vú dương tính với HER2 có xu hướng phát triển nhanh hơn, có nhiều khả năng phát triển thành ung thư vú di căn sớm hơn và tái phát sớm hơn so với ung thư vú HER2 âm tính.