Tôi trước hết là một người yêu nước!

07-10-2013 10:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nguyễn Thiện Đạo - nhà soạn nhạc tài năng đầy bản lĩnh đã khéo léo kết hợp những ưu thế vượt trội của hai nền văn hóa Đông - Tây viết nên những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng.

Nguyễn Thiện Đạo - nhà soạn nhạc tài năng đầy bản lĩnh đã khéo léo kết hợp những ưu thế vượt trội của hai nền văn hóa Đông - Tây viết nên những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Một con người đầy đam mê và rất biết dùng cái tài, cái tâm, cái tầm của mình để hướng tới thành công! Tôi gặp ông để nghe những câu chuyện mới, những câu chuyện về âm nhạc...

Ngay trong đêm đầu tiên kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại TP. Yokohama (21/9/2013), bản Concerto Vivo - bản anh hùng ca lần đầu tiên ra mắt thế giới đã ấn tượng vang lên từng mảng âm thanh hào hùng, tha thiết. Nghệ sĩ piano Kodama Momo (người vào học tại Nhạc viện Paris từ khi 12 tuổi, làm giám khảo nhiều cuộc thi piano quốc tế tại Paris) đã trình diễn solo xuất sắc bản concerto mới nhất này của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo. Và trong suốt các đêm diễn tại 7 thành phố của Nhật Bản, Concerto Vivo luôn nhận được sự cổ vũ hoan hỷ, nồng nhiệt từ phía khán giả.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã ký duyệt dự án tác phẩm mới của Nguyễn Thiện Đạo mang tên Tiên du viết cho Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam sẽ biểu diễn tại Pháp từ ngày 17 - 25/2/2014 nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp - Việt. Tiếp đó, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đề nghị nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo sáng tác một tác phẩm cho Dàn nhạc Giao hưởng nhân dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ... Công việc liên miên tại Việt Nam đã níu kéo ông ở lại lâu hơn với căn nhà xinh xắn bên hồ tại Hà Nội.

Tôi trước hết là một người yêu nước! 1
 Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo trong giây phút thăng hoa.

Tôi may mắn được sở hữu 2 quốc tịch và 2 căn nhà xinh đẹp: 1 ở quận 6, Paris và 1 ở quận Ba Đình, Hà Nội. Bạn có thể nhìn thấy trên mặt tủ nhà tôi bày khá nhiều bằng khen, trong đó có cả Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Dù tôi sang Paris từ khi còn rất trẻ nhưng tính từ năm 1970 cho tới nay, tôi liên tục có mặt trong Ban lãnh đạo Hội Việt Nam yêu nước tại Pháp, là hội kế thừa nhóm những người An Nam yêu nước do chính Bác Hồ sáng lập năm 1919. Tôi là một người yêu nước chân chính! -Khẽ cười đầy vẻ tự hào, cẩn thận gỡ tấm vải phủ, ông trang trọng ngồi vào cây đàn piano đặt chính giữa phòng. Những âm thanh vang lên và những câu chuyện cũng bắt đầu.

- Trong cuộc giao lưu mới đây, tôi vừa có cuộc nói chuyện ngắn mà vui với ông hoàng nhạc jazz của Việt Nam - nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Ông Minh đứng bên tôi và nói: "Anh là một người rất giỏi về âm nhạc bác học, nhạc nặng. Còn tôi chỉ là một người theo dòng nhạc nhẹ, thấp hơn anh". Tôi nhớ lúc đó tôi đã nói, với tôi không có nhạc nặng nhạc nhẹ, không có nhạc nào cao hơn, đẳng cấp hơn. Chỉ là vấn đề có hay hay không mà thôi. Tôi cũng rất trân trọng những gì anh đã làm cho âm nhạc Việt Nam". Chúng tôi nhìn nhau cười và hiểu nhau hơn qua những lời nói đó...

Tôi cũng vừa ra một đĩa CD mới mang tên Đất trời. CD này do Bộ Văn hóa Pháp, Đài phát thanh Pháp và hai hội nhạc sĩ ở Pháp hỗ trợ. Một ban chuyên môn gồm những vị quan chức về âm nhạc tại Pháp đã tuyển chọn để 3.000 học sinh trung học nghiên cứu, phân tích trong một khoảng thời gian vừa đủ. Sau đó vào tháng 4/2014, các em sẽ bình chọn để cho ra một giải thưởng mới mang tên "Giải thưởng lớn về sáng tác của các học sinh". Rất đặc biệt là CD này bao gồm toàn bộ các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nghệ sĩ Ngô Trà Mi chơi đàn bầu, nghệ sĩ Thanh Thủy chơi đàn tranh, nghệ sĩ Thùy Anh chơi nhị và cả phần biểu diễn của nhóm Suối Tranh. Thật thú vị khi âm thanh của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam sẽ dần đi vào cuộc sống âm nhạc của giới trẻ Pháp. Tôi nghĩ CD này là một cái duyên, một cái cớ để các bạn trẻ của Pháp có thể cảm nhận được sự tinh tế của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

- Tôi nhớ Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đặt ông viết Hồn đất Việt - một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp cho Dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc, lĩnh xướng, múa dân tộc, múa hiện đại, múa ballet đương đại, ngâm thơ, lẩy Kiều... Rồi những Tây Nguyên, Khóc Tố Như, Bà mẹ Việt Nam, Phù Đổng, Máu và hoa, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Sóng tình Trương Chi, Định mệnh bất chợt...

- Âm nhạc của Việt Nam bắt nguồn từ dân ca. Âm nhạc Pháp bắt nguồn từ thính phòng cho nên âm nhạc Pháp kiêu sa hơn. Có lẽ một phần lớn nhờ sự định hướng của giáo sư Olivier Messiaen uyên thâm về nhạc thuật, người thầy của tôi: "Anh là người Việt, anh phải giữ bản sắc dân tộc Việt" mà 80% âm nhạc của tôi thiên về truyền thống dân tộc, còn lại tôi học kỹ thuật sáng tác của Pháp ở sự tinh tế trong phối khí. Tự những điều đó đã dần ngấm vào tôi.

Khi còn nhỏ, tôi sống ở phố Tràng Tiền. Bây giờ, ở căn nhà ven hồ này và ngay cả khi bên Pháp, tôi luôn thấy mình mang "hồn đất Việt". Tôi từng nghe có một nhà văn nói, họ sống ở Pháp lâu quá rồi và nhiều lúc giật mình, không hiểu mình là người Việt hay người Pháp. Tôi thấy ý nghĩ đó thật ngộ nghĩnh và cũng đau lòng. "Thiếu quê hương" tội thế sao? Vì thế âm nhạc của tôi là sự tổng hòa những cảm xúc và tinh thần! Tự nó cuồn cuộn chảy trong tôi và tuôn trào theo những bản giao hưởng, những bản concerto và cả những bản nhạc phim... Tôi là vậy đó.

Vâng! Ông là như vậy! Sinh năm 1940 tại Hà Nội. 13 tuổi đã sang Pháp thực hiện ước mơ của cha trở thành bác sĩ giỏi. Nhưng khát vọng âm nhạc đã rẽ ông đi theo một con đường khác bất chấp gian khổ và mọi sự phản đối. Với sự quyết tâm, ông đã giành lại sự tin tưởng và tình yêu thương của người thân từ chính những thành quả mình đạt được. Tài năng cùng sự nỗ lực không ngừng đã đem đến cho ông một cuộc đời thành công và danh giá. Với tất cả tình yêu, ông đã dốc sức mình, đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới rộng lớn - trước kia, bây giờ và sẽ là mãi mãi với những tác phẩm đặc sắc mang hồn dân tộc!

Tuyết Lan


Ý kiến của bạn