“Tôi tin Mùi cỏ cháy nhất định sẽ cháy lên”

02-11-2010 07:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ấp ủ khát vọng tái hiện chân dung thế hệ mình thời chiến tranh, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã dành rất nhiều tâm huyết để viết nên kịch bản phim truyện Mùi cỏ cháy.

Ấp ủ khát vọng tái hiện chân dung thế hệ mình thời chiến tranh, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã dành rất nhiều tâm huyết để viết nên kịch bản phim truyện Mùi cỏ cháy. Câu chuyện được tác giả lấy chất liệu chủ yếu từ vốn sống của bản thân, từ các cuốn nhật ký, hồi ký của các liệt sĩ, các cựu chiến binh trong tủ sách Mãi mãi tuổi hai mươi. Tuy nhiên, số phận của dự án này long đong vất vả khi sau một thời gian dài nằm chờ kêu gọi kinh phí, mới đây, bộ phim mới chính thức được bấm máy với kinh phí dự toán gần 5 tỷ đồng. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm về bộ phim đầy ý nghĩa này...

- Xuất phát từ ý tưởng nào mà anh lại đặt cho kịch bản này cái tên Mùi cỏ cháy?

- Ý tưởng đặt tên bộ phim là Mùi cỏ cháy được tôi rút ra từ một câu thơ trong bài thơ Phương ấy. Một đêm trong veo trong suốt tôi nhìn về phương lửa khói mà mình đã đi qua: Đêm trong suốt áp ngực vào nơi ấy, gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai. Mỗi một bộ phim tôi viết ra là một bài thơ bằng ánh sáng, do vậy, Mùi cỏ cháy với tôi chính là một bài thơ về lý tưởng của một thế hệ xếp bút nghiên lên đường ra trận...

- 4 nhân vật chính trong phim được anh đặt cho 4 cái tên là Hoàng, Thành, Thăng, Long và nhân vật Hoàng chính là nguyên mẫu của anh ngoài đời?

- Ngày 6/9/1971, chúng tôi hơn 3.000 sinh viên Trường đại học Tổng hợp trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lên đường ra trận đúng lúc chiến trường nóng bỏng nhất, lớp lớp người ngã xuống, lớp lớp người xông lên, đánh một trận quay lại sau lưng toàn lính mới, bao người đã hy sinh để làm nên chiến thắng. Từ bức chân dung tập thể ấy, tôi đã có ý tưởng xây dựng nên bộ phim Mùi cỏ cháy, lấy nhân vật là 4 người lính có tên Hoàng, Thành, Thăng, Long. Bởi đây là lớp sinh viên đại diện cho học sinh, sinh viên Hà Nội lên đường mang theo tình yêu thăm thẳm về Hà Nội, mang cả Hồ Gươm, Sông Hồng, chùa Một cột, cả tiếng ve, chùm hoa phượng để vào chiến đấu. Trong 4 người lính ấy, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh không chỉ của riêng tôi mà còn là của liệt sĩ Vũ Đình Văn, của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, Hoàng Thượng Lân... Câu chuyện phim rất đơn giản, được bắt đầu từ một câu chuyện có thật trong cuộc đời tôi: 4 anh lính trẻ Hà Nội trước khi ra trận không có gì làm kỷ niệm nên chụp với nhau một bức ảnh bên tượng cô gái đọc sách trong công viên Thống Nhất và hẹn với nhau là đến ngày chiến thắng trở về và chụp lại bức ảnh này. Nhưng cuối cùng chỉ còn mình tôi may mắn được trở về, được sống và kể lại câu chuyện Mùi cỏ cháy, ba người bạn kia đã hy sinh...

- Được biết trong những ngày viết kịch bản, “bác sĩ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm như người bị nhập đồng, không ít lần anh đã khóc, não nề, sầu thảm... ở những trường đoạn viết về sự hy sinh của đồng đội... Vậy chi tiết nào trong kịch bản được anh gửi gắm nhiều tình cảm và gây ấn tượng cho anh nhất?

Hầu như chi tiết nào trong Mùi cỏ cháy cũng được tôi gửi gắm nhiều tình cảm nhưng có lẽ đoạn mà tôi nhớ và gây cho tôi xúc động nhất là hình ảnh con tàu trở chúng tôi vào Nam chiến đấu. Khi đoàn tàu đi qua Cửa Nam, qua đường Trần Phú, qua các đường phố của Hà Nội, chúng tôi xé vội những trang vở, thư gửi trắng đường và ầm ĩ hét vang: Chào Hà Nội, chào Ô quan trưởng chúng tôi đi! Chào Hàng Bạc, chào Hàng Gai, Hàng Đào! Đi nhé! Đi nhé!!... Cuối cùng một câu đọng lại duy nhất, hay nhất về cảm xúc Hà Nội là câu cuối cùng mà anh lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc đã nói trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20: "Kẻ thù không cho ta ở lại, đêm nay tôi đi, xin tạm biệt hậu phương, tạm biệt gia đình yêu quý nhưng nhất định sẽ có ngày tôi trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi...". Và nói như thế theo một nghĩa nào đó, những người chết thực sự chết đi nhưng anh Thạc, chị Trâm và bao liệt sĩ khác vẫn như mãi còn sống trong lòng người ở lại. Sự hy sinh của họ để làm nên một cuộc sống hòa bình, yên ấm của ngày hôm nay.

- Anh kỳ vọng gì vào bộ phim này sau khi nó hoàn thành và đến với khán giả?

Tôi tin Mùi cỏ cháy sẽ nhất định cháy lên, không chỉ cháy trên màn ảnh mà còn trong trái tim của tuổi trẻ, biết rằng tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác nhưng Tổ quốc chỉ có một.

- Xin cảm ơn anh!      

            KHÁNH HUYỀN (thực hiện)


Ý kiến của bạn