Hà Nội

Tỏi - thuốc quý từ thiên nhiên

SKĐS - Ở nước ta, tỏi được trồng nhiều nơi nhưng nổi bật là giống tỏi củ nhỏ ở miền Bắc và tỏi củ lớn ở miền Nam.

Tỏi là loại gia vị không thể thiếu khi chế biến món ăn, người Việt còn có thói quen sử dụng tỏi như một loại thuốc để chữa trị và phòng bệnh.

Tỏi còn có tên đại toán, toán đầu, hồ toán... Tên khoa học: Allium sativum L., họ Hành (Alliaceae). Tỏi có allicin, allistatin, allithiaminee, citral, arylcamphol, protein, lipid, carbohydrate; các sinh tố B1, B2, C, PP và các khoáng chất Ca, P, Fe. Tỏi đen là sản phẩm lên men và làm chín sinh học từ tỏi tươi trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát chặt chẽ trong khoảng thời gian 40-60 ngày. Tỏi đen ăn dai mềm, có vị ngọt thanh, thơm dịu đặc trưng. Các chất chống oxy hóa trong tỏi đen cao hơn nhiều so với tỏi tươi nên tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống đông máu và ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu, giải độc cũng mạnh hơn.

Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ôn; vào tỳ, vị và phế. Tác dụng điều vị, khai trợ tiêu hóa, giải uất tiêu tích (ôn trung hành trệ), chỉ khái trừ đàm, sát trùng giải độc. Trị đau quặn bụng do lạnh, ăn uống không tiêu, kiết lỵ tiêu chảy, ho gà, tắc ruột cơ năng, tăng huyết áp, mỡ máu cao, côn trùng cắn đốt. Tỏi đen là thực phẩm chức năng hỗ trợ kháng khuẩn, chống viêm, chống đông máu và ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu và giải độc. Liều dùng: Tỏi tươi: 5-20g mỗi ngày; tỏi đen 1-3 củ mỗi ngày.

Tỏi đen tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu, giải độc,... mạnh hơn tỏi tươi.

Tỏi đen tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu, giải độc,... mạnh hơn tỏi tươi.

Một số bài thuốc có tỏi

Giải độc, tiêu nhọt:

Bài 1 - Cao tỏi: tỏi lượng vừa phải, giã nát, thêm ít dầu vừng hay dầu thực vật, trộn đều, đắp dày lên chỗ nhọt, thay thường xuyên. Trị nhọt độc sưng đau.

Bài 2: tỏi 4-12g, sơn đậu căn 4-12g. Sắc uống. Dùng ngoài, lấy tỏi giã nát đắp vào chỗ đau. Trị rắn độc hay rết cắn.

Bài 3: tỏi đun lấy nước uống trị ngộ độc cua cá.

Trừ đờm, trị ho; Trị lao phổi, ho gà:

Bài 1 - Thuốc sắc tỏi bách bộ: tỏi vỏ tím 60g, bách bộ 60g, tử uyển 60g. Giã nát, ép nước tỏi để riêng bảo quản lạnh. Bã tỏi và tử uyển, bách bộ sắc lấy nước, thêm đường phèn cô đặc thành siro, cho nước ép tỏi vào khuấy đều uống. Trị ho gà.

Bài 2 - Nước sắc tỏi: tỏi 13 tép, bột bạch cập 4g, gạo nếp 60g. Đun tỏi chín tái, vớt ra, cho gạo nếp vào nấu cháo; cho tỏi và bột bạch cập vào, khuấy đều. Ăn ngày 1 lần, dùng liền trong nửa tháng. Nghỉ 10 ngày sau làm tiếp 1-2 đợt nữa. Trị lao phổi.

Trị giun khỏi ngứa:

Bài 1: tỏi 200g bóc vỏ giã nát, thêm 2.000ml nước, ngâm 24 giờ, gạn lấy nước rửa hậu môn buổi tối trước khi đi ngủ, để riêng 10-20ml nước để thụt vào trong. Làm liên tục trong 7 ngày. Trị giun kim.

Bài 2: tỏi lượng vừa đủ giã nát, thêm nước rồi lọc, thấm vào vải gạc nhét vào âm đạo, lượng nước còn lại rửa, đắp quanh âm đạo và hậu môn. Trị viêm âm đạo do trùng roi.

Bài 3: ăn tỏi sống hoặc lấy nước ngâm tỏi 5% thụt vào hậu mộn. Trị lỵ amip.

Lợi niệu, tiêu sưng: Dùng khi thủy thũng, tiểu tiện khó khăn.

Tỏi, ốc vườn, xa tiền thảo, giã nát, đắp vào rốn. Trị thủy thũng bụng trướng, tiểu tiện khó.

Tỏi đen dùng 1-3 củ mỗi ngày. Tác dụng hỗ trợ chống đông máu và ngăn xơ cứng động mạch, trợ tim, lợi niệu, hạ mỡ máu và giải độc.

Cá mực hấp tỏi tốt cho người bị phù do suy dinh dưỡng, phù do xơ gan cổ trướng, viêm thận.

Cá mực hấp tỏi tốt cho người bị phù do suy dinh dưỡng, phù do xơ gan cổ trướng, viêm thận.

Món ăn thuốc có tỏi

Cháo tỏi: tỏi 30g, gạo tẻ 80g vo sạch. Tỏi bóc vỏ, cho vào nước sôi đảo qua trong khoảng 1 phút, vớt ra. Gạo tẻ nấu cháo, khi nước sôi cho tỏi vào cùng nấu chín nhừ, ăn nóng sáng và tối. Dùng tốt cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp.

Tỏi hấp cá mực: cá mực tươi 300g, tỏi 100g. Cá mực làm sạch thái lát; tỏi bóc vỏ, giã vụn, thêm dấm ăn, không cho muối và gia vị, hấp cách thủy; chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng tốt cho người bị phù do suy dinh dưỡng, phù do xơ gan cổ trướng, viêm thận.

Tỏi xào bún thịt lợn: tỏi 10 củ, thịt lợn nạc ba chỉ 100g, bún hoặc mì sợi 200g. Tỏi bóc bỏ vỏ giã nát, thịt lợn thái lát. Thịt xào chín, cho bún vào đảo đều thêm gia vị, cho tỏi vào sau cùng, đảo nhanh tay và tắt bếp. Ăn nóng. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản ho dài ngày.

Tỏi ngâm dấm: tỏi già bóc bỏ vỏ, để nguyên hoặc nghiền nát ngâm với dấm, đậy nắp kín để hàng năm. Dùng tốt cho người đau quặn vùng bụng ngực do lạnh, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.

Lưu ý: Tỏi ngâm dấm, tỏi ngâm rượu chữa nhiều chứng bệnh (ngâm để hàng năm, còn chôn xuống đất, hoặc đặt trong hầm sâu.

Rau sam tỏi dấm: tỏi 1-2 củ, rau sam 100g, dấm ăn 10ml, muối ăn 3g. Tỏi bóc vỏ, giã nát trộn với dấm và muối, khuấy đều thêm chút gia vị khác phù hợp (tương ớt...). Rau sam rửa sạch nhúng qua nước sôi, chấm với tỏi dấm ăn. Ngày 1 lần, liên tục 5-6 ngày. Dùng tốt cho người mụn nhọt chốc lở; đặc biệt là mụn nhọt mưng mủ có ngòi thường gặp ở người lớn, người đái tháo đường.

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng hoặc có viêm tấy ở mắt, miệng lưỡi, răng cần thận trọng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn