'Tôi sẽ tự sát' - Cách nhận biết trẻ vị thành niên có ý định 'tự kết liễu đời mình'

19-12-2021 10:48 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Hiện nay, tình trạng tự sát ở trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Tại một số địa phương thời gian qua ghi nhận không ít vụ tự tử đau lòng, trong đó nhiều trường hợp là học sinh. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ chỉ cho người lớn cùng các bậc phụ huynh cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Đại dịch COVID-19 khiến trẻ tự sát ngày càng tăngĐại dịch COVID-19 khiến trẻ tự sát ngày càng tăng

SKĐS - Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng.

PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS. BSNT. Nguyễn Văn Phi - Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, qua các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự sát ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập và thi cử. Vậy, trầm cảm học đường là một căn bệnh như thế nào, làm sao để phát hiện?

BS. Nguyễn Văn Phi: Thực tế, trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến các trẻ em và vị thành niên có nguy cơ tự sát. Trầm cảm là một rối loạn thuộc chuyên khoa tâm thần với các biểu hiện là sự ức chế các mặt của hoạt động tâm thần của con người. Bệnh nhân thường thấy buồn chán, mệt mỏi, bi quan, giảm quan tâm thích thú với những sở thích của mình trước đây.

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ cách nhận biết trẻ vị thành niên có ý định tự sát - Ảnh 2.

ThS. BSNT. Nguyễn Văn Phi - Giảng viên Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội.

Người sống gần bệnh nhân có thể thấy bệnh nhân trầm tính hơn, ít nói hơn, ủ rũ hơn hay khóc hơn, hay nói về những điều tiêu cực, khả năng làm việc giảm sút. Với những bệnh nhân nặng sẽ có các ý nghĩ tiêu cực như cho rằng mình có tội lỗi có thể có nghĩ tự sát hoặc có thể có hành vi tự sát. Tuy nhiên, ở người trẻ thì có thể biểu hiện hơi khác ví dụ trẻ thay vì biểu hiện buồn rầu, ủ rũ thì lại dễ cáu gắt, cảm xúc không ổn định.

Trầm cảm gặp ở các lứa tuổi khác nhau từ trẻ đến già và gặp trong mọi tầng lớp, xã hội và nền văn hóa. Nhiều bạn trẻ có các hành vi tự làm đau như cắt tay, tự đấm vào tường… Với trẻ đang đi học nếu trầm cảm thời gian dài sẽ thấy hay quên, thành tích học tập sẽ giảm sút.

Cần phải nói thêm các nguyên nhân gây trầm cảm nói chung và trầm cảm ở lứa tuổi học đường nói riêng rất đa dạng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có các gen di truyền gây trầm cảm. Tất nhiên, một trong các nguyên nhân được nhắc đến rất nhiều đó là stress.

Giai đoạn học đường là một giai đoạn đầy biến động. Ở các bạn trẻ, stress đến từ rất nhiều khía cạnh: áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô; tự đặt ra các kỳ vọng cho bản thân phải đạt thành tích này thành tích kia; áp lực từ phía bạn bè như là các áp lực trong nhóm chơi, áp lực do sự so sánh lẫn nhau…

Hơn nữa, ở lứa tuổi này đôi khi các bạn nghĩ mình có thể tự giải quyết mọi chuyện mà không cần chia sẻ. Chính những điều này làm cho các bạn trẻ tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Tất nhiên, cả bệnh nhân và người ở gần bệnh nhân có thể phát hiện các dấu hiệu của trầm cảm. Chúng ta đều phải xác định trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên là một vấn đề thường gặp và hoàn toàn có thể can thiệp được để giảm nguy cơ có những triệu chứng nặng nề như tự sát.

Bởi vậy, tất cả trẻ em và thanh thiếu niên khi thấy có nguy cơ trầm cảm, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát đều cần được thăm khám và can thiệp y khoa bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

PV: Xin bác sĩ cho biết các nguyên nhân dẫn đến tự sát ở trẻ em?

BS. Nguyễn Văn Phi: Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tự sát ở trẻ em. Những đối tượng có nguy cơ tự sát cao như:

- Bệnh nhân có các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn nhân cách dạng ranh giới, nghiện chất.

- Người mắc các bệnh thể chất mạn tính, đặc biệt các bệnh gây tàn tật hoặc tiên lượng xấu.

- Hoặc đối tượng thuộc một trong các yếu tố:

  • Tiền sử gia đình có sát;
  • Tiền sử gia đình từng ngược đãi trẻ em;
  • Các nỗ lực tự sát trước đó;
  • Cảm thấy tuyệt vọng;
  • Khuynh hướng bốc đồng hoặc hiếu chiến;
  • Niềm tin văn hóa và tôn giáo (ví dụ: niềm tin rằng tự sát là cách giải quyết tốt nhất cho tình huống khó xử cá nhân);
  • Tình trạng tự sát tăng cao ở nơi sinh sống;
  • Cô lập, cảm thấy bị cắt đứt khỏi những người khác;
  • Khó khăn trong việc tiếp cận điều trị sức khỏe tâm thần;
  • Mất mát; dễ dàng tiếp cận các phương pháp gây chết người;
  • Không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ vì sự kỳ thị gắn liền với các rối loạn sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất kích thích hoặc có ý định tự sát.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ cách nhận biết trẻ vị thành niên có ý định tự sát - Ảnh 4.

Hầu hết những trẻ em và vị thanh niên tự sát đều thể hiện những hành vi có thể quan sát được báo hiệu ý nghĩ tự sát của họ. Ảnh minh họa.

PV: Vậy, cách gì để nhận biết trẻ vị thành niên có ý định tự sát, thưa bác sĩ?

BS. Nguyễn Văn Phi: Hầu hết những trẻ em và vị thanh niên tự sát đều thể hiện những hành vi có thể quan sát được báo hiệu ý nghĩ tự sát của họ. Ví dụ như:

- Những lời đe dọa tự sát dưới dạng trực tiếp ("Tôi sẽ tự sát") và gián tiếp ("Tôi ước mình có thể ngủ thiếp đi và không bao giờ thức dậy nữa").

- Ghi chú và kế hoạch tự sát (bao gồm cả các bài đăng trực tuyến).

- Có hành vi tự sát trước đó.

- Sắp xếp cuối cùng (ví dụ: sắp xếp tang lễ, viết di chúc, cho đi tài sản quý giá).

- Mối bận tâm về cái chết.

- Thay đổi về hành vi, ngoại hình, suy nghĩ và /hoặc cảm xúc.

PV: Khi biết một học sinh có ý định tự sát, người lớn và phụ huynh cần phải làm gì?

BS. Nguyễn Văn Phi: Trong nhiều trường hợp, trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy muốn tự sát không có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ trực tiếp. Tuy nhiên, phụ huynh, nhân viên nhà trường và bạn bè đồng trang lứa có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và thực hiện hành động ngay lập tức để giữ an toàn cho họ.

Khi một học sinh có dấu hiệu cho thấy họ có thể có ý định tự sát, cần thực hiện các hành động sau:

- Giữ bình tĩnh.

- Hỏi trực tiếp xem họ có đang nghĩ đến việc tự sát không (ví dụ: "Bạn có đang nghĩ đến việc tự sát không?").

- Tập trung vào mối quan tâm đối với sức khỏe của họ.

- Lắng nghe sự chia sẻ từ họ và không phán xét.

- Đảm bảo với họ rằng có sự giúp đỡ và họ sẽ không cảm thấy như thế này mãi mãi.

- Cung cấp sự giám sát liên tục. Không bỏ mặc.

- Loại bỏ các phương tiện để họ tự làm hại bản thân.

- Nhận sự giúp đỡ: Không ai nên đồng ý giữ bí mật ý định tự sát của trẻ em và thanh thiếu niên, thay vào đó nên nói với một người lớn chăm sóc thích hợp, chẳng hạn như cha mẹ, giáo viên, bác sĩ hoặc nhà tâm lý học học đường.

Phụ huynh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nguồn sức khỏe tâm thần của trường học hoặc cộng đồng càng sớm càng tốt. Nhân viên nhà trường nên đưa học sinh đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Xem thêm video đang được quan tâm:

WHO phê duyệt vaccine COVID-19 thứ 9

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn