Tỏi rừng là loại cây thảo, thân hành to màu trắng đục có khi hơi phớt hồng. Rễ cây do nhiều nhánh hợp lại, vì vậy tên thuốc gọi là bách hợp.
Theo Đông y, bách hợp vị ngọt, nhạt; tính mát. Quy vào ba kinh tâm, phế, tỳ. Tác dụng tư âm, nhuận phế, dưỡng tâm, an thần, nhuận tràng thông tiện, giải độc, chống viêm, dùng điều trị các trường hợp ho, ho ra máu, viêm khí quản cấp, mạn tính, chứng hồi hộp, tâm phiền, cơ thể suy nhược, làm ích khí, kiện vị, trừ trướng khí, chữa đau tim, các chứng phế nhiệt dẫn đến tiện bí, các trường hợp mụn nhọt sưng đau, viêm loét dạ dày tá tràng.
Bài thuốc có bách hợp
Bài 1: Chữa ho lâu ngày hoặc ho khan, khạc ra máu, có thể nhiều hoặc ít, sốt nhẹ, khát nước, cần phải dưỡng phế âm, thanh hư nhiệt, cầm máu dùng bài Lý thị chỉ huyết phương: huyền sâm 15g, bách hợp 30g, tử uyển 12g, hòe hoa 9g, cam thảo 9g, mạch môn 12g, tang bạch bì 15g, bạch thược 12g, cỏ nhọ nồi 30g, sắc uống
Bài 2: Chữa ho kéo dài do phế âm hư, ho khan hoặc ho có đờm đặc, khát nước phải bổ phế âm, sinh tân chỉ ho dùng bài Bách hợp cố kim thang: sinh địa 12, thục địa 12g, bách hợp 12g, mạch môn 8g, huyền sâm 8g, đương quy 8g, bạch thược 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc, uống ấm.
Bài 3: Chữa ho do phế nhiệt, nôn ra máu, mủ: bách hợp 12g, bối mẫu 8g, mạch môn 12g, tang bạch bì 12g, tri mẫu 8g, thiên môn 12g, bách bộ 8g, ý dĩ nhân 10g.
Bài 4: Bạch thược 12g, bách hợp 16g, mạch môn 12g, chích thảo 8g, ngũ vị tử 8g, sắc uống.
Bài 5: Tác dụng dưỡng tâm an thần trong các trường hợp hồi hộp lo âu, tâm phiền, nhất là sau ốm dậy, dùng bách hợp 24g, tri mẫu 12g, ngọc trúc 12g. Sắc uống.
Bài 6: Nếu phế nhiệt gây ra đại tiện bí kết, đi tiểu khó, nước tiểu ngắn đỏ: bách hợp 12g, mạch đông 12g, bạch thược 10g, cam thảo 8g, mộc thông 8g. Sắc uống.
Bài 7: Chữa phù thũng: bách hợp 12g, bạch thược 10g, bạch linh 10g, xa tiền tử 8g, tang bạch bì 10g.
Bài 8: Nếu viêm loét dạ dày, ợ chua: bách hợp 40g, ô dược 12g. Sắc uống.