(SKDS) - Những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) nói riêng ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là trong số các vụ án xâm phạm tình dục có những vụ nạn nhân tuổi còn quá nhỏ.
Những con số nhói lòng
Một phiên tòa xét xử tội phạm xâm hại trẻ em mà nạn nhân mới 6 tuổi. Nguồn: Pháp luật xã hội |
Bên cạnh đó, với xu hướng hội nhập với thế giới, khách du lịch đến nước ta ngày càng nhiều, thì tội phạm XHTDTE thông qua con đường du lịch cũng ngày càng nhiều. Theo Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an thì hằng năm vẫn có những vụ XHTDTE thông qua du lịch được phát hiện. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch, dạy tiếng Anh... Tuy nhiên tội phạm xâm hại tình dục vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Xử lý nghiêm đi đôi với giáo dục
Ai cũng hiểu, một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, đó là tội phạm phải được phát hiện và xử lý nghiêm. Nhưng thời gian qua đã và đang xảy ra tình trạng hoặc tội phạm chưa được xử lý nghiêm hoặc cố tình được ém nhẹm bởi sự thiếu hiểu biết về pháp luật, bởi sự e ngại của chính gia đình nạn nhân...
Trẻ em nghèo thường là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Nguyên nhân của tình trạng XHTDTE là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa; sự xuống cấp của đạo đức xã hội; trách nhiệm phối hợp quản lý, giáo dục và tuyên truyền của xã hội, nhà trường và gia đình chưa cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm... Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho những kẻ có hành vi XHTDTE vẫn tiếp tục phạm tội. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ do việc mưu sinh đã buông lỏng quản lý cũng như ý thức giáo dục con cái về giới tính. Các em được thoải mái trong “thế giới riêng”, chỉ khi chuyện lộ ra thì người lớn mới giật mình và lúc đó mọi chuyện với các em không còn là mới nữa.
Đấu tranh phòng chống tội phạm XHTDTE không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà là của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Vấn đề cần thiết hiện nay là trong lúc các ban, ngành, đoàn thể cùng nỗ lực bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, thì chính người thân trong gia đình phải là “tấm chắn” quan trọng trong công tác quản lý thời gian sinh hoạt của các em... Có như thế, tội phạm XHTDTE mới được giảm đi, những nỗi đau của tuổi ấu thơ từ chính các em mới được xua tan, không còn là điều ám ảnh. Bộ Công an đã tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó có Đề án về đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em...
Yên Hưng - Quang Sáng