Tội phạm lợi dụng internet:Lỗ hổng an ninh từ chính người sử dụng

26-03-2014 21:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày nay, sử dụng internet công cộng đã rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng các loại hình dịch vụ miễn phí để truy cập internet, trong đó có mạng wifi.

Ngày nay, sử dụng internet công cộng đã rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng các loại hình dịch vụ miễn phí để truy cập internet, trong đó có mạng wifi. Tuy nhiên, tại các điểm truy cập wifi miễn phí, không nhiều người dùng cảnh giác trước nguy cơ mình có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, từ đây dẫn đến những phiền toái không mong đợi

Người dùng thiếu cẩn trọng

Từ khi internet phát triển, việc truy cập vào wifi ngay cả khi di chuyển đã bắt đầu trở thành một thói quen trong sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các địa điểm như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, quán cà phê, nhà hàng, thậm chí các cửa hiệu bán đồ thời trang cũng đều phục vụ wi-fi miễn phí cho phép người dùng có nhiều phương thức để truy cập internet. Tuy nhiên, điều này lại không an toàn cho những dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng. Tại Việt Nam, nhiều người dùng cũng chưa nhận thức được việc thiếu cẩn trọng khi sử dụng mạng không dây wifi sẽ đem đến những nguy cơ như thế nào cho chính họ. Và câu hỏi cần phải làm gì để lướt nét an toàn từ các hệ thống wifi, đặc biệt từ các điểm truy trập công cộng dường như cũng không mấy người có thể trả lời. Tại các điểm có thể truy cập internet qua wifi miễn phí, khách hàng đăng nhập mật khẩu được chủ cửa hàng thiết lập là có thể lướt nét. Có điều, phần lớn các chủ cửa hàng không thường xuyên thay đổi mật khẩu trong suốt quá trình sử dụng, cũng không bao giờ cập nhật phần mềm mới cho thiết bị để vá các lỗ hổng bảo mật. Rất nguy hại rằng chính những thói quen vừa kể trên của người dùng có thể đem lại những nguy cơ rất khôn lường. Phân tích về phương thức tấn công rất phổ biến của tin tặc, ông Tống Văn Toàn - phụ trách bộ phận an ninh mạng Bkav cho biết, các hacker có thể truy cập vào mạng nội bộ của hệ thống, mạng LAN trong gia đình và các hacker sẽ sử dụng những công cụ để nghe lén những gói tin hoặc tấn công trong mạng LAN của người sử dụng. Ngoài ra, các hacker có thể chuyển những gói tin đến trang giả mạo, từ đó lừa người dùng dùng phầm mềm gián điệp và ăn cắp những thông tin cá nhân của người dùng qua những giao dịch trực tuyến. Do vậy, cần hạn chế tối đa sử dụng mạng wifi công cộng để mua bán hay trao đổi bất cứ thứ gì liên quan đến tài khoản cá nhân, bởi đây sẽ là nguyên nhân chính khiến người dùng có thể mất tài khoản ngân hàng hay các tài khoản dịch vụ mạng quan trọng khác... Bên cạnh đó, “chìa khóa” để các hacker có thể xâm nhập vào máy của người dùng chủ yếu nhờ phát tán những phần mềm keyloger có khả năng mở cổng sau trên tường lửa, các phần mềm này chủ yếu được phát tán qua hình thức download nên cần cẩn trọng đến tất cả những tập tin lạ yêu cầu tải về máy.

Người dùng cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng wifi miễn phí nơi công cộng.

Người dùng cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng wifi miễn phí nơi công cộng.

Tác hại khôn lường

Theo khảo sát gần đây của Kaspersky Lab – một công ty cung cấp phần mềm chống virut cho thấy, có tới hơn 30% người sử dụng máy tính thừa nhận thường xuyên truy cập vào các điểm phát wifi công cộng để lướt web và có 14% mua sắm trực tuyến mà không có các biện pháp đặc biệt để bảo vệ. Tình trạng trên khiến người dùng dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng thông qua việc đánh cắp thông tin của người dùng. Khi đó, tội phạm mạng đóng vai trò là máy trung gian cho việc trao đổi thông tin giữa 2 thiết bị. Từ đây, quá trình trao đổi mọi thông tin sẽ gửi qua tin tặc, sau đó mới đến máy đích. Qua phương thức này, tin tặc không chỉ đánh cắp được dữ liệu từ người dùng mà còn can thiệp luồng dữ liệu để kiểm soát sâu hơn những nạn nhân của chúng. Một trường hợp khác là mạng wifi người dùng đang kết nối là giả mạo, không thuộc về các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn... Nếu chẳng may gặp hình thức tấn công này, tin tặc có thể dễ dàng chụp bất kỳ dữ liệu bí mật bạn gõ, tiếp cận với những gì có trên thiết bị của bạn, cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị hoặc thậm chí sử dụng thiết bị của bạn để phân phối tin nhắn rác cho họ.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Ngô Minh An – Phó Phòng PC50, Công an TP. Hà Nội cho biết, năm 2013, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng cũng sử dụng công nghệ cao để phát tán các loại virut, phần mềm gián điệp, mã độc ngày càng phức tạp và tinh vi để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: đánh cắp dữ liệu rồi làm thẻ giả, gian lận thẻ ngân hàng, sau đó rút tiền tại máy ATM hoặc thanh toán mua hàng tại các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ; lừa đảo trong thương mại điện tử, lừa đảo bằng email, nickchat, tin nhắn (đăng tin trúng thưởng, đe dọa bắt cóc tống tiền, làm quen chuyển hàng có giá trị...). Mới đây nhất, vào giữa tháng 1/2014, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã triệt phá một đường dây trộm cắp thông tin thẻ tín dụng để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, bắt giữ 9 đối tượng tại nhiều tỉnh, thành để điều tra làm rõ về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng - hãng luật Giải Phóng TP.HCM, ông cho biết, với tốc độ phát triển công nghệ thông tin gia tăng, Việt Nam đã và đang là địa bàn màu mỡ mà bọn tội phạm nhắm đến. Nếu chúng ta không có biện pháp hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao này, không những gây thiệt hại cho chính người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Nguyễn Tú - La Phong

 

 


Ý kiến của bạn