Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, ngày 8/11, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận về các Báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Vì đâu tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng?
Tham gia đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, ĐBQH Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) quan tâm đến tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.
Theo đại biểu Lý Văn Huấn, nguyên nhân chủ yếu và căn bản là việc quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ. Cụ thể, việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, việc dùng giấy CMTND giả để mua tài khoản sau đó bán kiếm lời.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đại biểu đoàn Thái Nguyên đề nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng.
Còn ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, nguy cơ mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng, trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự ổn định phát triển của các quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.
Đại biểu phân tích thêm, nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về căn cước công dân số, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Mặt khác, các tổ chức tội phạm đang coi không gian mạng là môi trường kiếm lợi và che đậy hành vi phạm tội.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, chưa quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, ý thức trong việc truy cập Internet sử dụng dịch vụ nền tảng số của người Việt Nam còn tương đối thấp và còn rất chủ quan.
Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin; nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ miễn dịch trước những thông tin độc hại.
Đề nghị xử lý nghiêm "tham nhũng vặt" trong thực thi công vụ
Tham gia đóng góp về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu, năm 2022 nước ta trải qua đại dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, từ đó tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực giảm là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân.
Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới.
Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ.
Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực...
Xem thêm video đang được quan tâm:
3 nhóm người cần hạn chế ăn đậu phụ để không ảnh hưởng đến sức khỏe.