Tội phạm công nghệ cao trong thế giới phẳng

15-03-2018 08:34 | Quốc tế

SKĐS - Sự bùng nổ của internet và sự phát triển công nghệ tạo ra nhiều mối đe dọa tới an ninh, kinh tế, xã hội ở mỗi quốc gia. Ngày nay, tội phạm công nghệ cao “ biến hóa” muôn hình vạn trạng, đi vào nhiều lĩnh vực và “san phẳng” mọi biên giới, quốc gia...

Tội phạm có thể đánh cắp tiền và thông tin chỉ từ mã thẻ

Tội phạm có thể đánh cắp tiền và thông tin chỉ từ mã thẻ

 

Tội phạm công nghệ cao thường nhắm tới đối tượng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan Chính phủ  hay bất cứ cơ sở nào nhằm thực hiện các hoạt động phạm pháp, gây ảnh hưởng tới danh tiếng, ngăn cản hoạt động hay gây ra các thiệt hại vật chất….  Nó bao gồm các hoạt động như lừa đảo, tống tiền, ăn cắp tiền qua tài khoản, phá hoại mạng nội bộ, chiếm quyền điều khiển trang web… Thậm chí tội phạm còn tổ chức các hoạt động gián điệp qua mạng, phát tán mã độc…. làm ảnh hưởng không chỉ cá nhân, tổ chức mà còn xâm phạm tới an ninh quốc gia, và tạo ra các cuộc chiến tranh trên không gian mạng.

Dưới đây là những câu chuyện đã đi vào lịch sử các vụ án công nghệ cao đình đám thế giới.

Hacker nổi tiếng trong lịch sử Mỹ

Albert Gonzalez được mệnh danh là hacker của thế kỷ 21 bởi ngay từ những năm 2005 – 2007 Gonzalez đã trở thành tội phạm công nghệ hàng đầu thế giới. Gonzalez là một người Mỹ gốc Cuba, sinh sống tại Florida. Hắn hoạt động trong giới hacker và có thời gian trở thành “cơ sở” của cảnh sát, được FBI tuyển dụng làm gián điệp để truy tìm những hacker khác với mức lương không hề  nhỏ vào thời điểm lúc bấy giờ, khoảng 75.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên hắn lại quy tụ những hacker và lập nên tổ chức chuyên đi đánh cắp dữ liệu khách hàng. Số lượng thẻ tín dụng là hacker này đánh cắp cho đến tháng 5/2008 lên đến 170 triệu thẻ. Từ các ngân hàng, cửa hàng bán lẻ, chuỗi trung tâm thương mại đến các trung tâm giải trí, nhà hàng … đều dễ dàng trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm này. Số tiền mà nhóm này đánh cắp được đã bị tuồn ra châu Âu, những thông tin, dữ liệu cũng bị nhóm tội phạm  bán đi khắp thế giới. Đến 7/5/2018, nhóm của Gonzalez bị bắt trong một chiến dịch truy quét của cảnh sát, sau đó Gonzalez bị kết án 20 năm tù giam.

 

Albert Gonzalez

Albert Gonzalez

 

Đánh cắp 160 triệu thẻ tín dụng, lấy hơn 311 triệu USD mới bị phát hiện

Một người Nga tên V.Drinkman, 37 tuổi vừa bị tòa án Mỹ kết án vì đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của 160 triệu người, gây thiệt hại lên tới 311 triệu. Theo các công tố viên kẻ này đã gây thiệt hại cho ít nhất 17 tổ chức tài chính, các nhà bán lẻ và giao dịch thẻ tín dụng khác. Người ta đã gọi đây là vụ án công nghệ cao gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Drinkman là người Nga bị bắt tại Hà Lan năm 2012, nhưng đã bị dẫn độ về Mỹ 3 năm trước và mới đây hắn đã bị tòa án New Jersey kết án 12 năm tù vì tội  xâm phạm máy tính bất hợp pháp.

Trong số các nạn nhân của  vụ tấn công này còn có cả thị trường chứng khoán  Dow Jones, NASDAQ, JC Penney, JetBlue,  và nhiều nhà bán lẻ nổi tiếng như 7-Eleven và Princeton-based Heartland Payment Systems.

Với cách thức cài phần mềm độc hại lên máy tính của các công ty, sau đó chúng thu thập các thông tin  về khách hàng, đại lý trên toàn thế giới, từ đó bán dữ liệu cá nhân, thực hiện mua bán trên mạng hoặc sử dụng làm thẻ giả để rút tiền từ các máy ATM hoặc mua bán hàng hóa….

Tội phạm mạng có tổ chức và khó kiểm soát

Một trong những cách thức tội phạm công nghệ cao thường sử dụng và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây là xu hướng cờ bạc trực tuyến, dưới hình thức chơi game, hoặc cá cược. Ở một số quốc gia người ta cho phép đánh bạc nhưng phải nộp thuế rất cao, ngay cả đánh bạc online cũng phải được cấp phép. Thực tế là số trang web và cơ sở đánh bạc hợp pháp rất nhỏ, còn những trang web hoặc các tụ điểm đánh bạc ăn tiền không phép rất khó kiểm soát.

Đánh bạc trực tuyến ngày càng đáp ứng nhu cầu của nhiều người hơn, bởi ở đây người chơi không bị lộ danh tính, có thể biến tiền thật thành tiền ảo để chơi sau đó lại thu lại bằng tiền thật. Nhưng làm sao để có thể biến thị trường này hoạt động?  Có cầu ắt có cung, tiền ảo vì thế đã ra đời, có rất nhiều loại, thậm chí có loại như bitcoin đang trở thành hàng hóa cực “hot” trên thị trường thật.

Người ta còn có thể trốn được nộp thuế, ngồi ở nước này nhưng lại chơi với một IP đăng ký ở một quốc gia khác …. mà không hề bị kiểm soát. Đây chính là kẽ hở khiến những tên tội phạm công nghệ cao thường  không bị an ninh sờ gáy, dễ dàng gây ra các vụ trộm cắp, phát tán virus, phá hoại hệ thống các cơ quan, trụ sở… Với phương thức, thủ đoạn công nghệ thay đổi từng ngày, khó phát hiện, các nhóm tội phạm có xu hướng lên kết thành các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải có các biện pháp, công cụ đủ mạnh, để đối phó với loại tội phạm này trong tương lai.


Trần Hải
Ý kiến của bạn