Đầu năm 2015, một thai phụ trẻ tuổi đến đăng kí sinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, do bị tắc mạch ối nên sau khi mổ lấy thai, thai nhi đã không thể còn sống, còn sản phụ bị băng huyết, rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc: máu chảy không ngừng. Tim không còn đập. Sản phụ nhanh chóng được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực.
Tình thế cấp bách, sự sống tính bằng giây. Bác sĩ trẻ Nguyễn Việt Hải cùng các đồng nghiệp nhanh chóng hội chẩn và đưa ra quyết định: phải cắt tử cung toàn phần để giữ lại tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên khi đó, lượng máu trong cơ thể sản phụ đã mất đi đến bảy, tám phần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bệnh viện lại không còn máu dự trữ. Bác sĩ Hải đã gấp rút xin chuyển máu từ Bệnh viện Bạch Mai đến ngay trong đêm. Trong khi chờ máu, tim của sản phụ liên tục rơi vào trạng thái ngừng đập. Các bác sĩ phải gồng mình chống lại tử thần, dùng mọi biện pháp cấp cứu để hồi tim. Bởi nếu tim ngừng quá lâu, rối loạn chuyển hóa cơ thể nghiêm trọng sẽ dẫn đến khả năng lớn trở thành người thực vật. Gần một đêm thức trắng, máu đến nơi nhưng tình hình vẫn chưa thể khả quan bởi bệnh nhân tiếp tục có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Đáng sợ hơn là còn một khả năng: chết não! Điều kiện lúc bấy giờ của bệnh viện cũng chưa thể đáp ứng được với những can thiệp cao hơn. Chính vì vậy mà không một ai - kể cả người nhà dám nuôi hy vọng bệnh nhân còn sống. Nhưng bác sĩ Hải một lần nữa đã không bỏ cuộc. Bằng kinh nghiệm của mình qua thăm khám bệnh nhân, anh nhận định bệnh nhân vẫn còn cơ hội sống nếu được chuyển đến một tuyến cao hơn, có đầy đủ trang thiết bị hơn. Bất chấp sự e ngại của mọi người, anh đề nghị chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai ngay lập tức. Xe cấp cứu lao nhanh trong đêm, tranh thủ từng giây từng phút. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân gần 300km về Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân lại xuất hiện ngừng tim. Bác sĩ Hải cùng anh em kíp vận chuyển vẫn không ngừng cố gắng và đã giữ được sự sống của bệnh nhân về đến Hà Nội. Bệnh nhân được đưa thẳng vào Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó nhận được tin báo, các bác sĩ nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu. Nửa ngày sau, sản phụ đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Sự “gan lì” và quyết đoán của bác sĩ Hải đã được đền đáp. Những người thầy từng dạy dỗ anh tại Bệnh viện Bạch Mai hài lòng với người học trò năm xưa.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hải tận tình chăm sóc bệnh nhân, luôn hết lòng vì người bệnh.
Những năm của thập niên 80. Bác sĩ Nguyễn Việt Hải khi ấy mới chỉ là một cậu bé theo gia đình rời mảnh đất miền Trung nắng gió đến sinh sống tại Lào Cai - nơi người cha đang công tác. Gia đình không có ai theo ngành y, nên học đến tận lớp 11, anh vẫn chưa hề có ý nghĩ sẽ gắn bó với sự nghiệp y khoa. Cho đến khi có một sự việc tình cờ xảy ra vào năm ấy. Cô cháu gái của anh bị ngã, phải vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng. Nhìn bác sĩ mặc áo blouse trắng tận tình hỏi han người bệnh, một cảm giác bình yên bỗng len lỏi trong lòng. Mọi âu lo về bệnh tật đối với anh dường như tan biến hết.Vậy là khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, anh đã không ngần ngại đăng kí và thi tuyển vào Trường đại học Y Thái Nguyên.
Hoàn thành chương trình, anh nhận công tác tại Bệnh viện đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai (cũ). Tiếp đó anh tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao chuyên môn.Từ năm 2012, anh quyết định học lên thạc sĩ với chuyên ngành Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Hải chia sẻ, không thể kể hết những khó khăn trong những ngày học tập tại nơi đây. Ngành y vốn đã khó, chuyên ngành anh lựa chọn lại là chuyên ngành căng thẳng, vất vả và áp lực nhất. Do vậy, cả lớp chỉ có vỏn vẹn 12 học viên “theo đuổi”. Những bạn cùng lớp đều đến từ những bệnh viện có tiếng như Xanh Pôn, ĐH Y Hà Nội, BVĐK Trung ương Thái Nguyên,… nên anh tự nhủ, bác sĩ đến từ một tỉnh miền núi như mình càng phải cố gắng gấp trăm, gấp nghìn lần. Thực tập tại một bệnh viện lớn của cả nước, bệnh nhân khắp nơi đổ về, anh thường xuyên có những ngày trực 24/24h không ngủ, không có thời gian trống để làm bất kì việc gì. Bởi tại Khoa Hồi sức tích cực, đòi hỏi người bác sĩ luôn phải theo sát tình hình của bệnh nhân. “Đến bây giờ, mình vẫn còn ám ảnh bởi tiếng tít tít của một dàn máy thở, máy theo dõi” - Anh hóm hỉnh nói. Mặc dù vậy, áp lực từ công việc, người bệnh, từ phía các thầy cô giáo đã giúp anh và các bạn đồng nghiệp trưởng thành hơn rất nhiều.
2 năm sau, anh hoàn thành khóa học với tấm bằng xuất sắc, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Việt Hải đã tự mở ra cho mình thêm nhiều cơ hội mới, đó là những lời mời làm việc tại các bệnh viện tuyến Trung ương, những bệnh viện tư nhân lớn với chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt nhất.
Anh chia sẻ, sau khi trở về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, bản thân cũng suy nghĩ rất nhiều về những cơ hội. Các thầy cô từng dạy anh cũng vẫn luôn nhắc về những lời đề nghị. Nhưng chỉ sau một thời gian đi làm, trực tiếp cấp cứu, điều trị nhiều ca bệnh hiểm nghèo, có khoảnh khắc anh nhìn thấy là những khuôn mặt khắc khổ, ngơ ngác của đồng bào dân tộc thiểu số quê mình, anh hiểu rằng nơi đây cần anh, mình cần phải đưa ra quyết định. Lời cảm ơn nhẹ nhàng cũng là câu trả lời với những người thầy đáng kính, rằng: “Cảm ơn thầy, nhưng em sẽ ở lại quê hương”.
Và nhờ có những sự lựa chọn “dũng cảm” ấy của bác sĩ Hải, mà sản phụ ấy mới được cứu sống. Cùng với nhiều những trường hợp khác như: một phụ nữ sốc nhiễm khuẩn nặng được hồi sinh sau khi trải qua 4 ngày lọc máu liên tục; một cậu bé bị phù phổi cấp và ngừng tim cũng được bác sĩ Hải và kíp trực nỗ lực giành lại mạng sống,… Cứ như thế, với những kiến thức đã được học, với vai trò là phó khoa, anh chia sẻ lại cùng đồng nghiệp, cùng nhau bù đắp những “lỗ hổng” về hồi sức tích cực. Mỗi ngày trôi qua, khoa điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân. Đây đều là những bệnh nhân sau phẫu thuật nặng, bệnh nhân biến chứng do tai nạn y khoa, những bệnh nhân từ cả các tỉnh lân cận chuyển đến,... Anh và các đồng nghiệp cùng nhau gồng gánh, giữ vững “chốt chặn” cuối cùng này cho người bệnh.
Dù vất vả, nhưng điều khiến anh vui nhất là năm 2017, các anh đã được Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kĩ thuật “lọc máu liên tục”. Đây là một kĩ thuật hồi sức tiên tiến, mang lại hiệu quả rất cao trong điều trị, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Tỉ lệ bệnh nhân tử vong giảm, mà người dân cũng không còn phải vất vả đi xa - anh hồ hởi nói thêm.
Như vậy đến cuối buổi trò chuyện, anh cũng chỉ một lòng hướng về những điều có thể làm cho người bệnh. Và như thế, sẽ là chẳng cần thiết nếu nhắc đến những “giấy khen” hay “phần thưởng” dành cho anh. Chỉ cần như Thạc sĩ Phạm An Hùng, Giám đốc bệnh viện nhận xét: “Bác sĩ Hải luôn được người bệnh tin yêu và đồng nghiệp tin tưởng”. Còn tôi nghĩ, chắc hẳn anh chưa bao giờ hối hận với quyết định “bỏ phố về rừng” của mình.