Tôi là người yêu mãnh liệt, đắm đuối

12-05-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thế mà có lúc nhà thơ Thanh Tùng lại bảo: Ðã là nhà thơ thì phải sống chết vì thơ. 78 mùa xuân đã đi qua, nhìn lại cuộc đời ông, nếu có chút gì đó đáng thu hoạch thì đó là thơ. Thơ cho ông chút danh tiếng và cũng khiến ông mãi nghèo khổ, bất hạnh.

Thế mà có lúc nhà thơ Thanh Tùng lại bảo: Ðã là nhà thơ thì phải sống chết vì thơ. 78 mùa xuân đã đi qua, nhìn lại cuộc đời ông, nếu có chút gì đó đáng thu hoạch thì đó là thơ. Thơ cho ông chút danh tiếng và cũng khiến ông mãi nghèo khổ, bất hạnh. Chiều Sài Gòn mưa lây rây, trong căn phòng nhỏ của ngôi biệt thự xinh xắn nằm ở hẻm Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh, nơi vợ chồng cô con gái ông thuê để mở tiệm spa, tôi ngồi nghe nhà thơ Thanh Tùng - một thời nổi tiếng với bài thơ Thời hoa đỏ rủ rỉ bộc bạch nỗi lòng mình.

Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ...”. Thời hoa đỏ đã làm nên tên tuổi ông, nhất là sau khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành ca khúc Thời hoa đỏ. Nhưng hình như sự ra đời của nó thời đó cũng truân chuyên lắm?

- Đúng, khi đó, sáng tác những bài thế này bị coi là phản động. Thời đó nghiêm cấm bày tỏ tình yêu, nhưng khổ nỗi càng cấm thì nó càng ào ạt như vỡ bờ. Khi đó tôi đã viết thế này: “Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/Không cho ai có thể lạnh tanh/Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/Như vết xước của trái tim/Sau bài hát rồi em lặng im/Cái im lặng rực màu hoa đỏ...”. Thời hoa đỏ được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và tai họa đã đến với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, chỉ vì in và trao tặng phẩm cho Thời hoa đỏ mà ông đã bị khiển trách và ra khỏi tạp chí. Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng thích bài thơ này đã đem phổ nhạc nhưng cả hai chúng tôi e ngại, không dám phổ biến, chỉ đưa đến quán cà phê hát để thăm dò dư luận. Sau hàng chục năm tình yêu bị cấm kỵ, giờ có một bài hát tưng bừng cảm xúc yêu đương khiến ca khúc trở thành hiện tượng thời đó.

Tôi là người yêu mãnh liệt, đắm đuối 1
 Nhà thơ Thanh Tùng.

Trong cảm xúc thế nào mà ông lại sáng tác được những vần thơ tràn trề tình cảm và tha thiết đến vậy?

- Tôi là người luôn khao khát tình yêu, yêu mãnh liệt, đắm đuối trong tình yêu. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể kìm nén được cảm xúc của mình. Nói thật với bạn, cảm xúc này từ mối tình với vợ tôi – người thất bại trong tình yêu, đến với tôi là người thứ ba. Chúng tôi chỉ có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, nhưng cũng có với nhau hai người con. Những tâm sự trong ca khúc là từ sự bất hạnh của vợ tôi, tôi muốn chia sẻ sự thông cảm với người phụ nữ. Người đàn ông nào chả ích kỷ, không muốn chia sẻ tình cảm của người yêu mình với người khác, nhưng tôi muốn mọi người vượt qua sự ích kỷ ấy, tôi không viết về sự tiếc nuối cho mối tình đã qua mà chỉ tiếc cho những lỡ dở của vợ mình trên con đường đi tìm hạnh phúc. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc không đi hết những ngày đắm say. Chính vì sự ức chế tình cảm do thời cuộc dẫn đến sự đổ vỡ trong tình yêu, tôi muốn chia sẻ điều đó với thái độ cao thượng. Bởi thời đó, con người trong trẻo lắm, tình yêu cao thượng, nhân đạo như thời đó bây giờ gần như không có, không còn thấy xuất hiện trong thơ ca.

Những năm sau này, Thời hoa đỏ vẫn được coi là ca khúc nổi tiếng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam?

- Bài hát mang âm hưởng nửa cổ điển, nửa hiện đại. Trong hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, Thời hoa đỏ được tính là một trong những bài xuất sắc, còn tôi chẳng được gì cả cho dù bài thơ được giữ đến 90 – 95%, chỉ chỉnh sửa những câu chữ bi lụy. Gạt âm nhạc ra để thẩm thấu ngôn từ, dư luận đánh giá đây là bài thơ tình hay, ngôn ngữ sang trọng.

Thời hoa đỏ đã làm nên tên tuổi nhà thơ Thanh Tùng, vì sao ông lại giã từ thành phố cảng với những con đường hoa rợp đỏ đã làm nên cảm xúc cho ông viết những vần thơ hay đến thế để vào sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh?

- Vì mưu sinh thôi. Tính tôi thẳng thắn nên dễ va chạm. Ban đầu, tôi làm nghề khuân vác ở bến cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu, có thời gian lại đi làm nghề áp tải, rồi cả bán sách trên vỉa hè. Từ năm 1995, tôi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, tôi lập gia đình mới nhưng rồi vẫn không suôn sẻ và giờ đây lại sống độc thân. Sự đổ vỡ mang đến cho mình nhiều sự trải nghiệm về cuộc sống. Tôi vẫn khao khát tình yêu bởi tình yêu sẽ mang đến cho con người nhiều điều tốt đẹp.

Tôi là người yêu mãnh liệt, đắm đuối 2
 Thành phố Hoa phượng đỏ một thời gắn bó với nhà thơ.

Mảnh đất phương Nam có gây cảm hứng cho ông sáng tác không?

- Vào đây tôi có viết được cuốn Trường ca phương Nam, rồi cũng lại phải bươn chải kiếm sống. Tôi nhận làm phần bình thơ cho phụ san Kiến thức gia đình của tờ Nông nghiệp Việt Nam. Có người bảo, vào TP. Hồ Chí Minh đừng có nói đến chuyện làm thơ, mảnh đất nơi đây luôn sôi động và ồn ào. Đây không phải là nơi để con người ngẫm ngợi sự đời, viết văn chương, chưa kể thời tiết nóng bức, không có mùa đông, mùa thu quí giá dễ gây cảm xúc sáng tạo. Thực ra thì với những người có tư chất và bản lĩnh thi ca thì nơi đâu cũng sáng tác được, kể cả trong tù. Với tôi, nỗi buồn nhất là thiếu bạn. Thành phố rộng, đi lang thang không dễ dàng bởi nhà thơ thường nghèo.

- Ngoài làm thơ, vào thành phố năng động này buộc ông cũng phải vào guồng chứ?

- Trước kia thì được bà vợ thứ ba nuôi, một cách “hèn” thôi. Rồi tôi đi phát hành sách, vẫn túc tắc làm thơ. Chẳng hy vọng sống được bằng thơ đâu. Cuốn Thời hoa đỏ gồm hơn 100 bài, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 mà cũng có bán được đâu. Bây giờ thì cuộc sống cũng thoát đói rồi, không giàu sang gì nhưng tạm ổn. Hiện tôi sống cùng vợ chồng cô con gái có tiệm spa. Trong thời buổi hiện nay, làm thơ là lãng phí đời mình. In thơ ra bán không ai mua, nhuận bút thì thấp.

Ngoài Thời hoa đỏ được coi là ca khúc về tình yêu tuyệt vời, ông còn có hai bài thơ tình được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc rất ấn tượng là Hà Nội Em và mùa thu với những dòng cảm xúc thật mãnh liệt: Em đạp lên tất cả/Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió/Thấm vào anh, vật vã trên anh/Bứt xuống trong anh bừa bãi lá vàng. Sống ở nơi mà âm nhạc thị trường đang thống lĩnh, trong đó những ca khúc tình yêu chiếm một tỉ lệ rất lớn, đặt mình trong bối cảnh hiện nay, ông có chấp nhận được các ca khúc tình yêu ấy không?

- Tất nhiên mỗi thời tâm tư, tình cảm của con người khác nhau, nhưng dù thế nào thì tôi cũng nghĩ phải từ tình cảm thật của trái tim mình chứ không được nói nhảm. Ca khúc Thời hoa đỏ hay Mùa thu giấu em (phổ nhạc bài thơ Em và mùa thu) được công chúng yêu thích, ngoài phần âm nhạc thì ca từ rất trong sáng, được viết ra từ những rung động của trái tim. Rất nhiều ca khúc về tình yêu của những người trẻ hôm nay nói về cái tôi cá nhân nhiều quá nên nhiều bài nhảm nhí, đi vào những cái hoang dã, thậm chí bệnh hoạn, nhiều bài đọc lời ca khúc đã thấy ngượng. Thế mà nhiều ca sĩ trẻ vẫn hát, vẫn chọn vào album, tôi thấy thật khó hiểu...

Trời đã ngả màu sẫm. Chia tay ông, tôi mang theo nỗi buồn của thân phận người nghệ sĩ – người hùng một thời, gia tài lớn nhất của cuộc đời là thơ mà cuối cùng phải chia tay thơ vì mưu sinh.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 
Tố Lan  (thực hiện)   

              


Ý kiến của bạn