Rồi lại cũng có người bảo rằng ở một số siêu thị Nhật Bản, trước cửa có đề tấm biển “Đề phòng kẻ cắp. Đặc biệt là người Việt Nam”. Chẳng hiểu có đúng thế hay không, chẳng hiểu có phải “Tây ghét người Việt Nam” thật không, song vô khối lần tôi đã tranh luận về chủ đề này. Những người sống lâu ở nước ngoài nói rằng Tây họ ghét mình một cách kín đáo, là họ lịch sự không thể hiện ra thôi nhưng trong bụng ấy là ghét lắm. Người Việt Nam sang nước ngoài chúa là lắm tật xấu, đặc biệt là cái tật ăn cắp vặt. Thậm chí ở những tiểu bang của Mỹ, nếu một khu nhà nào có đông dân Việt Nam chuyển đến sinh sống là y rằng cư dân Mỹ sẽ tự khăn gói chuyển đi chỗ khác.
Khách du lịch nước ngoài trò truyện vui vẻ với các bạn trẻ người Việt tại Hồ Gươm.
Tôi bảo rằng tôi đã đi lắm nơi lắm chỗ, ngay cả ở Việt Nam hàng ngày tôi cũng phải gặp gỡ vô khối người nước ngoài, vì lý do công việc có, vì lý do kết bạn, chia sẻ những điều riêng tư có, nhưng có thấy ai ghét tôi bao giờ đâu. Chả lẽ tôi lại thiếu nhạy cảm đến nỗi bị người ta ghét trong bụng mà không biết?
Cũng đôi lần tôi thấy sự như thế này, ấy là khi mua chục vé khứ hồi của Hãng hàng không Air Asia, nhân viên phòng vé dặn dò rất kỹ lưỡng: “Chị nhắc nhở các thành viên đoàn, lúc đi phải mang theo tối thiểu 500 đô-la. Vì nhân viên hải quan ở sân bay Kuala Lumpur sẽ kiểm tra số tiền mang theo của hành khách. Nếu không đủ 500 đô-la, họ sẽ bị trục xuất theo luật định của Chính phủ Malaysia”. Cô ấy kể tiếp rằng có hai chị em nhà nọ bay sang Malaysia. Cô chị chịu trách nhiệm cầm hết tiền chi tiêu cho cả hai chị em. Lúc kiểm tra, tình ngay lý gian, em chỉ có 100 đô-la trong ví nên bị tống trở lại lên máy bay về nước, còn cô chị được đi tiếp. Nghe thông tin này, tôi vừa phân vân vừa bực mình. Tất nhiên tôi không thể không nhét dưới 500 đô-la vào ví nếu đã đi ra nước ngoài hơn 1 tuần, nhưng cái việc ví tiền của mình bị khám xét, soi mói và nếu không có ngần ấy tiền là bị đuổi cổ về nước khiến tôi điên tiết. Rồi ngày khởi hành đã đến, chúng tôi đi qua cửa khẩu Kuala Lumpur, 10 thành viên đoàn không ai bị hỏi han bất cứ điều gì (tất nhiên với phần lớn hộ chiếu mà chúng tôi sở hữu đều đã đóng visa của Mỹ, Schengen, Australia, Iceland, Nhật Bản, Hàn Quốc thì không có lý do gì chúng tôi bị kiểm tra ví tiền), tuy nhiên, có 2 thanh niên Việt Nam xếp hàng phía trước bị hải quan ách lại. Đó là những người có dáng dấp của dân lao động với bộ quần áo nhàu nát và nước da đen đúa. Những người này hoàn toàn không hiểu tiếng Anh. Và họ lúng túng móc ví ra theo những mệnh lệnh hơi sẵng của cô nhân viên hải quan mang khăn trùm đầu. Người ta giải thích rằng rất nhiều dân lao động nhập cư trái phép đang đổ về Kuala Lumpur mỗi ngày bằng con đường hàng không giá rẻ và kiểm tra 500 đô-la là một cách để kiểm soát. Nếu anh không có đủ 500 đô-la trong túi, anh sẽ sinh sống bằng gì trên đất nước chúng tôi. Vì lý do này, nhiều khách du lịch Việt Nam chỉ vì vô tình không mang theo nhiều tiền đã bị buộc phải quay về nước ngay lập tức trong khi những người cùng đoàn được đi tiếp.
Tương tự như vậy, có lần cô em gái tôi bay sang Singapore theo một lời mời công việc. Đến nơi, em gái tôi hốt hoảng gọi điện về nói rằng không dưng bị hải quan Singapore ách lại. Người ta hỏi han giấy tờ, rồi điệu vào một gian phòng có chừng ba chục hành khách Việt Nam khác, tất cả đều trẻ. Nhân viên hải quan hỏi nghỉ tại khách sạn nào, em gái tôi đưa danh thiếp của một trong những khách sạn sang trọng nhất Singapore; hải quan hỏi có bao nhiêu tiền trong ví mà nghỉ lại khách sạn ấy. Vừa đói, vừa mệt, vừa tức, cô em gái tôi mắng gã nhân viên hải quan xối xả vì cái tội bức bách người dân vô tội, hỏi han thiếu tế nhị và nói rằng không có nhiệm vụ phải trình báo tiền bạc, rằng anh ta nên trả tự do để cô có thể tiếp tục công việc. Tất nhiên vốn tiếng Anh của em gái tôi rất trôi chảy. Anh chàng hải quan cũng lúng túng rồi cho em gái tôi đi qua cửa khẩu sau 5 phút, còn những người khác vẫn phải ở lại. Chuyến về, trên chiếc máy bay của Vietnam Airline, em tôi tình cờ ngồi cạnh một cô gái Việt trạc tuổi. Cô này cũng gặp tình trạng y như vậy, sang thăm người yêu đang du học, đến sân bay thì bị ách lại. Cậu người yêu nghe tin dẫn theo cả thầy giáo trường đại học đến bảo lãnh mà cô gái vẫn bị trục xuất về nước ngay lập tức mà không một lời giải thích từ phía hải quan.
Theo kinh nghiệm của những lần xin visa, tôi đoán rằng cô gái này không nói được tiếng Anh. Thường thì những hành khách có dáng điệu “khả nghi” rằng sẽ định cư trái phép, tiền túi mang theo hạn chế, thái độ sợ sệt, tiếng Anh không nói được thế nào cũng bị từ chối nhập cảnh. Chúng ta được miễn thị thực ở hầu hết các nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Malaysia, nhưng sự thắt chặt vòng vây thế này âu cũng còn bất cập hơn luật visa.
Khách nước ngoài và cổ động viên người Việt cùng hòa chung niềm vui chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam.
Nếu cứ căn cứ vào những điều này thì thế nào những người đã mặc định cái ý nghĩ “thiên hạ ghét người Việt” sẽ càng cho rằng họ đúng. Và tôi thì tiếp tục phản biện rằng họ đã sai rồi. Nếu bạn là một công dân tri thức, hiểu biết, bản lĩnh với thái độ văn minh, đàng hoàng thì ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này, bạn cũng sẽ được tôn trọng. Nếu không phải thế, nếu bạn làm những điều sai trái và khuất tất thì ngay cả ở trên đất Việt Nam, bạn cũng sẽ không nhận được điều đó từ chính đồng bào mình. Còn nhớ hồi năm 2001, tôi vào Đại sứ quán Pháp xin visa với một hộ chiếu trống trơn chưa có visa nào cả. Anh chàng tham tán chỉ hơn tôi chừng 3 tuổi hỏi rất nhiều câu về tình trạng hôn nhân gia đình, về đơn vị mời giao lưu giáo dục bên nước bạn, về những người thân hiện nay đang sống ở Pháp và yêu cầu tôi nói vài câu tiếng Pháp. Bên cạnh có một anh chàng phiên dịch cũng người Pháp, nhưng thấy tôi có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp nên anh ta chỉ ngồi tham dự. Mới đầu, tôi kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi, sau thấy hỏi quá nhiều chi tiết, tôi bắt đầu bực mình, nói một tràng giận dữ rằng tại sao Đại sứ quán Pháp làm khó tôi như vậy, có phải sợ tôi trốn ở lại không, tôi không bao giờ muốn làm điều đó, tôi có một vị trí công việc rất tốt ở Việt Nam, một thu nhập ổn định và một người chồng sắp cưới, không đời nào tôi rời bỏ Tổ quốc yêu quý của mình để đến sống ở một nơi xa lạ, cho dù có được mời trọng vọng chăng nữa. Tôi biết nhập cư là một vấn nạn chưa thể giải quyết ở Pháp nhưng anh đừng nên gặp ai cũng đổ thừa rằng người ta mong muốn ở lại đất nước của anh. Anh ta lúng túng. Anh ta bảo rằng không phải có ý nghi ngờ gì tôi nhưng người Việt Nam là cứ hay “nói thế này rồi lại làm thế khác”. Sau đó thì tôi nhận được visa.
Sẽ không ai ghét bạn chỉ vì bạn là người Việt, người ta chỉ có thể ghét bạn nếu hành vi và thái độ của bạn có vấn đề hoặc bạn không tuân thủ đúng những thủ tục, luật lệ đề ra ở bản quốc. Nếu điều đó xảy ra thì cho dù bạn mang bất kỳ quốc tịch nào cũng đều bị khinh ghét. Nhiều bận tôi đi dạo trên đường phố của một quốc gia xa lạ, người ta hay hỏi tôi rằng “Where are you from?” - “Vietnam” - “Wow, Vietnam”. Những con người xa lạ ấy mỉm cười rồi giơ ngón tay cái lên “Wonderful”. Người ta không thể giả bộ yêu quý một người xa lạ nếu như trong lòng họ chất chứa thái độ khó chịu. Một lần, trên chuyến bay từ sân bay Charles de Gaule (Pháp) đi Thụy Điển, những cô chiêu đãi viên của Hãng hàng không Scandinavia với mái tóc bạch kim sáng lấp lánh tươi cười hỏi tôi là người nước nào, điều hiếm thấy trên những chuyến bay khác. Khi biết tôi là người Việt Nam, nụ cười trên khuôn mặt họ lại sáng bừng hơn nữa. Những người Thụy Điển rất thân thiện và dễ thương. Khi tôi hỏi họ có biết gì về Việt Nam không, họ nói rằng họ chỉ biết “Việt Nam là một dân tộc vĩ đại”. Ấy là những người xa lạ, còn những người mà tôi gặp gỡ và trò chuyện thực sự trong những cuộc giao tế càng bày tỏ thái độ trân trọng khi biết tôi là nhà văn. Có một điều rất dễ nhận thấy là người phương Tây rất trọng người sáng tạo, thậm chí có phần còn hơn cả người Việt nữa. Ở nhà, cái chức danh “nhà văn” của tôi chẳng tạo được ấn tượng gì đáng kể đối với những người được giới thiệu, nhưng ở nhiều quốc gia khác, tôi nhận thấy rõ một nét thay đổi trên khuôn mặt họ khi nghe nói rằng “I am a writer”, ngay cả khi họ là dân ngoại đạo.
Chúng ta không nên duy trì mãi tư duy “Chúng ta tự hào là người Việt Nam vì lịch sử của chúng ta kéo dài 4.000 năm, vì chúng ta là một dân tộc anh hùng...”. Nếu bạn chỉ tự hào vì những điều đó là bạn đang ỉ lại trên những điều có sẵn. Bạn không thể nào cứ ngồi đó tự hào rằng mình đã sinh ra trên mảnh đất Việt mà hành vi, thái độ lại không đóng góp gì cho hình ảnh đất nước. Bạn hãy tự hào rằng bạn đang là bạn như thế, bạn đáng được tôn trọng vì những gì mà cái tôi của bạn đang có và tự hào khi bạn đang đại diện cho Tổ quốc. Như vậy là bạn đang góp phần cùng triệu triệu người khác tạo nên hình ảnh đẹp của nước Việt.