Bác sĩ Ngô Đức Hùng khoa cấp cứu A9,BV Bạch Mai được khá nhiều người trên mạng xã hội biết đến, anh còn là tác giả của những cuốn sách được phát hành với số lượng lớn và tái bản ngay sau in như: Để yên cho bác sĩ hiền, 3 phút sơ cứu và Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể…
Ngoài ra, anh còn được 'mệnh danh' là bác sĩ ngoa ngôn, đanh đá và không ngại tuyên chiến với các hội nhóm anti vaccine hay thực dưỡng chữa ung thư… Thế nhưng, khi gặp bác sĩ Hùng ngoài đời tôi lại thấy một Ngô Đức Hùng hoàn toàn khác thân thiện, tình cảm, khá trầm lắng và rất dí dỏm…
PV: Trước đây tôi thường thấy anh ngoa ngoắt trên facebook và nhiều người gọi anh là Hùng ngoa, hình như bây giờ anh có vẻ đã hiền hơn, có phải sau khi cuốn sách Để yên cho bác sĩ hiền ra đời khiến anh hiền hơn không?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Có nhiều người bảo tôi rằng bác sĩ gì mà nói bậy, ngoa ngoắt và không giữ hình tượng trên mạng xã hội thế. Tôi không cố gắng xây dựng hình ảnh mình là một bác sĩ đeo kính trắng đạo mạo và chuẩn chỉ như các áng văn chương mà xã hội kỳ vọng. Có một câu nói tôi đưa vào trong cuốn sách "3 phút sơ cứu" để nhấn mạnh với người đọc cần nhớ điều cốt lõi trong tất cả các hành động là phải làm đúng trước khi làm đẹp – và thực tế là "những gì đúng thường ít đẹp".
Tôi thẳng tính, ít khi thỏa hiệp với cái sai, và cách tiếp cận vấn đề luôn trực diện nên có một số người cảm thấy không thoải mái và nói rằng tôi ngoa. Cuốn sách "Để yên cho bác sĩ hiền" cũng là những tập hợp các bài viết trên facebook nên âm hưởng xuyên suốt nội dung của nó là sự xéo sắt. Việc nó ra đời không khiến tôi hiền hơn mà chỉ là một phương thức thể hiện quan điểm sống của tôi thôi.
PV: Tôi thấy rằng anh là có ảnh hưởng khá lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với cộng đồng và không ít sinh viên ngành y, anh có thấy như vậy không?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Tôi không cho rằng mình là người có ảnh hưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với cộng đồng, mà tôi chỉ là người kiên trì đi theo những gì mà tôi cho rằng nó là đúng đắn và cần cho cộng đồng.
Trong những năm gần đây, xã hội phát triển nhanh chóng, mạng lưới thông tin bùng nổ khiến cho việc tiếp cận với các nguồn kiến thức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần gõ một từ khóa sẽ có hàng triệu kết quả tìm kiếm.
Tuy nhiên, nếu không có kiến thức nền tảng cơ bản, mọi người sẽ dễ dàng bị ngộ nhận với những gì mình đọc được và trở nên cực đoan. Như vậy, kiến thức trở thành có hại cho chính bản thân người đọc lúc nào không hay.
Mạng xã hội cũng là một nơi như thế, ở đó mọi người được quyền bày tỏ quan điểm về các lĩnh vực khác nhau. Lĩnh vực sức khỏe là một trong những mảng rất sôi động, những kinh nghiệm chủ nghĩa, suy diễn, ngộ nhân thậm chí là bịa đặt đầy rẫy, thực dưỡng là ví dụ điển hình trong số đó.
Tôi là một bác sĩ bình thường, luôn mong muốn làm những điều tử tế. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải lên tiếng trước những cái xấu trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp của mình. Đó là việc cần phải làm và nên làm.
PV: Được biết anh đang theo đuổi dự án đào tạo cấp cứu cho cộng đồng và đây cũng là việc anh thấy có ích cho cộng đồng, anh có thể bật mí một chút về dự án này không? Ai có thể tham gia? Dự định trong tương lai của anh về dự án này là gì?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Trong nhiều năm, mong muốn lớn nhất của tôi là góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh và hiểu biết. Quá trình phát triển xã hội chuyển dịch từ truyền thống sang hiện đại rất nhanh chóng, nên các vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân đang bị hòa trộn giữa kinh nghiệm dân gian và y học bằng chứng. Đôi khi xung đột với nhau khiến cho chính người bệnh bị chịu nhiều hậu quả đáng tiếc. Bởi các kinh nghiệm dân gian không áp dụng được trong tất cả các trường hợp mà chỉ có tác dụng trong 1 phạm vi hẹp nào đó mà thôi.
Làm việc tại phòng cấp cứu gần 20 năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều những tình huống như vậy. Để giảm thiểu những hậu quả này, cách tốt nhất là nâng cao hiểu biết cho cộng đồng. Đó là lý do tôi theo đuổi dự án này trong nhiều năm nay.
Hiện tại, tôi cùng đồng nghiệp vừa hoàn thành dự án đào tạo kiến thức sơ cứu cho cộng đồng do Đại sứ quán Mỹ tài trợ. Và đang triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo sơ cấp cứu cho các giáo viên và học sinh trong các trường học. Tôi rất hi vọng đây trở thành phong trào và nhiều người cùng tham gia.
PV: Tôi thấy anh hay nói rất bận rộn nhưng sao trên facebook thì chỉ thấy anh đi chơi, khi thì đi ngắm hoa, khi thì đi lặn biển lúc lại gấp hạc giấy, có vẻ như anh chỉ bận ở mồm thôi?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Trong con mắt mọi người, bác sĩ tốt là phải bận rộn, là phải bù đầu suốt ngày trong bệnh viện và quay cuồng với bệnh nhân. Tôi nghĩ điều này không đúng và không nên có quan điểm như thế.
Một người sẽ làm việc tốt nhất khi đầu óc thoải mái nhất. Bận rộn, quá tải và áp lực sẽ khiến chúng ta dễ gặp sai lầm nhiều hơn và đem lại những cảm xúc cực đoan cho cả 2 phía. Nghề y cũng là một nghề như bao nghề khác, nhân viên y tế có thời gian sẽ phục vụ người bệnh của mình được tốt hơn.
Tôi thường nói chuyện với các bạn bác sĩ trẻ rằng hãy cố gắng trải nghiệm cuộc sống khi có cơ hội. Bởi việc tập trung hoàn toàn thời gian cho chuyên môn và bệnh viện sẽ khiến suy nghĩ và hành động của mình bị đóng đinh vào các kiến thức hàn lâm. Qua nhiều năm, các bạn sẽ trở thành bác sĩ lành nghề.
Còn để trở thành một bác sĩ giỏi, chúng ta cần thêm một bước nữa đó là dung hòa được kiến thức kinh nghiệm mà mình thu thập được với điều kiện văn hóa xã hội.
Trong quá trình làm nghề gần 20 năm, tôi nhận ra rằng ranh giới của y học không chỉ có đúng và sai, mà còn có sự hợp lý với hoàn cảnh hiện có.
Để lựa chọn được điều đó, chúng ta phải có thời gian trải nghiệm cuộc sống. Đó là lý do người xưa có câu "thầy già, con hát trẻ" .
Có nhiều cách học, với tôi việc đi du lịch trải nghiệm và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau khiến cho cách nhìn nhận về cuộc sống được rộng mở hơn. Điều đó giúp ích rất nhiều cho hoạt động nghề nghiệp sau này.
PV: Anh có thế bật mí về ngày 27/2 của mình không?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Với tôi, 27/2 cũng là một ngày như bao ngày khác. Tôi không mong muốn xã hội tạo áp lực cho nghề nghiệp của mình là một nghề cao quý, mà chỉ mong muốn nó được nhìn nhận là một nghề bình thường như bao nghề khác.
Những lời nhắn thông báo từ người bệnh lành bệnh ra viện còn ý nghĩa hơn những lời chúc tụng. Chúng khuyến khích chúng tôi phải cố gắng hơn trong nghề nghiệp của mình để nhận được nhiều lời nhắn bình thường như thế.
PV: Trải qua rất nhiều ngày 27/2 nhưng có lẽ thời điểm chống dịch và ở tâm dịch để lại ấn tượng nhất trong con đường làm nghề của mình và anh đã viết ra được nhiều câu chuyện, thậm chí là cả một cuốn sách về những ngày ấy, bây giờ hồi tưởng lại anh thấy thế nào?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Tôi có thói quen ghi lại cảm xúc của mình ở mỗi khoảng thời gian mà tôi đi qua. Quan điểm sống của tôi là chúng ta chỉ sống có một lần, cuộc đời dài ngắn thế nào không quan trọng, miễn sao chúng ta sống có ý nghĩa là được.
Năm 2020 và 2021 là 2 năm tôi có mặt trong tất cả các điểm dịch, tham gia chống dịch cùng các đồng nghiệp của mình. Điều còn đọng lại trong những ngày đó không phải là sự bi thương, mà là niềm vui khi tôi góp phần giúp được nhiều người, bằng cách này hay cách khác. Những bài viết trong những thời điểm ấy trở thành những câu chuyện được ghi chép lại để nhớ về một quãng thời gian đã qua. Tôi thấy vui vì mình làm được những điều tử tế.