Tôi là bác sĩ

12-02-2016 08:00 | Y tế
google news

SKĐS - Với thế hệ 6X, 7X như chúng tôi câu chuyện chọn ngành y khá đơn giản. Ngày đó thông tin và sự lựa chọn không nhiều, tôi lại có bố đẻ đang là bác sĩ, lại là học sinh có học lực thuộc nhóm đứng đầu lớp...

Với thế hệ 6X, 7X như chúng tôi câu chuyện chọn ngành y khá đơn giản. Ngày đó thông tin và sự lựa chọn không nhiều, tôi lại có bố đẻ đang là bác sĩ, lại là học sinh có học lực thuộc nhóm đứng đầu lớp... nên việc quyết định thi đại học y là đương nhiên. Thi đại học y sẽ giúp bố tôi, bằng quan hệ sẵn có của mình, có thể giúp chúng tôi xin việc trong bệnh viện dễ dàng hơn. Trong những năm “nhất y, nhì dược” hiển nhiên nghề y được xã hội trọng vọng, ra trường ít nguy cơ thất nghiệp hơn. Khi nhập học ở Đại học Y Hà Nội tôi cũng gặp vô số các bạn học có chung một nền tảng như tôi: học khá, bố mẹ làm bác sĩ. Bố mẹ nuôi, học không thu học phí lại được học bổng, đầu óc những cô cậu 17-18 tuổi của chúng tôi không nhận thức được tính nghiêm túc, nghiệt ngã và thiêng liêng của ngành y. Không sao? Bây giờ thì tôi đã hiểu rồi. Ai đó đã tổng kết nghề y cần một trí tuệ sáng sủa, trái tim nhân hậu và bàn tay khéo léo (không cần phải là bàn tay vàng), quả là xác đáng! Bên cạnh những yếu tố xã hội và gia đình không thể chối bỏ.

Xã hội luôn cần những người thầy thuốc tận tâm.

Kiến thức và vận dụng kiến thức là điều tối quan trọng để hành nghề y. Kiến thức để hành nghề y phải dựa trên kiến thức về y học cơ sở, dưới nó lại là các môn khoa học cơ bản toán-lý-hóa-sinh... Như vậy người bác sĩ phải hiểu tốt các môn khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, tất cả các trường y lớn trên thế giới đều kiểm tra tâm lý phỏng vấn các ứng cử viên muốn vào trường y. Bởi lẽ chúng ta có rất nhiều em học giỏi nhưng không thích hợp để vào ngành y. Trạng thái tâm lý nghệ sĩ, vui thì làm, chán thì bỏ, không bền chí với các công việc khô khan... không thể là một bác sĩ tốt. Say mê quá, giỏi các công việc đơn độc, không có nhu cầu giao tiếp xã hội cũng không là ứng cử viên tốt của nghề này. Chúng ta đừng quên ví dụ hai vợ chồng Hàn Quốc chơi game chăm con ảo quên cả chăm sóc con đẻ của mình, để bé chết đói. Có đam mê về kỹ thuật nhưng lại vứt bỏ đi tình cảm và nhân tính thì cũng không nên thi ngành y. Tôi có vài người bạn là dân IT (công nghệ thông tin). Họ là những người thông minh, tự tin, sống ẩn dật. Làm việc hoặc chơi thâu đêm suốt sáng, không cần giao tiếp và gắn kết với cộng đồng. Do vậy những công việc mang tính chăm sóc, tình cảm, hỏi han như ngành y quả là không thích hợp với họ. Các trắc nghiệm tâm lý, câu hỏi phỏng vấn sẽ loại bỏ vô số những kẻ học giỏi nhưng tự mãn, cô độc, biến thái ra khỏi ngành y. Ngược lại những môn thi bắt buộc cũng loại bỏ những người không giỏi về khoa học thường thức.

Ai đó định lấy bệnh nhân để làm giàu thì sớm muộn cũng thất bại. Ba bác sĩ trong gia đình tôi đều cho là như vậy. Để có một trái tim nhân hậu, gặp bệnh nhân giàu cũng như nghèo, người quyền chức hay dân thường, cô gái xinh đẹp hay cụ bà lẩm cẩm cũng cảm thấy thương xót như nhau, thấy nghĩa vụ phục vụ ngang bằng... là vấn đề lớn của đạo đức y tế mà ngay cả ở những nước giàu có và nhiều luật lệ như Mỹ cũng bối rối. Tựu chung chúng ta sẽ phải tuân thủ theo mách bảo của trái tim nhân hậu, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Trái tim không chỉ giúp ta cư xử đúng mực hoặc cao thượng mà còn giúp lý trí và phán đoán của bác sĩ sáng suốt hơn. Một chút lắng nghe, trái tim biết cảm thông, yêu ta như yêu người... nhiều khi giúp chúng ta chẩn đoán đúng, cứu được người và cũng tự cứu mình khỏi sai lầm. Trái tim nhân hậu thúc đẩy ta phải hy sinh, vượt qua được những thèm khát về vật chất và sắc dục, những điều tối quan trọng khi hành nghề y.

Bàn tay vàng thiết nghĩ không đúng với nghĩa đen của nó. Không phải bác sĩ nào cũng có duyên với phẫu thuật. Do vậy thiết nghĩ chúng ta nên luyện tập các kỹ năng nói chung trong đó cả tay nghề phẫu thuật nữa kỹ càng. Một giáo sư người Mỹ giảng dạy về đào tạo y tế có nói: luyện tập sẽ giúp người không biết thành biết, người biết trở nên thành thạo, người thành thạo sẽ đạt mức chuyên gia. Dẫu biết rất ít người có thể là chuyên gia giỏi nhưng tất cả chúng ta đều phải rèn luyện và rèn luyện suốt đời. Cam kết học tập suốt đời là lời thề khi vào trường y ở Mỹ bên cạnh những nguyên tắc tự nguyện khác. Ở Việt Nam chúng ta cũng có vô số tấm gương về rèn luyện y thuật. Khi đạt được mức A người ta lại nhìn lên mức B để phấn đấu... cứ như vậy. Nếu một tuần bạn không vào mạng nghề nghiệp của mình một lần, một năm không đi hội thảo chuyên ngành... bạn sẽ thấy nguy cơ tụt hậu về kiến thức hiển hiện. Về thực hành cũng sẽ như vậy. May thay chúng ta đang ở trong thời đại mà đào tạo liên tục, bồi dưỡng ngắn hạn rất sẵn có và dễ dàng. Chỉ chờ thời gian và quyết tâm của chúng ta mà thôi.

Con người thầy thuốc cần những phẩm chất như vậy. Xã hội lựa chọn ai, cần những gì hun đúc lên những phẩm chất ấy, môi trường xã hội và điều kiện làm việc sau tốt nghiệp như thế nào... còn nhiều điều phải bàn cãi và sửa đổi. Thế nhưng nhất định không thể giảm nhẹ, bệnh nhân cần những thầy thuốc thực sự chứ không phải là những người mặc áo trắng làm việc trong bệnh viện.


BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)
Ý kiến của bạn