“Tôi không đồng tình xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná”

10-09-2016 16:39 | Thời sự

SKĐS - Dư luận những ngày gần đây lại xôn xao về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Khi dư luận lo lắng về một Formosa thứ hai sẽ hiện hữu tại vùng biển Việt Nam thì ông chủ của dự án là Tập đoàn Hoa Sen đã mạnh mồm tuyên bố: “Sẽ không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển”. Điều gì sẽ xảy ra nếu dự án này được hình thành? PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông bình luận thế nào về việc một nhà máy thép nữa được xây dựng tại một tỉnh vùng biển nước ta?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Dự án nhà máy thép Cà Ná được cho phép xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận ngay sau khi xảy ra sự cố Formosa thải chất độc ra biển khiến cá hải sải miền Trung chết hàng loạt là điều khó chấp nhận. Một nhà máy nữa với công suất lớn lại được xây dựng tại vùng ven biển thì đây là cả một vấn đề. Tôi thấy rằng, Ninh Thuận là một tỉnh rất nghèo, nước ngọt rất khan hiếm, cách đây mấy tháng Ninh Thuận phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí người dân không có nước sinh hoạt. Với công nghệ sản xuất thép cần phải dùng rất nhiều nước, vậy mà Tập đoàn Hoa Sen lại chọn Ninh Thuận để đặt nhà máy thép thì tôi thấy rất nghi ngờ. Nếu như đây là giai đoạn mới manh  nha thì cá nhân tôi không đồng tình, không ủng hộ với việc này.

Tôi được biết công nghệ của nhà máy thép này là công nghệ của Trung Quốc tương tự như công nghệ của Nhà máy thép Formosa. Nếu là công nghệ của Trung Quốc thì không có gì là hiện đại, không loại trừ có thể xảy ra sự cố không mong muốn. Hiện nay trên thế giới còn rất nhiều công nghệ sản xuất thép lạc hậu, sẵn sàng chuyển công nghiệp gây ô nhiễm ra nước ngoài, thu sản phẩm sạch, lợi nhuận về nước. Mới đây Chỉ thị  của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngăn chặn bằng được công nghệ lạc hậu, rác thải vào VN, vì vậy chúng ta cần phải xem xét rất kỹ các công nghệ sản xuất thép trước khi cho phép nhập khẩu, vận hành tại Việt Nam.

PV: Chủ của Tập đoàn Hoa Sen hứa rằng: “Sẽ không để một giọt nước thải chảy ra biển”, theo ông lời hứa này có đáng tin không?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Lời hứa thì vô cùng, có đáng tin được không. Đây là câu hỏi lớn. Nếu chủ Tập đoàn Hoa Sen nói không xả thải ra biển thì sẽ thải đi đâu? Gỉa sử nhiều mét khối nước thải bẩn ra môi trường dù là môi trường đất cũng nguy hiểm, ra sông lại càng nguy hiểm. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cá nhân tôi cho rằng phải xem xét rất kỹ. Nếu chất thải độc hại bị chôn xuống đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, nước ngầm, người dân dùng nước sẽ nguy hại khủng khiếp đến sức khỏe. Xả chất thải ra sông thì sẽ ô nhiễm mạnh hơn biển và khi đó chỉ còn là những dòng sông chết... Vì thế các cơ quan chức năng cần phải xem xét rất kỹ càng về dự án này, đặc biệt là báo cáo tác động môi trường để xem nhà máy này xả thải ra đâu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hay không và đừng để xảy ra một Formosa thứ hai.

ông trương mạnh tiếnPGS.TS Trương Mạnh Tiến

PV: Hội có ý định đề xuất dừng xây dựng dự án thép Cà Ná không?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Hội Kinh tế Môi trường có nhiệm vụ giám định, phản biện xã hội, những tiếng nói của chúng tôi cũng có những tác dụng nhất định. Những dự án định xây dựng khi được hỏi, chúng tôi sẽ có ý kiến. Tuy nhiên, với dự án nhà máy thép Cà Ná, chúng tôi chưa có cở sở đầy đủ, chưa nhận được hồ sơ dự án đầy đủ nên Hội không thể tự nhiên phán xét. Quan điểm cá nhân của tôi, trên thực tế của Formosa mà lặp lại việc này rất không nên. Nếu chỉ tin vào lời hứa chung chung của ông chủ Tập đoàn để cho phép dự án hoạt động thì không ổn. Phải nhìn vào công nghệ, báo cáo tác động môi trường vào vốn đầu tư của dự án để xem xét thấu đáo.

PV: Ông có nghĩ rằng nhà máy này khó có thể ra đời được không?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Nếu các cơ quan chức năng đã rút ra được bài học từ sự cố Formosa thì chắc chắn những quy định về xứ lý môi trường sẽ được siết chặt hơn. Như thế Tập đoàn đó chưa chắc đã dám làm. Bài toán của doanh nghiệp thường đặt chi phí lợi ích lên trên nhưng thông thường đối với một cơ sở sản xuất thép phải dành chi phí tối thiểu từ 20-30% để xử lý môi trường, nếu đưa vào 10 tỷ phải dành 2-3 tỉ cho xử lý môi trường. Đây sẽ là bài toán khó mà doanh nghiệp đều phải cân nhắc.

dự án nhà máy thép cà náÔng Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tại lễ công bố dự án nhà máy luyện thép Cà Ná. Ảnh: Lao động.

PV: Sau sự cố Formosa đã “lòi” ra chuyện các cơ quan chức năng chỉ tin vào báo cáo tác động môi trường của doanh nghiệp mà không thanh kiểm tra nên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ông có cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng hiện đang có vấn đề hay không?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Đúng là đang có nhiều vấn đề. Các doanh nghiệp có thủ thuật khi xin phép chỉ đưa ra công suất nhỏ, sau đó tăng dần, các trang thiết bị đưa vào không đáp ứng yêu cầu, không đảm bảo thông số kỹ thuật...để qua mặt các cơ quan chức năng.

Theo tôi, đánh giá tác động môi trường của mỗi cơ sở sản xuất cần phải theo dõi cả quá trình xem có tuân thủ đầy đủ hay không. Khi có những thay đổi như mở rộng công suất, lượng xả thải tăng lên phải có báo cáo bổ sung, phải hoàn thiện thêm các yêu cầu...Nhưng việc này hầu như không làm được. Mỗi doanh nghiệp có xả thải lớn phải thường xuyên kiểm tra xem xả thải có đáp ứng yêu cầu, nhất là những cơ sở tập trung ven biển, ven sông nguy cơ lan truyền ô nhiễm lớn phải kiểm tra triệt để hơn để bắt cơ sở đó thức hiện đầy đủ quy trình xả thải. Hiện nay, có lực lượng cảnh sát môi trường cần kết hợp, theo dõi để xử phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm. Thậm chí có thể khởi tố những cá nhân, pháp nhân gây ô nhiễm môi trường.

Xin trân trọng cám ơn ông!


Thanh Tâm thực hiện
Ý kiến của bạn