Tôi học làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh

26-03-2016 08:19 | Y tế

SKĐS - Được làm đúng chuyên ngành mình yêu thích là một mơ ước của các bác sĩ nói chung, nhưng theo đuổi và giữ được nhiệt huyết đam mê thì cũng đầy cam go và thử thách.

Được làm đúng chuyên ngành mình yêu thích là một mơ ước của các bác sĩ nói chung, nhưng theo đuổi và giữ được nhiệt huyết đam mê thì cũng đầy cam go và thử thách.

Phòng mổ thần kinh – BV Việt Đức.

Những ngày đầu tiên khi lựa chọn chuyên ngành mà mình sẽ cống hiến và theo đuổi là phẫu thuật thần kinh, tôi đã thực sự sốc bởi cường độ làm việc cũng như khả năng nhẫn nhịn của các thầy, các anh, chị đi trước. Trước hết phải học cách tiếp xúc cũng như cách để thăm khám được bệnh nhân và tìm ra triệu chứng ở những bệnh nhân hôn mê, rối loạn nhận thức, rối loạn tâm thần. Một lần đi khám bệnh nhân, thầy giáo giao nhiệm vụ cho tôi thăm khám một bệnh nhân bị chấn thương sọ não để báo cáo tóm tắt tình trạng bệnh. Gọi hỏi bệnh nhân không trả lời, lay bệnh nhân cũng không thấy đáp ứng, đúng theo trình tự thăm khám mà các thầy đã dạy thì bước tiếp theo là tôi sẽ kích thích đau bệnh nhân để xem các đáp ứng của bệnh nhân. Ngay khi kích thích đau, bệnh nhân đã vùng dậy và tát cho tôi một cái vào mặt đến tối sầm mặt mũi. Lúc đó tôi rất choáng váng vì cú tát bất ngờ và đau, đồng thời cũng choáng vì không biết nên làm gì tiếp theo. Khi đó, người nhà bệnh nhân ở ngay bên cạnh đã ngăn cản cú tát thứ hai mà bệnh nhân định dành cho tôi. Hỏi lại gia đình và kiểm tra lại hồ sơ, thì ra bệnh nhân đã uống rượu say, không làm chủ tốc độ và tự ngã xe máy nên bị tai nạn, do vậy khi vào viện vẫn trong tình trạng say xỉn, không hợp tác với nhân viên y tế.

Sau lần đó, tôi đã học được bài học là cần phải học cách thăm khám với những bệnh nhân tương tự như vậy. Với những bệnh nhân hôn mê, không nói được, chúng tôi phải học cách tìm ra các “triệu chứng biết nói” để giúp ích cho chẩn đoán cũng như thái độ xử trí.

Việc điều trị cho bệnh nhân cũng không dễ dàng, với những bệnh nhân tỉnh, hợp tác với bác sĩ thì còn dễ, nhưng với những bệnh nhân kích thích la hét, chửi bới thì cực kỳ là cực hình. Những lúc như vậy, bác sĩ và điều dưỡng cũng như người nhà bệnh nhân đều phải tự động viên nhau để tiếp tục chăm sóc và phục vụ bệnh nhân. Để rồi đến khi khám lại sau 1 - 2 tháng, bệnh nhân quay lại tự nói lời xin lỗi bác sĩ do đã được người nhà kể lại lúc mình mang bệnh đã hành động như thế nào. Những lúc như vậy, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã chiến thắng tử thần và giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống.

Nhớ lại những ngày mới bước vào phòng mổ thần kinh, tôi đã rất ấn tượng với những đặc trưng riêng của chuyên ngành mình. Phòng mổ rất hiện đại với các trang thiết bị như kính vi phẫu thuật, hệ thống định vị thần kinh, hệ thống dao điện, hệ thống máy hút siêu âm, máy kích thích dây thần kinh... và tôi đã phải học từ cách sử dụng từng dụng cụ, cách bảo quản dụng cụ. Phải đi phụ mổ hàng trăm ca mổ với các thầy, cô thì tôi mới quen được cách nhìn và làm việc dưới kính vi phẫu. Các ca mổ về thần kinh sọ não thường kéo dài, có những ca mổ từ 10 giờ sáng đến 23 giờ đêm, các bác sĩ phải là những người có sức khỏe và kiên nhẫn cao. Nếu như một ai đó lần đầu đến phòng mổ thần kinh sẽ thấy một điều ngạc nhiên là các bóng đèn trần nhà được tắt đi, chỉ còn ánh sáng từ kính vi phẫu và ánh sáng ở bàn dụng cụ mổ. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến một tác phẩm nổi tiếng về ngành y là “đèn không hắt bóng”.

Khi chúng tôi được thầy cho phép làm một số thì mổ đầu tiên, rồi được các thầy cô cho phép làm dần tất cả các thì mổ, đến khi được chịu trách nhiệm những ca mổ đầu tiên, cảm giác lâng lâng như  được ai đó khen (mặc dù chả ai khen cả, toàn là tự sướng thôi). Và công việc cứ thế tiếp diễn như dòng chảy của thời gian, những bạn cùng khóa tôi đều đã trở thành các bác sĩ chính. Tôi được một giáo sư nước ngoài chia sẻ, để trở thành phẫu thuật viên thần kinh cần hội tụ đủ cả 3 yếu tố: đôi mắt của đại bàng, trái tim của sư tử và bàn tay của phụ nữ. Với tôi thì cần có thêm những điều kiện quan trọng nữa là: cần phải có đam mê và cần có người thầy tâm huyết dạy nghề cho mình. Tôi rất may mắn có được một người thầy tâm huyết và đam mê với nghề. Cô là một phẫu thuật viên nữ đầu tiên làm chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Cô đã chỉ dạy cho bao thế hệ bác sĩ trong khoa tôi và tôi may mắn cũng được cô truyền nghề cho, trong giao tiếp tôi vẫn gọi cô là “u” (từ được dùng cho cha mẹ mình). Cô cũng là người luôn nhắc nhở các bác sĩ trẻ như tôi rằng: học ngành y đã lâu và gian nan thì học phẫu thuật thần kinh còn lâu hơn (thường lâu hơn các chuyên ngành khác 3-6 năm), nó đòi hỏi người bác sĩ phải có sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo, óc tư duy tốt để có độ chính xác cao trong mổ.


ThS.BS. Nguyễn Đức Liên (Khoa Phẫu thuật thần kinh – BV Việt Đức)
Ý kiến của bạn