Tôi đang chuyển kênh thơ

30-08-2014 14:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong tình hình hiện nay, có nhiều biến đổi, nhiều khuynh hướng thơ phát triển, bạn đọc có khả năng thẩm thơ ít đi.

Trong tình hình hiện nay, có nhiều biến đổi, nhiều khuynh hướng thơ phát triển, bạn đọc có khả năng thẩm thơ ít đi. Làm sao để bạn đọc không “ngoảnh mặt” với thơ, không “bẽ bàng” với thơ? Bằng những trải nghiệm của mình, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã tâm sự những suy nghĩ gan ruột của mình về trách nhiệm của nhà thơ với xã hội và các cách tiếp cận thơ của bạn đọc trong nhịp điệu đời sống hôm nay.

Chúng tôi được biết, trong mấy năm qua, anh có nhiều sáng tác biểu hiện sự lao động cần mẫn và độ chín về thơ. Xin anh vui lòng cho biết đôi nét về những thành quả của anh?

Theo tôi, nói về mình thật khó quá, nhất là lại nói về sáng tác thơ. Trên đường thơ, mỗi người viết tự xác định sự định hướng của mình. Mỗi một tập thơ ghi nhận sự nỗ lực ấy của chủ thể sáng tạo trong khát vọng tự hoàn thiện bản thân mình. Có thể nói, trong khi viết Nắng triền sông (in cùng ba tác giả khác) và Sông xuân đất bãi, cho đến tập thơ Thỏa hương hơn 30 năm qua, thú nhận là tôi vẫn quan tâm đến mạch ngầm khác của xúc cảm cá thể mà tôi coi như thể nghiệm trong tập Đam mê nhằm khai thác những vui buồn của đời sống riêng tôi trong chiều sâu tâm trạng, khả năng tự giãi bày của mạch nguồn xúc cảm và tư duy ấy. Và mỗi tập thơ khi ra đời sẽ có số phận riêng của nó, nó được đánh giá thế nào là tùy theo khả năng thẩm định của bạn đọc trong cái khả năng được xã hội hóa giá trị ấy.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Anh quan niệm thế nào về thơ trong không khí đổi mới của đất nước ta hiện nay?

Điều rất đáng mừng, không khí đổi mới văn nghệ của đất nước đã tạo được không khí hưng phấn trong anh em làm thơ chúng tôi. Thơ viết đa dạng hơn, gần gũi với đời sống hơn, có nhiều xu hướng, tìm tòi thể nghiệm hơn, khả năng mở rộng hơn những biên độ hiện thực xã hội nhưng qua đó cũng bộc lộ những biểu hiện của xu hướng quá đà: đổi màu, đổi giọng, mượn màu đổi mới của thói cơ hội và vụ lợi trong văn nghệ lên làm ảnh hưởng không ít đến sự lành mạnh của xã hội, làm cho những người có lương tri lo lắng do những tác động độc hại của nó. Sự định hướng là cần thiết, nhất là trên cơ sở của phát huy dân chủ và đổi mới.

Chúng tôi nhận thức được rằng thơ là tiếng nói của tâm hồn và tâm linh con người. Theo anh, làm thế nào để thơ được yêu thích hơn nữa trong công chúng?

Hiện nay, do gia tăng của nhịp điệu đời sống xã hội, thơ hơi ít bạn đọc như trước đây. Có lẽ đây cũng là nỗi buồn và cũng gây ra “mặc cảm” trong những người làm thơ; nhiều khi tôi cũng phải tự an ủi mình: có được một chút tâm tình đến với bạn đọc thơ cũng là quý lắm rồi! Ai lại đi tính chuyện lỗ lãi với thơ. Nhưng cũng không thể làm ngơ được! Khổ thế! Và tôi rất tâm đắc với quan niệm của một nhà thơ lớp trước: “Tôi không thể hiểu nổi được xã hội không có thơ, xã hội ấy chỉ rặt những thói thực dụng dung tục tuyệt đối hóa giá trị của đồng tiền thì xã hội ấy sẽ ra sao và sẽ đi đến đâu?”. Điều lo ngại ấy, trách nhiệm xã hội sẽ phải giải quyết; nhưng giá trị thơ trước hết phải coi nó là những sản phẩm văn hóa (do đặc thù, sau rốt mới là những sản phẩm hàng hóa). Và hiệu quả của thơ là tác động vào đời sống tinh thần một cách sâu xa hơn.

Sắp tới đây, anh có dự định sáng tác nào nữa không? Và theo anh, các tổ chức văn hóa nghệ thuật cần làm gì để nuôi dưỡng thơ và cộng hưởng với thơ?

Tôi không có thói quen nói trước dự định của mình. Dự định bao giờ cũng nhiều nhưng khả năng thực hiện dự định ấy là có hạn; mọi nỗ lực đều cần thiết nhưng để đạt đến một giá trị đích thực nào đấy của thi ca thì thật là khó quá! Nói thế nghĩa là tôi cũng đang vượt cạn và chuyển kênh thơ. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có quỹ tài trợ cho những tác phẩm có giá trị. Điều này đã giúp cho hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo trong điều kiện còn khó khăn hiện nay. Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài giới thiệu thơ, các tổ chức hội văn nghệ địa phương, thư viện các tỉnh, thành phố nên thường xuyên tổ chức các buổi bình thơ, hội thảo thơ, đọc thơ để các nhà thơ và các bạn đọc thơ có không khí giao cảm trực tiếp trong các sinh hoạt văn hóa ấy, hoạt động cần bổ ích, thực sự vì nhu cầu tinh thần của đời sống, tránh làm hình thức hoặc qua loa, chiếu lệ.

Xin cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe và đạt được nhiều thành quả hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật!

Hoàng Linh (thực hiện)


Ý kiến của bạn