Hà Nội

Tôi đã từng bất lực khi nhìn sai lầm của các cha mẹ khi chăm con trẻ

24-07-2021 10:38 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Tôi đã không ít lần có cảm giác bất lực khi thấy nhiều ông bố bà mẹ cố gắng bổ sung canxi cả triệu liều cho những đứa trẻ từ 1 tháng tuổi.

Tôi hiểu, bố mẹ nào cũng muốn con mình đạt chuẩn cân nặng và chiều cao. Nhưng điều mong muốn cùng với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn kiến thức chính thống và khoa học của các cha mẹ dẫn tới những hệ quả cho trẻ.

Phần lớn các ông bố bà mẹ, ông nội bà ngoại chỉ thích và mong con mình bụ bẫm, tăng cân đều đều, béo chút càng tốt, ít người quan tâm tới việc chăm sóc và phát triển chiều cao cho trẻ ngay từ những ngày đầu.

Bố mẹ cần biết rằng, việc phát triển chiều cao và sức khỏe tổng thể của bé quan trọng hơn rất nhiều so với chỉ phát triển cân nặng.

Chiều cao của con người sẽ phát triển rất chậm và ngừng phát triển hoàn toàn sau thời điểm dậy thì. Việc phát triển chiều cao cho trẻ cần được quan tâm liên tục, nhưng đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn vàng từ 0-5 tuổi, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Đây là những giai đoạn trẻ bứt phá về chiều cao, đồng thời sự phát triển chiều cao trong những giai đoạn này sẽ quyết định chiều cao trưởng thành của trẻ.

Giai đoạn 5 năm đầu đời

5 năm đầu đời là tiền đề quan trọng để bé tối ưu được chiều cao lúc dậy thì. Nhưng đây cũng giai đoạn nhiều bố mẹ sai lầm nhất khiến bé suy dinh dưỡng, không đạt cân nặng rồi từ đó thấp lùn do biến chứng của suy dinh dưỡng.

Những "huyền thoại" như rụng tóc vành khăn thì bổ sung canxi, bé trằn trọc khó ngủ thì bổ sung canxi, bé đổ mồ hôi trộm thì bổ sung canxi. Rồi nêm nếm nhiều gia vị cho những đứa trẻ mới ăn dặm trong khi WHO hay UNICEF khuyến cáo hơn 20 năm qua rằng "đừng nêm gia vị cho trẻ dưới 2 tuổi" là những sai lầm mà nhiều bố mẹ mắc.

Tôi từng khám cho rất nhiều bé được bố mẹ bổ sung canxi, bổ sung DHA, lysine, men… từ 1 tháng tuổi, mà vốn dĩ chúng không cần vì hàm lượng canxi quá đủ trong sữa, và buồn hơn nữa là mẹ hoàn toàn không có khái niệm bổ sung vitamin D – chìa khóa đưa canxi từ máu vào xương.

Tôi đã từng bất lực khi nhìn cha mẹ sai lầm khi chăm  con  trẻ - Ảnh 1.

Việc bổ sung canxi cho trẻ vài tháng tuổi có thể khiến chúng rối loạn tiêu hoá

Chưa kể, việc bổ sung canxi cho những đứa trẻ vài tháng tuổi khiến chúng rối loạn tiêu hóa và biến chứng thường gặp đó là táo bón, đi cầu rất khó khăn, bỏ bú.

"1000 Ngày Đầu Đời" đã được chứng minh quyết định cuộc đời của chính đứa trẻ, gồm 9 tháng mang thai và gần 3 năm đầu đời. Tuy nhiên, khái niệm "1000 Ngày Đầu Đời" có vẻ còn xa lạ với chúng ta và nhiều người đã đánh mất đi cơ hội phát triển toàn diện cho con bằng việc bị định hướng bởi rất nhiều luồng thông tin sai lệch.

Bé dưới 6 tháng tuổi thì cứ bú mẹ hoàn toàn + vitamin D3 mỗi ngày. Còn mẹ thì bổ sung canxi 1000mg , 30 mg sắt (mẹ mới là người cần uống) và dùng 800 - 1200 IU vitamin D3 mỗi ngày.

Và lời khuyên là:

• Sơ sinh: Sữa mẹ + Vitamin D3

• Trẻ 6 tháng: Sữa là chính + Vitamin D3 + ăn dặm

• Trẻ 12 tháng: Ăn là chính + Vitamin D3

Bú mẹ thì hoàn toàn 6 tháng đầu và kéo dài tới ít nhất 2 tuổi.

Canxi tối quan trọng với xương nhưng phải có vitamin D thì canxi mới đi vào cơ thể.

Vì vậy, việc bổ sung canxi phải đi cùng với việc bổ sung vitamin D3 xuyên suốt giai đoạn này, song song với chế độ ăn giàu các nhóm chất (tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, sắt, canxi…) chính là chìa khóa giúp bé đảm bảo được cân nặng và chiều cao luôn trong chuẩn.

Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì

"Tiền dậy thì là giai đoạn bé bắt đầu có thay đổi về cơ thể và cho đến dậy thì được định nghĩa là cơ thể trẻ phát triển và thay đổi để trở thành người lớn thực sự".

Thường giai đoạn dậy thì của bé gái lúc 11 tuổi với "chu kỳ" đầu tiên và bé trai là 12 tuổi với vỡ giọng và "mộng tinh" đầu tiên. Còn các biểu hiện như ngực phát triển, lông mọc nhiều…là biểu hiện của tiền dậy thì và kéo dài 2-3 năm tùy bé.

Có một quan niệm sai lầm là dậy thì thường kéo dài 4-5 năm nhưng thực ra chỉ 2 năm và phần còn lại là tiền dậy thì. Nếu trong 2 năm dậy thì, trẻ không đạt tối đa tốc độ phát triển chiều cao của chúng thì xem như chúng mất đi cơ hội cuối cùng để cải thiện chiều cao lúc trưởng thành".

Sau 18 tuổi, khả năng hấp thụ canxi của dạ dày bắt đầu giảm, khả năng chuyển canxi vào xương cũng giảm, tốc độ phá hủy xương bắt đầu cao hơn tốc độ tạo xương, trẻ sẽ khó phát triển chiều cao vượt trội.

Tôi đã từng bất lực khi nhìn cha mẹ sai lầm khi chăm  con  trẻ - Ảnh 2.

Nhu cầu giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì trẻ cần bổ sung canxi khoảng 1000-1300mg và 800UI vitamin D3

Lưu ý là trong 2 năm ít ỏi của dậy thì các bé có thể đạt tốc độ phát triển chiều cao lên tới 10 – 15cm mỗi năm. Nhưng muốn tối ưu được điều này, đứa trẻ cần đảm bảo 3 yếu tố

Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ vi chất cần thiết

Vận động thể chất phù hợp

Đảm bảo giấc ngủ và nghỉ ngơi

Di truyền bố mẹ chiếm 60% nhưng nếu áp dụng tốt 3 điều trên, chúng ta tối ưu được 40% còn lại + phát triển chiều cao theo di truyền nữa thì chiều cao của trẻ mới hy vọng vượt qua được bố mẹ.

Giai đoạn cần bổ sung canxi là 1000-1300 mg và 800UI Vitamin D3 (tính từ cả thức ăn, sữa…) nếu không đủ thì đây mới là giai đoạn cần bổ sung thêm.

Khoa học là chúng ta quan tâm sức khỏe của con ngay khi còn trong bụng mẹ, phải đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.  

Khoa học là chúng ta quan tâm cân nặng và chiều cao con trong 5 năm đầu đời vì đó là giai đoạn vàng thứ nhất để tăng chiều cao, chỉ cần Vitamin D3 bổ sung ngoài, còn lại từ sữa mẹ và ăn uống đa dạng.

Khoa học là giai đoạn dậy thì chúng ta phải đảm bảo đủ bổ sung canxi 1000-1300 mg + 800 Vitamin D3 mỗi ngày, kết hợp vận đông và giấc ngủ để chiều cao tối ưu trong 2 năm ngắn ngủi.

Tôi đã từng chia sẻ rằng rất mong muốn cao thêm vài cm nhưng sẽ rất khó vì đã qua giai đoạn vàng tăng chiều cao thứ hai rồi.

Vì thế, tôi dành tâm huyết viết những bài này cho mọi người với hy vọng chăm sóc các bé chuẩn khoa học hơn.

Các mẹ nhớ nhé: "Bỏ lỡ 2 giai đoạn vàng cuộc đời thì rất khó đạt được chiều cao tối ưu lúc trưởng thành. Mong bố mẹ hãy lưu tâm điều này.

Còn cách đạt chiều cao tối ưu thế nào thì các mời các mẹ theo dõi ở các bài sau.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang
Ý kiến của bạn