Cách đây 7 năm, tôi bị cứng khớp gối và khớp vai. Một tay giơ lên không nổi. Ai lỡ chạm vào vai, tôi đau quá kêu ầm lên, nước mắt chảy ra. Tôi không vặn nổi chìa khóa mở cửa. Tôi buộc phải dùng tay trái không đau, loay hoay mở cửa. Đi bộ lê lết, cà thọt. Chân bước lên ôtô không được, đi xe đạp đau. Đến nhà ai chơi, khi ngồi, tôi đành xin lỗi vì bất lịch sự phải duỗi chân thẳng lên ghế bên cạnh để giảm đau nhức. Tôi đi khám bệnh và chụp điện quang đầy đủ. Bác sĩ (BS) chẩn đoán tôi bị bệnh khớp triệu chứng già, mặc dù lúc ấy tôi mới gần 50 tuổi. Tôi thấy mình như người tàn tật. Mặc áo phải nhờ con cái. Tôi buồn nghĩ sao mình sớm bị bệnh tật hành hạ sớm thế. Có người nói lý do tôi sinh nở nhiều và không kiêng kỹ. Nhưng cô bạn tôi không sinh nở cũng bị khớp như tôi.
TS. Trần Thu Dung và nhà sử học Pháp Alain Ruscio (Giám đốc Thư viện thông tin về dữ liệu Việt Nam, là tác giả nhiều cuốn sách viết về bài trừ thực dân ở Đông Dương và Algérie) tại Hội chợ Việt Nam tổ chức tại Paris.
BS Pháp chỉ định tiêm thẳng vào khớp và nạo khớp gối như một hình thức mổ (tất nhiên với kỹ thuật tân tiến, không cần rạch dao). Tôi hỏi kinh nghiệm những người từng bị và đã đi chữa ở Pháp. Họ than vẫn đau sau khi tiêm, nạo. Cơn đau chỉ giảm được vài tháng sau lại đau trở lại. Họ vẫn phải dùng thuốc giảm đau và tăng liều.
Tình cờ, cô em họ hơn tôi 4 tuổi từ Hà Nội qua Pháp chơi, bị đau khớp như tôi, đã truyền cho tôi một kinh nghiệm quý của Đông y Việt Nam: thể dục. Hàng ngày, cô em họ tôi đã thuê BS Đông y đến để tập quay khớp vai, 50 vòng từ từ và ngược lại 50 vòng. Tôi cũng thử tập một mình, vì bên Pháp kiếm BS Đông y hơi khó, hoặc đi rất xa. Muốn đi massage chữa bệnh phải có đơn giới thiệu của BS điều trị. Nhưng tôi đã làm BS giận vì đã từ chối tiêm và nạo gối. Đến ngày hẹn nạo và tiêm, tôi đến BS. Khi BS định lấy thuốc tiêm, tự nhiên tôi đổi ý. Tôi đã khéo từ chối với lý do tôi còn con nhỏ, phải về đón con buổi trưa, chồng đi công tác. Bà ta bảo: “Không sao, tiêm và nạo xong chỉ nửa giờ, có thể đi về được bình thường. Tôi cương quyết từ chối lấy cớ nhỡ tôi làm sao ai đón con. Bà BS chuyên khoa khớp đã giận tôi vì nghĩ tôi không tin khả năng của bà. Bà tức mình: “Tôi không điều trị cho cô nữa”. Thực ra là tôi sợ dùng thuốc và dao kéo. BS gia đình kê cho tôi một lô thuốc giảm đau. Nhìn túi thuốc to mà hoảng sợ, tôi thầm nghĩ: nếu uống xong túi thuốc to này chắc tôi không chết vì bệnh mà chết vì nhiều chất hóa học ngấm vào cơ thể. Tôi đọc kỹ bản hướng dẫn thuốc, biết đó chỉ là giảm đau, không phải thuốc chữa. Tôi cương quyết không dùng và quyết tâm tập thể dục để không thành người tàn phế.
Xem tivi, tôi cũng giơ tay tập. Thấy không đỡ, vẫn đau, tôi nghĩ đến bơi ếch và bơi sải là thể dục tổng hợp phải sử dụng cử động cả vai lẫn khớp gối cùng một lúc. Tôi liền đi bơi. Ban đầu tôi bơi ai cũng kêu chướng. Hai tay tôi cứ giang ngang ra trông kỳ cục, vướng nhiều người ngược chiều bơi. Tôi mặc kệ, cứ bơi vì đây là nơi thể dục công cộng. Tay tôi đau không giơ hay gấp tay như mọi người lên được. Cực chẳng đã, tôi mới phải bơi cứng đờ như thế. Bơi xong, tôi lên thả nước ấm vào chỗ đau. Một cảm giác dễ chịu và rất sung sướng. Thế là tôi mua vé bơi cả quý và ra quyết tâm đi bơi hàng ngày. Ban đầu tôi bơi 5 phút, dần dần tôi cứ quyết tâm tập lên 10 phút, cứ thế chừng 2 tháng sau tôi bơi nửa tiếng. Nghỉ hè, tôi cũng chọn nơi có biển, có bể bơi để có điều kiện thể dục. Tôi bơi hàng ngày. Tám tháng sau, tôi giơ được 2 tay gần bằng nhau và tôi bơi như mọi người. Tôi có thể đi bộ vài tiếng không đau chân.
Tuy nhiên tôi vẫn đi kiểm tra định kỳ để xem có ung thư xương? Nếu chỉ là bệnh khớp, bệnh tuổi già, thì chỉ có một phương pháp hiệu quả nhất là thể dục.
Tác giả trong kỳ nghỉ hè 2015.
Giờ đây, ngày nào tôi cũng đi bộ đến bể bơi. Tôi không đi xe buýt hay ôtô, để bắt mình phải thể dục. Trời lạnh hay mưa lâm thâm tôi cũng đi, để tạo cho mình một thói quen thể dục. Bây giờ thì tôi nghiện bơi, đi bộ. Đó chính là cách để bảo vệ sức khỏe không cần thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau đều có thành phần hóa học trong đó, uống nhiều sẽ nhờn thuốc. Nhiều người bạn vì dùng quá nhiều, lười thể dục, béo phì ra, đổ tại thuốc. Càng lười vận động càng phì nộn, nhiều khi gặp bạn bè xấu hổ, không dám đi đâu. Càng lợi dụng thuốc, càng bị nhờn thuốc. Nhiều người phải dùng liều cao hơn, không chữa được nữa.
Bệnh nhức đầu và đau mình mẩy đối với phụ nữ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh cũng nên dùng phương pháp duy nhất là lạc quan và thể dục. Tự học ấn vài huyệt cơ bản. Giật nhẹ vào lông mày phía sống mũi. Từ từ ấn nhẹ và xoa vào thái dương, ấn đỉnh đầu. Chịu khó đi bộ, chơi môn thể thao mà mình thích và đun nước sôi thả lá thơm tắm, các cơn đau sẽ giảm đi. Ra ngoài gặp bạn bè tiếp xúc, dạo hồ sẽ thoải mái đầu óc hơn là đi gặp BS. Đến phòng khám toàn nhìn những người ngồi kể bệnh, thở hít vi khuẩn bệnh nhân sẽ ốm thêm. Nếu đi kiểm tra sức khỏe chỉ là bệnh tiền mãn kinh thì thể dục là liều thuốc tốt nhất. Ra sân chơi thể thao sẽ thấy khí thế tinh thần thể thao. Vui chơi mồ hôi toát ra, hít thở không khí trong lành là liều thuốc bổ tốt nhất cho phổi. Trước khi đi khám, nên mở mạng ra đọc trước các hiện tượng, để nắm được bệnh (nếu có bệnh), lúc đó ta sẽ tự tin và hiểu sâu bệnh của mình khi gặp BS. Luôn luôn xác định trước: “Nếu bệnh nặng cũng không bi quan, coi như số phận và mình quyết chống số phận bằng lạc quan. Tinh thần lạc quan cũng là liều thuốc quý”.
Ngoài ta, tôi có một kinh nghiệm cho chị em phụ nữ bị bệnh “són tiểu”. Phụ nữ sau khi sinh nở hoặc lớn tuổi thường bị cười “són tiểu”, do dây chằng giãn và kém đàn hồi như trước. Nhiều người xấu hổ không dám nói với ai. Các cụ xưa hay nói câu “cười vãi đái”. Thực ra, đây là bệnh rất dễ chữa. Đừng để lâu sẽ khó chữa. Bệnh này đòi hỏi phải tập thể dục. Ban đầu không biết tôi đi khám, BS Pháp cho đơn đi tập thể dục trị bệnh. Thật kỳ diệu “sau 10 lần tập”, tôi hết luôn căn bệnh “són tiểu”. Tôi đã truyền lại cho nhiều bạn bè, họ đều khen hiệu nghiệm. Cách tập rất đơn giản. Có thể gọi nôm na là “ngắt đái nhiều lần”, có nghĩa là không đái nhanh mạnh cùng một lúc. Khi đang đi giải, tập thót lại ngưng đái trong 1 phút, rồi lại tiếp tục, rồi lại ngưng 1 phút. Làm thế 5-7 lần trong một lần đi giải. Đó là cách tập co bóp cho dây chằng ở bộ phận sinh dục sau khi đẻ. Thậm chí lúc ngồi xem tivi, bạn có thể lặng lẽ tập. Dù khỏi rồi, hàng tuần vẫn nên tập vài lần.
Hoan nghênh BS Đông y Việt Nam và hoan nghênh tinh thần thể dục! Thể dục, lạc quan là liều thuốc quý nhất cho mọi lứa tuổi. Thể dục xong, người sảng khoái, làm việc hiệu quả hơn và thấy yêu đời hơn. Bệnh tật và thuốc chỉ làm cho con người buồn thêm, bi quan. Tuy nhiên, trước khi thể dục nên đi kiểm tra tổng quát đề phòng bệnh và xác định tư tưởng: “Luôn lạc quan dù điều gì xảy ra”. Phát hiện bệnh sớm vẫn dễ chữa hơn.
Hãy sống vui và thể dục!