Ngại và sợ nhất là mình lớ ngớ chưa biết phải làm gì theo ý bác sĩ, điều dưỡng, y tá và cả hộ lý thì đã bị quát tháo, mắng mỏ… như thể mình chỉ là con gián, con giun… Tôi ít tìm thấy vẻ đẹp của tình mẫu tử nơi khám và chữa bệnh ngày ấy. Song, sau lần phải vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đại học Y dược (ĐHYD) TP.HCM vừa qua, tôi nghĩ mình đã nhầm. Ở đây, tôi đã gặp rất nhiều “lương y như từ mẫu”.
Tôi vào viện trong trạng thái nguy hiểm. Từ 53kg, tôi tăng lên 66kg trong vòng 14 tiếng do thân thể trữ nước. Tôi không thở được, bụng đau và mọi cảm giác đến với mình cứ chập chờn không tỉnh táo. Phòng cấp cứu đông nghẹt bệnh nhân (BN), các giường bệnh ken kín vào nhau, người chăm nuôi, người thăm nom BN ồn ào, không khí không tĩnh lặng chút nào. Bác sĩ và điều dưỡng phải chen chân mới đi thăm khám và điều trị được. Tôi không nghe thấy tiếng gắt gỏng, không thấy sự hách dịch của thầy thuốc nơi đây mà chỉ nghe được tiếng nói thật nhẹ, rất ngọt, ân cần, vừa đủ nghe của mấy điều dưỡng viên nam lúc dặn dò hay truyền dịch… Sự tiếp xúc ban đầu khiến tôi tin tưởng và an lòng, không sợ nữa.
Ngoài điều trị, bác sĩ còn là người cung cấp liều thuốc tinh thần cho người bệnh. Ảnh: TM
Ngay trong đêm, từ phòng cấp cứu, tôi phải nhập viện. Khoa tôi nằm chật cứng người. Tôi được gửi sang nằm ở Khoa Ngoại. Các điều dưỡng viên chăm sóc chúng tôi ở đây chủ yếu là nữ. Họ cũng ngọt ngào, ân tình, thân thiện với BN như ở phòng cấp cứu. Ấn tượng đầu tiên của tôi là hai chị điều dưỡng trưởng của Khoa Ngoại nội trú. Cả hai không trực tiếp chăm sóc tôi nhưng mỗi khi có bác sĩ đến lấy dịch phổi hay chọc tủy, các chị đều có mặt. Chỉ là hành động cầm tay BN, chỉ là lời khích lệ êm ngọt “Cố gắng nhé”, “Xong ngay bây giờ”, “Đừng gồng, người sẽ đau đấy, thả lỏng người ra”… thôi mà sao ấm áp quá! Tôi thấy mình như đỡ đau hơn. Thì ra phương thuốc chữa bệnh bằng tinh thần hiệu nghiệm thật!
Cũng tại Khoa Ngoại nội trú ấy, tôi đã gặp điều dưỡng viên Hà Ngọc Hoa. Tôi chưa gặp người phụ nữ nào ở BV cũng như ở ngoài đời dịu dàng hơn Ngọc Hoa. Ngọc Hoa được tất cả các BN yêu quý, gần gũi và mong đợi được cô giúp đỡ, chăm sóc. Cô như một con thoi ở phòng BN. Ai gọi Ngọc Hoa đến, ai cần Ngọc Hoa giúp. Cô không từ chối bất kỳ lời cậy nhờ của ai dù đã hết giờ làm hay đã đến lúc chuyển ca. Vội vàng là thế, nhưng bao giờ tôi cũng thấy cô ngọt ngào êm dịu “Đợi con chút nhé!”. Cô không hề cáu gắt cho dù BN mắc lỗi hay ai đó làm phiền lòng bác sĩ, nhân viên của BV. Những ân tình của Ngọc Hoa đã khiến tôi không muốn xa nơi “tá túc” này, cho dù sau đó khoa ban đầu tôi phải nằm đã có giường cho BN như tôi.
Người trực tiếp điều trị cho tôi là BSCKII Phạm Hữu Luôn. Với tôi, BS. Phạm Hữu Luôn là người tuổi trẻ, tài cao, người thầy thuốc luôn biết vì con người, yêu thương con người và dám vì sự sống của bệnh nhân mà dấn thân. Trong tôi, anh là một “từ mẫu” theo đúng nghĩa đẹp và sáng nhất!
Tôi thầm cảm phục anh ngay từ lúc anh đến chọc tủy. Anh nhắc tôi chịu khó đau chút để chích thuốc tê. Tiếp đó, anh lại bảo “Để BS chích mũi thuốc tê nữa cho đỡ đau” rồi bất ngờ chọc xong tủy cho tôi! Thế là cảm giác lo, sợ, đón đợi việc chọc tủy đã qua thật nhanh. Anh đã giảm bớt sự căng thẳng thường có cho BN khi phải đối mặt với những cơn đau tâm lý.
BS có bản lĩnh chuyên môn cao, rất tự tin ở năng lực của mình. Như tôi đã kể, tôi khó thở nên phải thở ôxy gần 1 tháng. Vậy mà tôi nhập viện được hơn chục ngày anh đã quyết định cho tôi truyền hóa chất vì tôi bị hạch toàn thân, hạch lan tỏa nhanh như nấm. Quyết định mạo hiểm ấy của anh khi BN còn đang thở ôxy, đang phải truyền kháng sinh cứ 6 tiếng/1 chai khiến cho đồng nghiệp phải băn khoăn, nhưng anh bất chấp mà đặt sự sống của BN lên trên tất cả. Anh không chấp nhận sự an toàn cho bác sĩ mà vì sự sống của con người. Không có tài, khó ai dám liều mình như thế!
Mỗi lần BS. Luôn đến giường bệnh nhân thăm khám, tôi đều nghe thấy lời anh hỏi han, dặn dò: “Nhớ uống nhiều nước nhé”, “Đêm qua còn ói nhiều không?, “Có ăn được nhiều không?”, “Cố gắng nhé”… Nhờ những lời nói ân tình ấy mà BN chúng tôi có thêm điểm tựa tinh thần và niềm tin chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo mà mình đang chịu đựng. Bác sĩ Luôn có một hành động nhỏ thôi, nhưng đến với BN nào tôi cũng thấy anh làm, đó là trước khi rời đi, anh thường nhẹ nhàng kéo chăn đắp cho BN, nếu ai không dùng chăn thì anh vỗ nhẹ vào bàn tay người bệnh. Hình như anh đang tiếp lửa cho người ốm. Nghĩa cử anh làm, con bệnh nào dám đến? Còn chúng tôi có thêm niềm tin sẵn sàng đối mặt với những trận truyền hóa chất đang và sẽ đến phía sau.
Tôi chỉ là một BN điều trị ở Khoa Huyết học trong BV ĐHYD TP.HCM, vì thế, những quan sát và đánh giá của tôi có thể phiến diện. Nhưng chỉ cần ngần ấy gương mặt tôi nhớ tên (và cả những gương mặt không kịp nhớ tên) khi tôi được chăm sóc và điều trị cũng đủ để khẳng định niềm tin trong tôi rằng đội ngũ cán bộ nơi ấy đã phát sáng lương tâm và trách nhiệm của những người “lương y như từ mẫu”. Họ đã cung cấp cho BN một liều thuốc tinh thần qua cử chỉ, giọng nói, nụ cười đến việc thăm khám, kê đơn… Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương của người mẹ thảo hiền. Những người mẹ ấy chỉ biết cho mà chưa biết nhận điều gì.