Một chiều cuối xuân, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm Cộng Hòa, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình – người phụ nữ được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình và Khoa Sản Trường đại học Y Thái Bình cứu sống trên bàn mổ ngay tại nhà để nghe chị kể về “sự may mắn” và hạnh phúc của một con người được tái sinh lần thứ hai.
Cũng như bao nhiêu phụ nữ khác ở nông thôn trên quê lúa Thái Bình, hàng ngày, chị Nguyễn Thị Hoa thức dậy lúc 5 giờ sáng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cơm nước cho chồng con rồi tất tả ra chợ làng bán hàng. Chị có một gian hàng bán quần áo nhỏ tại góc chợ quê này. Gọi là bán hàng thêm chứ thu nhập từ buôn bán quần áo ở chợ quê cũng không đủ để trang trải cuộc sống. Anh chị có 4 con - 3 gái, 1 trai, đứa con gái lớn đã đi lấy chồng. Sáng sáng bán hàng ở chợ, chiều về nhà phụ chồng chăn nuôi 60 con lợn và làm 5 sào ruộng. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm nếu như không có buổi sáng định mệnh ấy, buổi sáng mà chồng con, bố mẹ và làng xóm đã tính đến chuyện lo hậu sự cho chị. Chị Hoa hồi tưởng: “Sáng ra, tôi vẫn khỏe mạnh và cũng định làm những công việc hàng ngày, tự nhiên thấy đau bụng, buồn nôn, tôi tưởng mình bị ngộ độc nhưng chưa bao giờ tôi đau bụng như vậy, người cứ xỉu dần. Rồi tôi bất chợt nhớ đến lời dặn của bác sĩ cách đây mấy ngày khi tôi đi siêu âm: Nếu thấy đau bụng, ra huyết thì phải đến bệnh viện ngay. Tôi đã bảo chồng chuẩn bị cho đi bệnh viện nhưng bước chân ra đến cửa thì đã ngất xỉu”. Gia đình gọi cho cán bộ TYT xã, sau đó cán bộ TYT đã chẩn đoán là chị mang thai ngoài tử cung. Các chị ở TYT thấy tình hình nguy kịch đã gọi cấp cứu tới các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, trong lúc lơ mơ, chị nghĩ chắc là mình sẽ chết, đến lúc đó thì chị không hề biết gì, khi tỉnh lại, chị thấy mình đang ở BV Phụ sản Thái Bình. Nói rồi, chị tiếp lời: Như vừa trải qua một cơn ác mộng, tôi đã trở về từ cõi chết. Sau khi được các bác sĩ giải thích và sau lần này, chị rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình và những người thân trong gia đình là không nên coi thường sức khỏe, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Nhờ sự hết lòng của các bác sĩ, chị Hoa đã được hồi sinh lần thứ 2.
Cùng ngồi tiếp khách với vợ, anh Đỗ Ngọc Ắng - chồng chị Hoa, chia sẻ thêm, sau khi nghe các bác sĩ ở tuyến trên về mổ cấp cứu nói về tình trạng của vợ, không chỉ bản thân tôi, những người thân trong gia đình mà cả đội ngũ cán bộ y, bác sĩ lúc đó cũng nghĩ vợ tôi sẽ chết. Tôi còn nhớ, lúc ấy, các bác sĩ quyết định nhanh lắm, đó là cho mổ ngay tại nhà. Và ngay lúc đó, các chị ở TYT xã đã chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, trang thiết bị cần thiết cho ca mổ tại nhà. Tuy nhiên, máu truyền cho vợ tôi lúc đó là khó khăn nhất bởi nhóm máu của cô ấy là nhóm máu AB, đây là một nhóm máu hiếm. Nhưng rất may, trong lúc sinh tử ấy, tất cả mọi người từ bà con hàng xóm đến 6 cán bộ của TYT xã đều tập trung xét nghiệm nhóm máu của mình để chuẩn bị tinh thần truyền máu cho vợ tôi. Con số người tình nguyện thử máu và để hiến lên đến 50 người, nhưng rồi cũng chỉ tìm được có 2 người có nhóm máu hợp. Khi được hỏi, anh chị muốn gửi lời nào đến các bác sĩ, vợ chồng chị xúc động nói: “Chúng tôi không biết hết tên các bác sĩ, nhưng những gì họ làm cho gia đình tôi là một món quà vô giá, chúng tôi không thể nói được nhiều hơn, chúng tôi luôn cầu chúc cho các thầy thuốc, y, bác sĩ sức khỏe, hạnh phúc, công tác tốt và họ luôn là từ mẫu trong lòng nhân dân”.
Để chuyển lời của chị Hoa, chúng tôi đã tìm gặp những bác sĩ - người đã đem đến sự sống cho chị ngày đó và may mắn liên hệ được với BS. Lê Hải Dương - một trong những bác sĩ tham gia kíp cấp cứu tại nhà chị Hoa. BS. Dương tươi cười nhưng lại khá kiệm lời để nói về ca bệnh này, bởi theo anh, việc cứu người như phản xạ tự nhiên, nó không chỉ quy vào chữ trách nhiệm mà cao hơn cả là lương tâm của một người thầy thuốc trước sinh mạng của người bệnh. BS. Dương chia sẻ: “Khi kíp cấp cứu chúng tôi đến nhà sản phụ thì sản phụ chỉ còn hi vọng sống 1 phần, máu đã chảy ngập ổ bụng, ước tính lượng máu mất khoảng 3 lít, bấy giờ mà chuyển bệnh nhân đi thì nguy cơ tử vong là rất cao... Lúc đó, như một phản xạ tự nhiên, chúng tôi lập tức nói với người nhà và các đồng nghiệp ở TYT là phải mổ cấp cứu chị Hoa ngay tại nhà. Thực tình, ở trong khoảnh khắc đó cũng chẳng nghĩ được gì hơn, chẳng so đo hơn thiệt, chỉ biết thấy bệnh nhân sắp chết là phải cứu. Chúng tôi cũng nghẹt thở không khác gì người nhà bệnh nhân nhưng vẫn phải tỉnh táo để làm tròn trách nhiệm của mình. Rồi sau hơn 2 giờ đồng hồ phẫu thuật tại phòng mổ “đặc biệt”, các dấu hiệu sinh tồn ở sản phụ đã có, chúng tôi cởi chiếc khẩu trang ra thở phào, nhẹ nhõm...! Nói vội được mấy câu, bác sĩ Dương lại cười vui vẻ, rồi anh bảo, anh lại có một ca phẫu thuật đang chờ sẵn và hẹn chúng tôi khi nào có thời gian sẽ tâm sự nhiều hơn nữa về nghề, về đời và giữa những lằn ranh của sự sinh - tử mà các bác sĩ Sản như anh thường hay đối mặt!
Hoàng Thía (ghi)
- Tai biến y khoa qua những câu chuyện ở phòng cấp cứu
- Mời tham gia diễn đàn: Tai biến y khoa
- Bác sĩ treo cổ, tai biến sau sự cố y khoa
- Tai biến trong y khoa là điều khó tránh và không ai mong muốn
- tai biến y khoa
- Tai biến y khoa
- “Đừng vì chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả khu rừng”
- Sự cố y khoa, cần một cái nhìn chỉn chu của báo chí!
- Ai bảo vệ danh dự cho bác sĩ?
- Bác sỉ sản khoa "bật mí" chuyện mổ lấy thai
- Bác sĩ ngoại khoa, máu lạnh?
- Tôi đã làm "từ mẫu" như thế nào?
- Nghề y không phải là một phương tiện thương mại
- Tử vong sau thủ thuật nội soi dẫn lưu mủ bể thận, vì sao?
- Góc khuất nghề y - Chuyện giờ mới kể
- Lỗ thủng?
- Suýt mất vợ vì..tai biến
- Sai lầm chuyên môn y khoa: Phân xử ra sao?
- Sai sót y khoa - 99% do lỗi hệ thống
- Bất ngờ thoát chết sau hơn 4 tháng thở máy, ngừng tim
- Cấy ghép y khoa thiếu an toàn - Tội của các nhà làm luật EU