Chuyển thể từ tác phẩm Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, vở Làm… của Sân khấu (SK) kịch Phú Nhuận năm 2012 đã làm nóng bỏng sàn diễn và được chọn là 1 trong 5 vở kịch hay nhất của SK TP. Hồ Chí Minh. Ðầu tháng 1/2013, NSND Hồng Vân lại vừa nhận kịch bản Mịch ơi của tác giả Chu Thơm để dàn dựng tại Sân khấu của mình. Liệu mối nhân duyên này có được thắm sắc như Làm… Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả.
Đầu năm mới, anh đã có kịch bản sẽ dựng ở SK kịch Phú Nhuận, anh là người có duyên với SK phía Nam?
Hồi còn làm ở Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), tôi có điều kiện đi các tỉnh phía Nam nhiều. Tôi có thói quen cứ vào TP. Hồ Chí Minh là phải đi xem kịch, mưa gió cũng đi xem. Thế nên đã xem rất nhiều các vở diễn của SK 5B, Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Phú Nhuận và phần nào cũng hiểu cái gu của SK kịch nói phía Nam. NSND Thế Anh lần ra Hà Nội gần đây có nói là SK kịch phía Bắc và phía Nam lệch pha nhau.
Anh là người xem nhiều vở diễn của hai miền, anh có thấy điều đó không?
Tôi nói cho bạn biết sự quan sát về khán giả hai miền sau khi ở nhà hát ra: khán giả phía Nam ra khỏi rạp với gương mặt rạng rỡ, hớn hở, khán giả Bắc thì vẻ mặt căng thẳng, đăm chiêu. Rõ ràng thái độ khán giả hai miền rất khác nhau: khán giả phía Nam hòa vào cùng vở diễn, cười thoải mái, phía Bắc thì im lặng ngồi xem.
Nhưng tôi cũng nghe nhiều ý kiến rằng các vở kịch của SK phía Nam chỉ mang tính giải trí đơn thuần, ít ý nghĩa xã hội.
Tôi thì không nghĩ thế, nếu bạn vào xem Nửa đời ngơ ngác, Ngôi nhà thiếu đàn bà (SK Hoàng Thái Thanh), Một cuộc đời bị đánh cắp, Ca sĩ ngôi sao (SK Idecaf), Mẹ và người tình, Nỏ thần (SK Phú Nhuận)… thì bạn sẽ không tin lời nhận xét như vậy.
Tác giả Chu Thơm trao kịch bản Mịch ơi cho NSND Hồng Vân. |
Năm 2012, anh đã cóLàm… cho SK kịch Phú Nhuận?
Thực ra tôi có món nợ với SK kịch Phú Nhuận từ Hội diễn SK kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, khi NSND Hồng Vân gửi giấy ra Cục NTBD đăng ký để làm vở Giai nhân và anh hùng của tôi thì lại chậm hơn Nhà hát Kịch Việt Nam nửa tiếng. Từ sự mắc nợ ấy mà chúng tôi quyết tâm làm vở Làm… Quận Phú Nhuận là địa bàn có nhiều người Bắc sinh sống nên Hồng Vân thường chọn kịch bản mang phong cách và âm hưởng Bắc, hay khai thác các tác phẩm văn học, nhất là dòng văn học hiện thực phê phán. Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng nói tới thân phận người phụ nữ thời thực dân phong kiến, nhiều người vì hoàn cảnh xô đẩy phải làm nghề bán son phấn. Nhưng trong xã hội hôm nay, nhiều cô gái lại vênh vang với nghề này và kiếm tiền để hưởng thụ. Ngay tại Hà Nội cũng đã từng có một điểm hoạt động mà dân chơi gọi là Bangkok của Hà thành trên phố Tô Ngọc Vân, các cô gái ở đó đeo số cho khách làng chơi lựa chọn. Ở Làm…, tôi muốn nói mặt trái của xã hội, nguyên nhân nào xô đẩy khiến người phụ nữ phải đi làm cái nghề ấy. Làm… thành công có công sức lớn của NSND Hồng Vân để kịch bản phù hợp với SK xã hội hóa phía Nam, đặc biệt có dàn diễn viên ngôi sao: Thanh Vân, Lan Phương, Trịnh Kim Chi, Minh Hoàng, Thanh Duy…
Được biết Làm… và Vua thánh triều Lê là những ứng cử nặng ký của giải Mai vàng 2012?
Tôi cũng được biết thông tin như vậy và mong anh em nghệ sĩ được nhận giải thưởng xứng đáng. Là một tác giả, không gì hạnh phúc bằng vở diễn được lên sàn và được khán giả hào hứng đón nhận.
Đến Mịch ơi là vở thứ hai anh cộng tác với SK kịch Phú Nhuận?
Từ tháng 8/2011, tôi đã ký hợp đồng với bác Nghiêm Xuân Sơn (con rể - đại diện gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng) để được phóng tác tác phẩm Giông tố. Đầu tiên, tôi đặt tên vở là Kẻ báo thù vĩ đại, nhưng sau đó lại đổi thành Mịch ơi. Từ cuốn tiểu thuyết dày 383 trang, xuất bản năm 1936, tôi viết thành kịch bản 62 trang. Ngày 6/1/2013, tôi đã giao kịch bản cho Hồng Vân và ra Tết sẽ lên sàn.
Hơi thở của Giông tố cách đây 77 năm liệu có còn phù hợp môi trường sống hôm nay?
Tôi đã có nói với bác Sơn: đây là kịch bản phóng tác nên sẽ có đôi chỗ khác đi, nhưng hồn cốt của nó không thay đổi. Nhân vật chính là Nghị Hách - một dân biểu Bắc kỳ, giàu có, có trang trại rộng lớn đặt tên là Tiểu Vạn lý trường thành. Giàu sang như thế nhưng Nghị Hách là kẻ sống nhẫn tâm, 11 nàng hầu trong nhà đều là các cô gái bị ông ta cưỡng hiếp rồi biến thành nô lệ tình dục bằng cách bỏ thuốc phiện vào ruộng của nhà họ, buộc gia đình họ phải bán rẻ con cho hắn để tránh tù tội. Nghị Hách là một kẻ buôn vua bán chúa, những kẻ chạy chức, chạy quyền đều tìm đến hắn để nhờ vả bởi hắn có mối quan hệ thân tình với ngài Công sứ, ngài Tổng đốc. Tuyên ngôn của Nghị Hách: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” - là tuyên ngôn vẫn đúng từ xưa đến nay.
Năm 1991, ngành điện ảnh đã làm phim Giông tố nhưng Thị Mịch là nhân vật chính trong phim, còn ở Mịch ơi, anh lại tập trung vào Nghị Hách, vậy liệu có làm thay đổi tinh thần tác phẩm văn học của cụ Vũ Trọng Phụng?
Đề tựa (slogan) của kịch bản là: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, tôi muốn tập trung vào Nghị Hách, Mịch chỉ là cái cớ để người xem biết cách hành xử của Nghị Hách cùng chế độ quan trường những năm 30 của thế kỷ trước. Xã hội đã biến Mịch từ một cô gái chân quê mộc mạc hồn nhiên, trong trẻo thành một người đàn bà bất chấp sự đời, ngang ngạnh, lì lợm và trâng tráo. Rất tiếc là NSND Trọng Khôi đã mất, nếu không chắc Hồng Vân sẽ mời bác ấy vào vai Nghị Hách. Chỉ cần bác bước ra SK đã đủ ra hồn vía của Mịch ơi rồi.
Làm… ở Liên hoan SK chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã bị điều tiếng vì có nhiều cảnh sex nóng bỏng, đọc kịch bản Mịch ơi - thấy cũng có nhiều đoạn phòng the của Nghị Hách, bà cả, Thị Mịch…
Ở Mịch ơi, yếu tố sex sẽ không nhiều, đây là vở diễn về thân phận của những người dân nghèo, thấp cổ bé họng, yếm thế, thà cắn lưỡi chết còn hơn phải lên công đường gặp quan phụ mẫu. Những kẻ coi mình là “quan phụ mẫu” lại đứng về phía kẻ có tiền để hà hiếp dân lành.
Cuối cùng thông điệp anh muốn mang tới cho khán giả ở Mịch ơi là gì?
Vở kịch là sự cảnh báo: kẻ nào làm loạn nước thì sẽ phải gánh họa loạn nhà. Người ta vẫn nói: thứ nhất là loạn tại gia, thứ nhì loạn chợ, thứ ba loạn tiền. Loạn nhà thời nào cũng là cái kinh khủng nhất, mà oái oăm thay, cả khi đất nước bình yên thì đôi khi nhà vẫn loạn. Nghị Hách là kẻ lũng loạn cả xã hội, dùng tiền để được Bắc đẩu bội tinh, để được chức Nghị trưởng, nhưng cái đau nhất của Nghị Hách là phải chịu quả báo khi bi kịch trong nhà liên tiếp xảy ra: vợ ngoại tình với cung văn, con cái thì tự tử vì chính ông ta là người đứng ra hôn phối cho hai đứa con của mình lấy nhau… Nghị Hách là kẻ đứng đằng sau, cung cấp tài chính cho những kẻ chạy chức chạy quyền - chuyện xưa nhưng nhãn tiền nay vẫn đúng: những kẻ làm loạn nước ắt sẽ gánh họa loạn nhà.
Khi viết thế này anh có ngại bị suy diễn là ám chỉ?
Đây là tôi phóng tác từ tác phẩm của cụ Vũ Trọng Phụng. Cụ Phụng đã nhìn thấy điều đó từ xa xưa rồi, cái sự độc ác, gian manh rồi sẽ bị trả giá. Lã Bất Vi cũng đã có từ thời chiến quốc cơ mà.
Xin cám ơn anh! Mong rằng Mịch ơi được khán giả chào đón trong năm Quý Tỵ.
Tố Lan (thực hiện)