Hà Nội

Tội buôn bán người: Mức phạt còn quá nhẹ

16-11-2015 07:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Tội phạm mua bán người tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp với xu hướng gia tăng và quốc tế hóa.

Tội phạm mua bán người tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp với xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. Các đối tượng phạm tội lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để thực hiện hành vi phạm tội từ nông thôn ra thành thị. Đáng chú ý là nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà hiện nay đã xuất hiện cả tình trạng mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai,...

Tội phạm mua bán người hoạt động khắp nơi

Theo thống kê của Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Từ năm 2011 đến năm 2015, cả nước xảy ra hơn 2.200 vụ, với 3.340 đối tượng, lừa bán 4.495 nạn nhân. Riêng năm 2015, xảy ra 297 vụ, với 481 đối tượng, lừa bán 778 nạn nhân. Qua đó đã phát hiện nổi lên một số lĩnh vực, địa bàn mà bọn tội phạm triệt để lợi dụng để hoạt động phạm tội mua bán người như: lao động thời vụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tình trạng môi giới kết hôn trái phép, xem mặt chọn vợ, kết hôn giả tại một số tỉnh, thành phía Nam..., trong đó xác định hơn 70% số vụ phạm tội mua bán người qua tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, 11% qua tuyến Việt Nam - Campuchia, 6% qua tuyến Việt Nam - Lào.

Tội buôn bán người: Mức phạt còn quá nhẹ
Bé trai 20 ngày tuổi là nạn nhân của một vụ buôn bán người, đã được giải cứu thành công.

Những kẻ mua bán người thường lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế, thất nghiệp... của người dân từ nông thôn ra thành thị để lừa gạt. Trong đó hơn 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Hoặc những kẻ mua bán người đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của học sinh, sinh viên để lừa bán, chiếm 6,63% tổng số vụ (so với 5 năm trước tăng 3%).

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực tác động, siêu lợi nhuận từ mua bán người, nhất là sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân, quản lý nhân khẩu còn nhiều lỏng lẻo, sơ hở bất cập... cũng chính là nguyên nhân, điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Xuất hiện tình trạng mua bán đàn ông, trẻ trong bào thai

Mới đây, tại Tọa đàm dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), liên quan đến thực trạng mua bán người, mua bán trẻ em, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an, cho biết hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng và quốc tế. Đáng chú ý là việc nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà hiện nay đã xuất hiện cả tình trạng mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê,... Điển hình như vụ việc Nguyễn Thị Ngọc Hiền (Đồng Nai) thu gom 25 trẻ sơ sinh bán sang Trung Quốc; vụ việc Công an TP.Cần Thơ bắt 10 đối tượng đưa 75 người thuộc các địa phương phía Nam sang Trung Quốc, Singapore bán thận. Ở phía Bắc, chỉ riêng ở Hà Giang, từ năm 2010 đến nay phát hiện gần 80 vụ mua bán, lừa gạt hơn 100 trẻ em, trong đó có vụ việc Vàng Thị Sen (SN 1994, Hà Giang) đã dùng “mỹ nhân kế” và cho người đàn ông này quan hệ tình dục nhiều lần để dụ dỗ đưa sang bên kia biên giới để bán. Nhưng may mắn khi Sen chưa kịp hành động, thì cả hai đã bị bộ đội biên phòng cửa khẩu Tà Lùng bắt và xử phạt hành chính vì không có giấy tờ hợp pháp khi qua cửa khẩu. Ngay sau đó, người đàn ông này đã quyết định trình báo toàn bộ sự việc bất thường của Sen với các cán bộ bộ đội Đồn Biên phòng Bạch Đích (Yên Minh, Hà Giang). Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng đã triệu tập Vàng Thị Sen. Lúc bấy giờ, bộ mặt thật của “má mì” đội lốt sơn nữ mới bị lột trần.

Trước tình hình trên, Đại tá Lê Văn Chương cho rằng cần tăng mức hình phạt với hành vi mua bán người. Cụ thể, mức khởi điểm hình phạt tù từ 2 năm (khoản 1 Điều 119 BLHS hiện hành) cần tăng lên 5 năm; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119) tăng lên từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Đối với tội mua bán trẻ em tăng mức khởi điểm hình phạt tù từ 3 năm (khoản 1 Điều 120 BLHS hiện hành) lên 7 năm; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119) tăng lên từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thế Vinh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn