Tôi đã vào Chiềng Luông, huyện Tân Sơn đôi lần để thăm gia đình cố nhà văn Sao Mai, nhưng lại chưa hề biết đến nơi này có nhiều người đẹp nức tiếng cả tỉnh Phú Thọ. Mới đây, bà cả Tiếng, vợ nhà văn Sao Mai, ở thôn Ngọc Chấu đọc cho tôi nghe mấy câu ca từ xưa dân gian đã truyền tụng, để ca ngợi con gái đẹp ở Chiềng Luông. “Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền”. Bà cả Tiếng giải thích nghĩa là con gái ở Chiềng Luông này đẹp nhất đấy. Nhiều lắm. Toàn các cô gái Mường, xinh đẹp như hương như hoa cả. Ngay kể cả người già cũng vẫn còn đẹp.
Bà Tiếng còn nói đùa, chê tôi rằng ngố, vào cái “mỏ” gái đẹp mà cứ ngơ ngác như bò đội nón ấy. Tôi gãi đầu cười và hỏi bà liệu bây giờ nếu muốn gặp ngay một người đẹp nhất vùng này có được không. Bà nói, mỗi thời đoạn mỗi khác, người đẹp ở vùng này lúc nào cũng sẵn. Bà còn kể, sử chép rằng từ thời Đông Hán, bên Tàu đã có nhiều quan quân sang Chiềng Luông này cướp vợ cơ mà. Rồi bà còn nói cứng rằng, tôi đi bất cứ ngả nào, khắp 17 xóm của vùng này cũng đều gặp người đẹp cả.
Nhưng thật ra tôi phải đợi chị Hương, con dâu của bà về chỉ đường cho tôi tìm xóm Lối. Chị nói cả cái xã Văn Luông (tên mới của Chiềng Luông), có gần 2.000 hộ, ở rải rác cách nhau năm, bảy cây số, rộng lắm. Nhưng riêng xóm Lối, từ xưa đã có nhiều thiếu nữ đẹp, nức tiếng cả vùng, nay vẫn còn nhiều cô gái xinh và đều đắt chồng lắm. Chị kể, mùa xuân năm nào cũng có nhiều chàng trai ở các huyện lân cận về đây ngắm người đẹp và tìm vợ. Thậm chí có không ít các đại gia nghe tiếng cũng về lùng tìm người đẹp và không ít các cô gái cỡ hoa khôi, hoa hậu của Chiềng Luông trở thành các quý bà. Bởi họ cho rằng, người đẹp ở vùng rừng núi xa xôi này đều hiền lành và chăm ngoan; không hề va chạm với xã hội nên sẽ chỉ một bề trông nom cho gia cảnh luôn luôn êm ấm.
Thế rồi tôi lặn lội đi khoảng 4 cây số, vượt qua cầu treo Văn Luông, tới Bến Gạo, rồi dò theo một con đường mòn, trơn trượt vào xóm Lối. Hỏi loanh quanh tôi mò tới đúng nhà trưởng xóm. Qua vài lời trao đổi, anh không hề đắn đo dẫn tôi sang ngay nhà hàng xóm để có thể chụp ảnh một cô gái đẹp. Đó là người đẹp Hà Thị Hải Yến, con gái của ông Hà Xuân Toanh. Nhưng không ngờ, ông Toanh còn cho người đi gọi thêm mấy cô gái khác, ở rải rác trong xóm cùng đến chụp ảnh. Ông còn cho biết, chính vợ trưởng xóm cũng đẹp lắm. Thế là tôi trở nên bận rộn như một thợ ảnh chuyên nghiệp vậy và chợt nghĩ lời của bà cả Tiếng quả đúng, ngã vào ngả nào cũng gặp người đẹp. Toàn gương mặt xinh xắn, với cặp mắt lấp lánh rạng rỡ và mái tóc dài tha thướt. Các cô gái cứ ríu rít nói cười, trêu đùa nhau, chạy quanh sân.
Anh trưởng xóm còn mách, nếu tôi đến trường học của xã thì chụp ảnh mới đã, bởi dù sao những cô gái ở xóm cũng đã trên tuổi đôi mươi cả rồi, đẹp cũng vừa vừa thôi, chỉ được nước da thì cô nào cũng trắng nõn. Thì nhất dáng nhì da mà, tôi hỏi ông Toanh vì sao nước da của các cô gái ở đây lại trắng và đẹp vậy, ông thong thả tâm sự và kể một loạt chuyện. Nào là các cô gái ở Luông, từ nhỏ đã tắm nước lá mận ma và cây rau rừng thì mới được nõn da. Thêm nữa, nước đun lá tắm phải lấy từ thác ông Tùng, bà Tà, tận xóm dưới, hay phải lấy từ cái mó nước trong núi, cách đây chừng vài trăm mét thì mới giữ được độ khỏe của da. Có được như thế da cô nào cô ấy mới trắng hồng, mà chẳng phải đánh phấn bôi son. Dứt lời, ông Toanh làm một hơi thuốc dài rồi húng hắng ho. Tôi nghe chừng ông vẫn chưa hết chuyện, nên cứ ngong ngóng chờ đợi. Quả nhiên ông nói tiếp, khi người phụ nữ sinh nở, phải bế con ngồi hong bên bếp lửa độ vài tháng cho đến khi bong lớp da đầu tiên. Chỉ lớp da sau của đứa bé mới có cái nước hồng hào, săn chắc. Cùng với đó, người mẹ còn phải ăn một thứ rêu đá mọc ở dưới sông Bứa để cho sữa từ bầu vú chảy đều và ngon miệng, khi ấy mới ủ được hương thơm mát của làn da bé gái sau này. Tôi nghe mới thấy sự kỳ công của việc nuôi con của những bà mẹ người Mường ở đây. Và đó có thể nói cũng là bí quyết làm đẹp tự nhiên của những người dân vùng này, mà không ở đâu có được.
Chả vậy mà bao đời nay, người đẹp ở đây rất nhiều và nức tiếng cả vùng. Nhiều gia đình có gen di truyền nhiều đời, thế hệ nào cũng có những người con gái đẹp.
Mải nghe chuyện, mặt trời đã lên cao, anh trưởng xóm giục tôi tranh thủ lên trường phổ thông trung học của xã ở trên Minh Đài để chụp ảnh kẻo tan trường học sinh sẽ về hết. Nghe mọi nguồn cơn rừng núi, nước non tạo nên những nhan sắc ở Chiềng Luông, tôi như bị mê mẩn tâm trí.
Và tôi lại càng lạ, đến đột ngột vậy mà thầy Tân Khải Dũng, Hiệu phó Trường PTTH Minh Đài dõng dạc tuyên bố rằng, cho tôi chọn bất cứ lớp học nào, ngay lập tức chắc chắn sẽ tìm được vài cô bé đẹp ở Chiềng Luông. Tôi nghe như bị thách đố và lấy làm thích thú trò chơi ú tim này. Tôi xách máy ảnh đi theo thầy Hiệu phó lên thẳng lớp 12A. Lúc này, nhiều nữ học sinh đang chạy đùa tán loạn, tôi cùng thầy Dũng nhìn khắp lớp và không ngờ có đến 4 cô bé xuất hiện cùng lúc, đều sàn sàn như nhau, mỗi người một nét đẹp, với tuổi mới lớn nên quả khó chê. Tôi mời các em ra chụp ảnh, ngay tại sân trường, bên cạnh vườn hoa nhỏ. Các em đều là người Mường ở Chiềng Luông. Trong đó có em Hà Thanh Hằng ở xóm Lối, nơi mà tôi vừa đến đã tỏ ra mạnh dạn và cười hồ hởi đứng các dáng khác nhau để tôi chụp. Đó là những người đẹp ở tuổi 16, 17, hồn nhiên trong trang phục rất học trò, không hề có sự chuẩn bị nào cả.
Khoảng 20 phút sau, tôi lại theo thầy Hiệu phó lên các lớp ở tầng hai. Lại một cảnh nhốn nháo của tuổi học trò, tôi đang hoa cả mắt để nhìn chọn một bóng hồng nào đó thì bất ngờ một cô bé dáng cân đối, dong dỏng cao lướt qua. Tôi vội chỉ tay, thầy Dũng phải đuổi theo mới giữ được cô bé lại và điều đình để cho tôi chụp ảnh. Cô bé thở gấp gáp bởi vì vừa chơi trò vui với bạn. Những hạt mồ hôi còn đọng lại nơi vầng trán, cô bé nói tên là Kiều Thị Lan, lớp 12H, cũng ở Luông. Thế là tôi chụp liên tục với các góc độ khác nhau, bởi cô bé Lan hay quay đi quay lại, cười với các bạn và ngượng nghịu vì chân mình còn đi đôi dép nhựa của ai đó. Tôi lại thấy vui vì sự hồn nhiên và thầm cảm ơn trời đất đã cho tôi gặp gỡ những cô bé xinh đẹp ở vùng rừng núi xa xôi này…
Khi trở về phòng thầy Dũng, tôi mới hay đã có tới hơn chục cô bé học trò ở lớp dưới, toàn gương mặt nhỏ xinh, hồng hào cũng đứng thấp thoáng chờ đợi ống kính của tôi. Thầy Dũng cười và tỏ ra vui, vì biết tôi đã phải chịu là ông đã nói đúng, bởi ở lớp nào cũng có các người đẹp ở Luông, đáng chọn mặt gửi vàng. Đúng lúc này, một cô giáo bước vào, với nụ cười rạng rỡ. Tôi sững người vì gương mặt trái xoan xinh xắn, với vóc dáng cân đối, cùng nước da trắng nõn. Cô giáo đang lúng túng vì ánh mắt của tôi, thì thầy Dũng giới thiệu đây là cô giáo Hà Thị Mơ, người ở xóm Lối, tại Chiềng Luông đó. Tôi lặng người, chẳng thể nói lời nào mà chỉ nâng chén trà mời cô giáo. Tôi nghiêng mình trước cái đằm thắm của vùng quê có con sông Bứa, sinh sản ra loài rêu đá để nuôi dưỡng người đẹp. Một dòng nước từ thác nguồn về câu chuyện tình, khi đôi trai gái chết đi, truyền lại sức sống và vẻ đẹp bất tử cho các chàng trai cô gái Mường nơi đây.
Tôi thật sự bất ngờ với niềm vui dâng trào, cứ như vừa phát hiện ra một cái “mỏ” mỹ nhân và tôi đã được tắm trong ánh sáng của những đôi mắt đẹp. Tôi bị bỏ bùa. Có lẽ thế. Tôi ngẩn ngơ bởi cái bùa Chiềng Luông, đúng như lời bà cả Tiếng đã mắng tôi lúc sáng rằng, tôi là một con bò đội nón, ngơ ngác không biết rẽ ngả nào. Tôi muốn về ngay bên bà và thú tội rằng, chẳng hề muốn rời xa nơi này và chắc là tôi khó chia tay Chiềng Luông...
Vương Tâm