Ngày 10/6, Hội nghị quốc tế Chống bạo lực tình dục trong xung đột đã khai mạc tại Anh với sự tham gia của đại diện khoảng 120 quốc gia. Ý tưởng về việc tổ chức hội nghị quốc tế về Chống bạo lực tình dục bắt nguồn từ bộ phim “Ở miền đất của máu và mật ngọt” (“In the Land of Blood and Honey”) nói về thân phận những phụ nữ bị hãm hiếp trong cuộc chiến tranh ở Bosnia hai thập kỷ trước đây. Bộ phim lột tả nỗi đau thể xác, tinh thần, thân phận bị giày vò chà đạp của người phụ nữ.
Đây cũng là kết quả của một cuộc vận động kéo dài hai năm qua của Ngoại trưởng Anh William Hague và Đại sứ Liên hợp quốc, ngôi sao điện ảnh Mỹ Angelina Jolie nhằm mục đích tổ chức một hội nghị quốc tế Chống bạo lực tình dục trong chiến tranh.
Theo thống kê, bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột đã và vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trong một thập kỷ vừa qua, các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, Syria…đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có hàng trăm nghìn phụ nữ đã bị cưỡng bức xâm hại tình dục. Một thống kê khác cho thấy, đã có tới 50.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp trong các cuộc chiến ở Bosnia hai thập niên trước, nhưng cho đến nay chưa kẻ nào gây ra tội ác bị trừng phạt. Lịch sử cũng cho thấy vấn đề phụ nữ bị xâm hại, ép buộc trở thành nô lệ tình dục trong các cuộc chiến tranh cũng đã ảnh hưởng đến bang giao của nhiều quốc gia. Trong đó có Nhật bản-Hàn Quốc với những khúc mắc cho đến nay vẫn không thể hóa giải là một ví dụ.
“Những gì chúng ta đang nỗ lực làm trong tuần này là thống nhất một Nghị định thư quốc tế để xác lập các tiêu chuẩn chứng minh và điều tra những tội phạm kiểu này. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có thêm cảnh báo công lý sẽ được thực thi và tội ác sẽ bị trừng phạt” Ngoại trưởng Hague nói.
Chống bạo lực tình dục trong xung đột cũng là một trong những vấn đề được Anh coi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại năm 2014. Đến nay, “Tuyên bố cam kết chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột” do Bộ Ngoại giao Anh bảo trợ đã được gần 150 chính phủ ủng hộ.
“Chúng ta phải gửi một thông điệp đến toàn thế giới. Bạo lực tình dục không chỉ là sự ô nhục mà nó còn tội ác đối với con người.” Angelina Jolie nhấn mạnh trong bài phát biểu chính thức khai mạc hội nghị. Theo cô, bạo lực tình dục đối với những nạn nhân chiến tranh có vẻ như một phần tất yếu của cuộc xung đột. “Bạo lực tình dục mặc nhiên xảy ra- nó là một vũ khí chiến tranh nhằm vào dân thường. Nó không chỉ là thỏa mãn quan hệ tình dục, mà nó dường như là tội ác để chứng tỏ rằng những kẻ gây ra tội ác đang dùng tình dục để khẳng định quyền lực của chúng “.
“Nhiều trẻ em gái bị xâm hại tình dục, bị hành hạ tàn bạo, bị khinh rẻ và cuộc sống sau này trở thành địa ngục”. Anita Tiessen, Phó giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện của trẻ em của UNICEF Anh nói. "Họ phải sống trong các trại tị nạn, trên các đường phố bị đánh bom, ở những nơi không có pháp luật, không có ai bảo vệ, và thậm chí không hy vọng công lý. Với danh tiếng của mình, Angelina Jolie sẽ làm được điều kỳ diệu cho những số phận kém may mắn”.
Emime Ndihokubwayo, 44 tuổi, từ Burundi, một phụ nữ châu Phi hãm hiếp trong một cuộc xung đột bạo lực sắc tộc trong những năm 1970 đã hiện diện tại hội nghị chia sẻ nỗi đau và tố cáo những tội ác mà cô phải gánh chịu. Phát biểu tại hội nghị, Emime Ndihokubwayo hy vọng hội nghị quốc tế Chống bạo lực tình dục sẽ tạo một bước ngoặt lớn để chấm dứt tội ác này.
Những thông tin phụ nữ bị cưỡng bức thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo. Điển hình nhất là Ấn Độ, nơi cứ 22 phút xảy ra một vụ cưỡng hiếp. Theo một khảo sát do tờ Times thực hiện ở Ấn Độ, gần 25% đàn ông Ấn Độ thú nhận đã từng một lần hiếp dâm trong đời, và gần 20% nói rằng họ đã từng dùng sức mạnh buộc vợ hoặc người yêu quan hệ tình dục. Không chỉ Ấn Độ, mới đây nhất, ngay tại lễ nhậm chức của tổng thống Ai Cập, một nữ sinh viên 19 tuổi đã bị cưỡng hiếp tập thể. Những người bảo vệ nữ quyền tại Ai Cập tuyên bố 250 trường hợp bị “cưỡng hiếp và tấn công tình dục tập thể” từ tháng 11/2012 đến tháng 1/2014.
Nhật Quang (theo Dailymail)