Hà Nội

Tốc độ đột biến của virut “tử thần” Ebola

20-09-2014 14:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Tin vui là thuốc zmapp (chứa 3 kháng thể đơn khác nhau) có hiệu quả đạt 100% trong điều trị virut Ebola ở khỉ nâu

Trong khi các nhà khoa học đang gấp rút thử nghiệm các loại vaccin, thuốc trị Ebola thì nghiên cứu mới đây của ĐH Massachusetts lại phát hiện thấy virut Ebola có tốc độ đột biến cực nhanh, điều này đồng nghĩa cuộc chiến chống Ebola của nhân loại có thể trở nên gay go quyết liệt hơn.

Virut Ebola lan truyền như thế nào ?

Virut Ebola được lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất tiết dịch cơ thể cũng như của động vật bị nhiễm bệnh, nhất là loài dơi ăn quả, hay khi con người ăn thịt các loài động vật hoang dã. Các triệu chứng bao gồm sốt, suy nhược cơ thể, đau cơ, nhức đầu và đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy thận và chức năng gan. Trong một số trường hợp còn xuất hiện cả chảy máu bên trong và bên ngoài. Quá trình ủ bệnh kéo dài từ 2 - 21 ngày.

Mặc dù căn bệnh này cho tới thời điểm hiện nay chưa có thuốc đặc trị nhưng việc phòng bệnh và nhanh chóng cách ly người bệnh sẽ hạn chế rủi ro phát tán virut.

Khám phá cơ chế đột biến siêu tốc của virut Ebola

Các nhà khoa học ở Viện Broad Massachusetts và Đại học Harvard (Mỹ) vừa thực hiện thành công dự án nghiên cứu hệ gen virut Ebola và phát hiện thấy virut gây bệnh Ebola (EVD) có tốc độ đột biến nhanh hơn giả định. Dự án nghiên cứu mẫu vật của 78 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh trong vòng 24 ngày đầu tiên khi dịch Ebola bùng phát tại châu Phi và phát hiện thấy có gần 400 mã đột biến di truyền, quá trình đột biến này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích hơn 99 hệ gen của virut Ebola. Căn bệnh xuất hiện lần đầu năm 1976 tại một làng hẻo lánh gần sông Ebola ở CHDC Côngo. Tuy các chủng EVD có mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng tổng thể, tỷ lệ tử vong thường vượt trên 90%. Gần đây, nhờ nỗ lực của con người và điều kiện sống được cải thiện nên tỷ lệ tử vong do EVD giảm xuống còn trên dưới 50%.

Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 300 mã đột biến di truyền, làm cho hệ gen của virut Ebola 2014 khác hẳn so với hệ gen của virut gây dịch EVD trước đây. Ngoài ra còn phát hiện thấy sự bùng nổ dịch bắt đầu từ một biến thể duy nhất mà con người mắc phải, sau đó truyền từ người sang người trong nhiều tháng liền. Đây cũng là những dữ liệu đầu tiên về hệ gen của virut Ebola được Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) cập nhật trước khi công bố phục vụ cho mục tiêu phòng chống bệnh EVD của nhân loại.

Lấy mẫu phẩm bệnh phục vụ cho nghiên cứu về virus Ebola.

Lấy mẫu phẩm bệnh phục vụ cho nghiên cứu về virus Ebola.

Năm 1976, khi xuất hiện lần đầu, dịch Ebola mới chỉ mang tính cục bộ ở những vùng cư dân thưa thớt ở Trung Phi với 318 ca mắc bệnh. Nhưng năm 2014, dịch đã lan ra nhiều quốc gia đông dân Tây Phi với xuất phát điểm là Guinea vào tháng 3/2014. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 26/8/2014, số ca nhiễm và tử vong do Ebola tại 4 quốc gia Tây Phi là Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đã lên tới 3.069 trường hợp, trong đó có 1.552 người bị tử vong.

GS. Pardis Saberri tại ĐH Harvad - người trực tiếp tham gia nghiên cứu cho biết, giống như các loại virut khác, theo thời gian, virut Ebola cũng ngẫu nhiên đột biến, nhưng tốc độ của nó lại rất nhanh nên mối nguy hiểm cũng rất lớn. Sử dụng kỹ thuật “giải mã triệt để” sâu gấp 2.000 lần so với các phép giải mã truyền thống đối với từng gen của virut Ebola nên các nhà khoa học hiểu sâu hơn về hệ gen virut của 78 bệnh nhân vừa mới mắc bệnh. Đặc biệt, nhờ các thiết bị hiện đại có độ phân giải cao, các nhà khoa học phát hiện thấy 395 mã đột biến làm thay đổi trình tự protein, “điểm nhấn” giúp cho việc chẩn đoán trong tương lai được thuận lợi hơn, đồng thời cho ra đời các loại vaccin và các liệu pháp trị bệnh mới.

Nhờ nghiên cứu về hệ gen virut Ebola, các nhà khoa học còn phát hiện thấy các dòng Ebola gây bệnh EVD năm 2014 có tổ tiên chung với virut gây dịch đầu tiên năm 1976. Một phát hiện bất ngờ từ công trình nghiên cứu nói trên là tìm ra được 2 chủng virut Ebola khác nhau của 10 phụ nữ tham dự lễ tang của một thầy lang ở Sierra Leone, người từng chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Guinea. Rất có thể, vị thầy lang này mang trong người tới 2 chủng virut Ebola hoặc những người phụ nữ nói trên đã vô tình mắc bệnh mà không biết, nhất là khi Ebola phát tán trong lãnh thổ Sierra Leone nên họ mang theo thêm một chủng virut Ebola thứ ba.

Cũng qua quá trình phân tích hệ gen của virut Ebola, các nhà khoa học đã hiểu được quá trình đột biến gen tác động tới hành vi của người bệnh. Ví dụ, đại dịch hiện nay có tốc độ lây lan cao hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn so với các dịch xuất hiện trước đây và nếu đúng như vậy thì hiện tượng đột biến gen có thể tác động đến hiện tượng nói trên. Tuy đột biến của virut Ebola là chuyện bình thường nhưng ở tốc độ quá nhanh, lại tồn tại trong cơ thể càng lâu thì mối nguy hiểm lại càng lớn.

Theo GS. Pardis Saberri, để giải mã hệ gen của các bệnh nhân nhiễm virut Ebola đã có tới 5 nhà khoa học phải đổi giá bằng chính sinh mạng của mình. Tất cả các nhà khoa học này đều không may mắn, nhiễm virut Ebola trong quá trình công tác tại Bệnh viện Kenema tại Sierra Leone.

Một trong những tin vui mới nhất vừa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thuốc zmapp (chứa 3 kháng thể đơn khác nhau) có hiệu quả đạt 100% trong điều trị virut Ebola ở khỉ nâu. Cuộc thử nghiệm đã được tiến hành với 18 con khỉ nâu bị nhiễm Ebola sau 5 ngày, giai đoạn được xem là muộn vì chúng thường chết sau 3 ngày mắc bệnh. Với kết quả trên, zmapp được xem là “thần dược” trong cuộc chiến chống Ebola của nhân loại trong tương lai gần. 

Khắc Nam (Theo CDC/DailyMail)

 


Ý kiến của bạn